>> SBS tăng trần phiên thứ 8, Vn-Index lùi xuống 412 điểm
>> SBS: Có hay không cuộc chơi làm giá cổ phiếu!
>> SBS giao dịch mạnh sau thông tin bị kiểm soát
>> SBS chỉ được giao dịch 15 phút cuối phiên từ 23/07
Hai tuần qua, cổ phiếu SBS của CTCK Sacombank trở thành cổ phiếu “có sóng” lớn nhất trên sàn, khi tăng trần 9 phiên liên tiếp sau quãng thời gian giảm sàn 15 phiên liên tục trước đó.
Tuy nhiên, từ góc độ thống kê, cổ phiếu SBS đang có nhiều điểm tương đồng với tín hiệu đáng báo động của một cổ phiếu đang “nguy kịch”.
1. DN thua lỗ nặng và báo cáo tài chính (BCTC) tỏ ra kém tin cậy: Đây là điều đã xảy ra với các cổ phiếu BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết, cổ phiếu DVD của CTP Dược phẩm Viễn Đông trước khi chìm nghỉm và mất dạng vì bị hủy niêm yết.
Trong trường hợp của SBS, chất lượng BCTC có thể có vấn đề, vì từ quý IV/2011 mới bất ngờ khui ra các con số thua lỗ lớn và có nhiều dấu hiệu nghi vấn, con số lỗ lũy kế hiện cao hơn 1.400 tỷ đồng.
Cổ phiếu SBS vừa giảm sàn sau khi “dậy sóng” 9 phiên liên tục
2. Mất thanh khoản: Thanh khoản là yếu tố cần quan tâm hàng đầu khi NĐT mua cổ phiếu. Thời gian qua, một số cổ phiếu như DVD, VMG, DCC… bị hủy niêm yết đột ngột. Cổ phiếu không còn được giao dịch khiến NĐT mất trắng (DVD) hoặc đang cận kề với nguy cơ trắng tay (VMG, DCC).
Mọi rắc rối đều bắt đầu với việc lọt vào danh sách cổ phiếu bị cảnh báo. Tuy nhiên, vì mải mê theo những con sóng nên tín hiệu này thường không được giới đầu tư quan tâm đúng mức.
Từ ngày 19/7 vừa qua, cổ phiếu SBS rơi vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch trong 15 phút khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
3. Né tránh nghĩa vụ công bố thông tin: Các DN có vấn đề thường trì hoãn hoặc né tránh các nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc. Một năm trước đây, cổ phiếu DVD bị hủy niêm yết sau khi Dược Viễn Đông đã không công bố một loạt thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Đây là bài lớn cho những NĐT mạo hiểm đánh đu theo cổ phiếu của các công ty có dấu hiệu kém minh bạch. Hiện SBS vẫn chưa công bố BCTC quý II/2012 và cuối tháng 7 còn bị UBCK phạt 30 triệu đồng do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2011 và BCTC quý I/2012.
4. ĐHCĐ tổ chức muộn và hoãn tổ chức nhiều lần: Đây là tín hiệu cho thấy một DN đang có nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết. Cần nhắc lại là năm 2008, Bông Bạch Tuyết đã tổ chức ĐHCĐ muộn và sau đó mới vỡ ra nhiều ung nhọt.
Năm 2011, Descon mãi tới cuối tháng 8 mới tổ chức ĐHCĐ và bị hủy niêm yết đột ngột vào giữa tháng 10. ĐHCĐ của SBS diễn ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua vẫn trong khuôn khổ luật định, nhưng SBS đã phải chốt lại danh sách và dời ngày tổ chức tới 3 lần.
5. Sa thải, cắt giảm nhân sự mạnh mẽ: Đây là tín hiệu Công ty phải thu hẹp hoạt động và không chịu được gánh nặng chi phí. Tâm thư của Tổng giám đốc SBS Võ Duy Đạo mới đây được xem là động thái dọn đường cho đợt cắt giảm nhân sự mạnh mẽ tại SBS sắp tới.
Theo một số nguồn tin, đợt này SBS cắt giảm nhân sự từ gần 170 CBCNV hiện nay về trên dưới 100 người.
6. Dấu hiệu “ve sầu thoát xác”: Những con tàu thủng đáy thường bắt đầu với tín hiệu đàn chuột nối đuôi nhau rời tàu. Tương tự, một công ty đối diện với các kịch bản xấu, HĐQT thường tìm cách bán sạch cổ phiếu trước khi thị trường biết thông tin tồi tệ.
Báo cáo quản trị công ty trong quý II/2012 của SBS cho thấy, toàn bộ thế hệ lãnh đạo gắn bó lâu năm với Công ty đều đã bán sạch cổ phiếu. Hiện tại, tất cả đã từ nhiệm khỏi vị trí và rời khỏi SBS sau ĐHCĐ thường niên giữa tháng 6 vừa qua.
7. Vướng mắc pháp lý: Đây là điều nhiều công ty đã gặp phải trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc. Tiêu biểu nhất là trường hợp của Dược phẩm Viễn Đông với việc nhiều lãnh đạo cao cấp vướng vòng lao lý với tội danh làm giá cổ phiếu.
Hiện tại, hồ sơ nặc danh tố cáo các sai phạm của một số nguyên lãnh đạo DN đã được gửi tới một số cơ quan báo chí và cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, có một số hồ sơ rất chi tiết, được xem là có bút tích của lãnh đạo SBS. Đơn thư tố cáo nhiều lãnh đạo SBS đã “làm xiếc” 4 cổ phiếu, trong đó có chính cổ phiếu công ty mình. Hiện sự việc đang được xác minh.
8. Lãnh đạo đương nhiệm không chắc chắn về tương lai công ty: Cả năm trời trước khi cổ phiếu BAS bị hủy niêm yết bắt buộc, ông Võ Tấn Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Basa đã cho biết, Công ty có khả năng phá sản nếu như BAS không được bơm thêm vốn.
Trong tâm thư mới đây về đợt cắt giảm nhân sự, Tổng giám đốc SBS cho biết: “Không thể phủ định một sự thật đơn giản rằng, SBS không còn đủ khả năng và điều kiện để trang trải, sử dụng năng lực của nhân viên”.
Trước đó, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT SBS cũng thổ lộ trên báo chí rằng: “Mọi quyết định quan trọng liên quan đến SBS đều phải được ĐHCĐ thông qua, trong đó không loại trừ khả năng SBS hủy niêm yết”.
9. Tin xấu dồn dập vẫn tăng trần: Đây có thể coi là cú “úp sọt” cuối cùng của giới đầu cơ giăng ra để thoát hàng. Điều này đã xảy ra với một loạt cổ phiếu như VKP, VSP… Số phận các cổ phiếu này sau đó như thế nào, giới đầu tư đều đã biết!
10. Truyền thông tài chính dồn dập đưa tin xấu: Một tháng gần đây, SBS là cổ phiếu có tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tất cả đều là các thông tin thiếu tích cực.
Trên TTCK có một trường phái đầu tư “phản xu hướng” (làm ngược lại đám đông) khá hiệu quả. Tuy nhiên, nếu định áp dụng vào trường hợp SBS có thể là một sự đánh cược nguy hiểm, khi cổ phiếu này đã hiện diện 9 dấu hiệu xấu nêu trên.
Theo ĐTCK