"Trung Quốc đã cam kết tăng nhập khẩu hàng Mỹ thêm 88,3% năm 2021 so với năm 2017. Tuy nhiên, nhu cầu gián đoạn kéo dài có thể khiến việc hoàn thành mục tiêu này khó khăn hơn", Panjiva Research cho biết trong một báo cáo tuần này. Hai nước mới ký thỏa thuận thương mại sơ bộ hồi giữa tháng, sau gần 2 năm căng thẳng.
Lo ngại nhu cầu các mặt hàng thiết yếu từ Trung Quốc sụt giảm đã kéo tụt giá nhiều sản phẩm được đề cập trong thỏa thuận thương mại. Tại Mỹ, giá đậu tương hôm thứ ba giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 5/2019. Giá ngô, lúa mỳ, dầu và dầu thực vật cũng lao dốc.
Đậu tương nhập khẩu tại một cảng ở Giang Tô (Trung Quốc). (Ảnh: Reuters) |
"Nhiều thành phố và ngôi làng bị phong tỏa không chỉ khiến dòng người, mà còn cả hàng hóa cũng tê liệt. Ví dụ, gia súc cần vận chuyển đến lò mổ cũng không được", Andrei Agapi - Giám đốc phụ trách nông nghiệp tại S&P Global Platts in Singapore cho biết.
Từ trước đó, giới phân tích đã lo ngại về mục tiêu mua hàng khổng lồ, do nó đòi hỏi Trung Quốc cần thay đổi đáng kể hoạt động thương mại và phải tích trữ lượng hàng hóa lớn dù trong nước không có nhu cầu. Bắc Kinh đến nay vẫn nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ chỉ mua hàng tùy theo nhu cầu nội địa.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh viêm phổi Vũ Hán lan nhanh trên toàn cầu. Đến sáng nay, Trung Quốc có thêm 42 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết lên 213. Số người nhiễm virus tại nước này đã tăng lên 9.356. Việc này đang khiến các thị trường toàn cầu chao đảo.
Các công ty Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại khi nhiều thành phố Trung Quốc bị phong tỏa. Thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) - tâm điểm của dịch bệnh lần này và các khu vực xung quanh như Hợp Phì hay Giang Tô đã bị cấm ra vào. Đây là những trung tâm sản xuất chính với các nhà máy Mỹ. "Một nghiên cứu của Panjiva cho thấy hơn 450 công ty Mỹ lấy nguồn cung từ các doanh nghiệp ở Hồ Bắc", báo cáo cho biết.
Foxconn là một trong 5 công ty tại khu vực Hồ Bắc xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Apple trước đó từng cảnh báo viêm phổi Vũ Hán có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ tại Trung Quốc. Dù vậy, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ tuần này khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền qua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Scott Kennedy - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược nhận định nhìn chung, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ khiến Trung Quốc khó tập trung vào thỏa thuận thương mại. Trên SCMP, Nick Marro - phụ trách thương mại toàn cầu tại EIU Hong Kong cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Sự bùng phát dịch bệnh đang gây khó cho kế hoạch mua hàng, không chỉ là vấn đề về logistics - do các tuyến giao thông bị gián đoạn - mà còn về sự chú ý của giới chức. Trung Quốc sẽ huy động hầu hết nguồn lực để giải quyết dịch bệnh. Cuộc chiến thương mại với Mỹ chắc chắn phải xếp sau", ông nói.
Theo VNE