Một nửa nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tê liệt vì virus Vũ Hán

Thứ hai, 03/02/2020, 11:17
Các doanh nghiệp ở 24 tỉnh thành Trung Quốc tiếp tục đóng cửa do dịch virus corona lan rộng. Cuộc thử nghiệm "làm việc từ nhà" lớn nhất thế giới đang diễn ra tại nước này.

Theo CNBC, doanh nghiệp tại các tỉnh thành này được yêu cầu tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 10/2. Điều đáng nói là các tỉnh thành này đóng góp hơn 80% tổng GDP và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Do đó, tình trạng chậm chễ trở lại với guồng quay kinh doanh, sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng và thương mại quốc tế của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định việc kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc kéo dài thêm một tuần trên toàn quốc sẽ khiến sản xuất công nghiệp trong tháng 1 và 2 của nước này sụt giảm tới 5-8%.

Thành phố Vũ Hán hoang vắng vì dịch virus corona.

Tại Bắc Kinh, chính quyền khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà tới ngày 10/2. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang bước vào cuộc thử nghiệm "làm việc từ xa" lớn nhất thế giới.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp nước này đang tìm cách duy trì hoạt động qua mạng Internet. "Đây là cơ hội tốt để chúng tôi thử nghiệm làm việc từ xa trên quy mô lớn", Bloomberg dẫn lời Alvin Foo, Giám đốc Reprise Digital ở Thượng Hải, cho biết.

"Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ cần rất nhiều cuộc thảo luận qua video và cuộc điện thoại", ông Foo nói.

Tiko Mamuchashvili, nhân viên cao cấp của khách sạn Hyatt ở Bắc Kinh, nhận được thông báo kỳ nghỉ lễ sẽ kéo dài đến ngày 10/2. "Làm việc từ nhà là cảm giác thật kỳ lạ. Với việc khách liên tiếp báo hủy phòng, tất cả những gì tôi có thể làm là trả lời thư điện tử", cô cho biết.

Với hàng loạt nhà máy, công ty hậu cần và cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc, việc kỳ nghỉ lễ kéo dài đồng nghĩa với tình trạng kinh doanh đình đốn. Nhà sản xuất ốp lưng điện thoại Casetify (Hong Kong) cho biết tất cả các nhà máy của hãng ở Trung Quốc đều đang đóng cửa.

Doanh số của Casetify ở Hong Kong sụt giảm nghiêm trọng. Lãnh đạo công ty thừa nhận không có "kế hoạch B" nào để xử lý tình hình.

"Điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa đến", nhà phân tích Ting Lu của Nomura dự đoán. "Chúng tôi cho rằng dịch virus corona sẽ gây hậu quả kinh tế đối với Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với dịch SARS năm 2003".

Theo Zing

Các tin cũ hơn