Càng cận kề Tết, các mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết cũng đang “bùng nổ” từng ngày trên “chợ” online. Mật độ xuất hiện dày đặc nhất là các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang sức, bánh mứt, dịch vụ làm đẹp...
Từ phản ánh của người tiêu dùng (NTD) đến đường dây nóng của Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) với nội dung: "Facebook Trinh Jessica bán chăn ga gối đệm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn", Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT TP.HCM vào cuộc xác minh vụ việc.
Cục QLTT TP.HCM phối hợp với UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra Shop Trinh House (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do bà Trần Ngọc Tuyết Trinh làm chủ hộ kinh doanh. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, Shop Trinh House bán hàng không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đúng như NTD đã phản ánh.
Kết quả, Cục QLTT TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng đối với chủ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (bà Ngọc đã nộp phạt). Đồng thời, tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 113 bộ drap, 3 áo gối; 65 cái drap vải và drap chống thấm.
Cũng nhằm truy quét hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên môi trường Internet, trước đó, Cục QLTT TP.HCM phát hiện và xử lý 3 trang web bán hàng lậu gồm: website Shopnhatchaly.com (quận 1), tạm giữ 117 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do Nhật sản xuất, website ruouthuonghieu.com (quận 3), kinh doanh hàng hóa có điều kiện nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, website ruoungoai.net (quận Tân Phú) kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gồm: 12 chai rượu vang hiệu Finca Las Moras 13,5% do Argentina sản xuất, 12 chai rượu vang hiệu La Roca 13,5% do Chi Lê sản xuất.
Các website trên, ngoài bị phạt về hành vi kinh doanh sản phẩm nhập lậu, còn bị phạt do chưa thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định. Ngoài ra, còn 17 website khác trên địa bàn TP.HCM kinh doanh các sản phẩm: thực phẩm chức năng, bánh kẹo, đồng hồ, rượu, … Cục QLTT TP.HCM tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) kiểm tra, xử lý.
Có thể thấy, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, theo đó hàng hóa bán trên "chợ" online cũng ngày càng sôi động, nhộn nhịp, nhất là dịp Tết, nhu cầu mua sắm của NTD tăng mạnh.
Ngoài bán hàng trên các website của doanh nghiệp, sàn TMĐT, thì hình thức kinh doanh online trên Zalo, Facebook, live stream bán hàng... cũng "nở rộ" và kèm theo đó là hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... cũng được rao bán công khai. Nhiều trang Facebook, trang TMĐT giới thiệu sản phẩm là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng cho khách thì lại là hàng giả, kém chất lượng.
Nhan nhản shop online rao bán hàng loạt sản phẩm nước hoa, túi xách... giả các thương hiệu nổi tiếng Chanel, Dior, Calvin Klein... có mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm, rẻ hơn rất nhiều giá hàng chính hãng...
Anh P.V.N (ngụ ở quận 7, TP.HCM), đang kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm tại một sàn TMĐT cho biết: "Khi chưa bán hàng trên sàn TMĐT, ngày nào anh cũng nhận một vài cuộc điện thoại của các nhân viên của các sàn TMĐT chào mời, họ cam kết mỗi ngày sẽ "kiếm" cho tôi vài đơn hàng, lợi hơn nhiều so với chạy quảng cáo bán hàng trên Facebook. Tôi đồng ý mua một chỗ trên sàn TMĐT để bán hàng, cũng thực hiện các yêu cầu cam kết không bán hàng giả, hàng nhái... Tuy nhiên, trên thực tế việc cam kết này chỉ mang tính thủ tục, nên vi phạm diễn ra thường xuyên. Chỉ khi nào khách hàng phản ánh thì người bán mới bị sàn giao dịch nhắc nhở, còn khách không phản ánh thì thôi".
Đặc biệt, tại các live stream bán hàng, tình trạng người nổi tiếng (diễn viên, người mẫu, ca sĩ) quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc. Trong đó, có không ít sản phẩm không rõ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Đã có trường hợp, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật bị Cục QLTT TP.HCM kiểm tra, xử lý.
"Những sản phẩm quảng bá trên mạng khiến người mua khó phân biệt thật hay giả. Bộ Công thương cũng không có chức năng kiểm tra, thẩm định. Có không ít đối tượng trung gian, lấy sản phẩm đăng lên website, Facebook, nhưng khi có đơn đặt hàng thì đi lấy hoặc đặt hàng chỗ khác. Vì vậy, lực lượng chức năng đã gặp không ít khó khăn khi xử lý. Quan trọng nhất là phải tìm ra được nguồn gốc sản phẩm, kho hàng", ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng quản lý hoạt động TMĐT - Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết.
Tại TP.HCM, trong năm 2019, Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra chuyên ngành 7.432 vụ và hơn 75.000 vụ kiểm tra liên ngành. Tổng trị giá hàng hoá tiêu hủy hơn 46 tỷ đồng, số tiền phạt nộp ngân sách gần 114 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 18 vụ. Nhưng chỉ mới xử lý được 76 vụ gian lận TMĐT gồm các mặt hàng thời trang, giày dép, túi xách, đồng hồ, quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, bột ngọt.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT kèm theo đó là sự "ăn theo" của hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng. Vì vậy, cần có giải pháp tương ứng để TMĐT bức phá. Theo Tổng Cục QLTT, với đường dây nóng, trong một năm qua đã nhận trên 400 cuộc gọi, email từ người dân và doanh nghiệp, là nguồn tin quan trọng đã giúp lực lượng QLTT triệt phá nhiều vụ việc lớn về buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp để "trám" những lỗ hổng đang tồn tại.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) cho rằng, cần sửa đổi ngay các khung khổ pháp lý về quản lý sàn TMĐT theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ sàn. Bởi, các quy định hiện hành chưa gắn chặt trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với đối tác bán hàng trên sàn.
Bộ Công Thương cũng đã thành lập Tổ soạn thảo để sửa đổi Thông tư số 47 quy định về quản lý website TMĐT theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các chủ sàn TMĐT.