Ngồi chơi vẫn có lãi: Sự bất thường đáng lo

Thứ bảy, 04/08/2012, 07:17
Quý II, khá nhiều DN công bố lợi nhuận ấn tượng hoặc không đến nỗi tệ song thực tế, phần lớn không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Thậm chí, có những DN gần như không hoạt động nhưng vẫn có lãi.


>> Bị "treo" nợ trên 2.000 tỷ đồng, Vinacomin dọa cắt cung
>> Chứng khoán SME ra sao sau khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch bị bắt?
>> HAG: Bỏ ra 15 triệu USD mua lại trái phiếu Credit Suisse
>> Chính thức ra mắt bộ chỉ số PVN-Index
 

Thay vì vui mừng, DN lại đang lo sốt vó khi nhìn về dài hạn khó khăn vẫn chưa thể rời xa.

Doanh thu giảm, vẫn có lãi

Tiếp tục xu hướng khó khăn từ năm 2011, doanh thu của nhiều doanh nghiệp trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ chứng kiến sự suy giảm mạnh trong nửa đầu năm 2012. Tuy nhiên, trong tình hình xấu như vậy, nhiều đơn vị lại công bố mức lãi khá bất thường.

Trường hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) là 1 ví dụ. Trong quý II/2012, doanh thu của công ty này đạt vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng (so với vốn 340 tỷ đồng).

Mặc dù hoạt động gần như không có gì, nhưng trong quý II, VIG bất ngờ công bố lãi 19,62 tỷ đồng (so với khoản lỗ 33,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước). Khoản lợi nhuận này thực chất đến từ khoản hoàn nhập từ đầu tư chứng khoán và dự phòng đầu tư ngắn hạn khác 25,54 tỷ đồng.

 


Đây cũng là điều dễ hiểu bởi trong năm 2011 TTCK đã lao dốc rất mạnh. Các khoản lỗ do đầu tư trong năm trước đã được trích lập dự phòng thì nay đã được hoành nhập lại.

Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM) thậm chí còn không còn phát sinh doanh thu trong quý II và 6 tháng đầu năm (cùng kỳ là 15,51 tỷ đồng và 41,03 tỷ đồng doanh thu thuần) nhưng nhờ được hoàn nhập 1,79 tỷ đồng chi phí quản lý mà lợi nhuận quý II/2012 đạt 1,79 tỷ đồng và 6 tháng đạt 1,33 tỷ đồng.

Trong trường hợp của Công ty Cổ phần Nhà Thủ Đức (TDH), doanh thu quý II giảm tới 73% so với cùng kỳ và chỉ đạt gần 35 tỷ đồng (so với vốn 380 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng, TDH lãi 5,26 tỷ đồng nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 10 tỷ đồng.

Tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lợi nhuận khá ấn tượng hoặc không đến nỗi tệ phổ biến trong các doanh nghiệp niêm yết trong quý II và 6 tháng đầu năm.

Có thể kể ra như: SAM (lãi lớn nhờ thanh lý bất động sản và riêng hoàn nhập hơn 40 tỷ đồng); BVH (6 tháng hoàn nhập 130 tỷ đồng khiến lợi nhuận đạt 590 tỷ đồng); SSI (hoàn nhập dự phòng giảm chứng khoán lên tới 210 tỷ đồng).

TH1 (quý II hoàn nhâp 13 tỷ, lãi 7,8 tỷ đồng); VE2 (quý II hoàn nhập 969 triệu đồng, lãi 377 triệu đồng); NHS (quý II: doanh thu giảm 14,5%, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 2,6 lần so cùng kỳ do doanh thu tài chính tăng mạnh và hoàn nhập dự phòng); APG (quý II: doanh thu 2,4 tỷ đồng, lãi 4,8 tỷ nhờ hoàn nhập)...

May rủi theo chứng khoán

Nhìn vào hàng loạt doanh nghiệp nói trên có thể thấy nếu không có hoạt động tài chính hoặc/và không có những khoản hoàn nhập dự phòng (do đã trích lập và thua lỗ trong năm trước) thì rất nhiều các doanh nghiệp như APG, TH1, VE2, TDH, BGM, VIG... đều thua lỗ.

Trong trường hợp của đại gia bất động sản SJS của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà, có thể thấy, trong quý II/2012 do không còn được hoàn nhập dự phòng giống như quý I và hoạt động đình trệ nên doanh nghiệp này đã phải chứng kiến cảnh thua lỗ hiếm thấy.

Cụ thể, trong quý II/2012, SJS đã lỗ 13,14 tỷ đồng do trong kỳ không phát sinh doanh thu (doanh thu thuần âm 1,93 tỷ), trong khi vẫn phải trang trái các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng, chi phí tài chính...

Trước đó, trong quý I/2012, SJS đã thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng 23 tỷ đồng.

ALP của Công ty Cổ phần Alphanam cũng rơi vào trường hợp tương tự. Doanh nghiệp này như bao doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quý II, do không còn bệ đỡ tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp này đã tụt giảm xuống chỉ còn 736 triệu đồng.

Cụ thể, trong quý II, chi phí giá vốn của ALP tăng cao khiến công ty lỗ gộp 1,64 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, còn 1,01 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 12,79 tỷ đồng. Đây là lý do chính khiến cho doanh nghiêp có mức lãi rất khiêm tốn trong quý vừa qua.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, ALP lãi 5,14 tỷ đồng (so với 25,92 tỷ đồng cùng kỳ năm trước).

Như vậy có thể thấy, ngoài hàng loạt đại gia báo cáo lỗ hoặc lợi nhuận tụt giảm trong quý II (như: PVX lỗ 300 tỷ, PVF giảm 82%, KDC lỗ 40 tỷ, LCG giảm 90%, KLS lỗ 11,5 tỷ, VOS lỗ 43 tỷ, MBS lãi 5,5 tỷ, so với vốn 800 tỷ, QCG lãi 361 triệu đồng/vốn 1.200 tỷ), thì có rất nhiều doanh nghiệp có lãi khá ấn tượng hoặc không đến nỗi tồi nhưng trong đó có nhiều điều bất thường.

Điều bất thường lớn nhất có thể thấy là đa số có doanh thu tụt giảm (thậm chí không có doanh thu, doanh thu âm hoặc doanh thu rất ít). Hơn thế, nhiều khi doanh thu lại đến từ những mảng hoạt động khác, không phải đến từ hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.

Lợi nhuận, trong khi đó, lại đến chủ yếu từ hoàn nhập dự phòng hoặc từ những khoản bất thường khác.

Hiện tượng này cho thấy 1 điều là, các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng rất khó khăn, đang ở tình trạng sản xuất kinh doanh đình trệ. Lợi nhuận chỉ là tạm thời và trong các quý tiếp theo, thua lỗ là khó tránh khỏi.

Số liệu về lạm phát trong tháng 7 vừa qua cũng đã phần nào phản ánh được thực trạng tổng quát của các doanh nghiệp hiện nay. Con số chỉ số giá tiêu dùng âm khá mạnh (-0,29%) tháng thứ 2 liên tiếp cho thấy sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh.

Doanh nghiệp theo đó sẽ khó bán hàng hóa. Một khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn và bên bờ phá sản thì tình trạng nợ xấu sẽ còn tăng lên nữa. Nền kinh tế theo đó sẽ còn tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Để giải quyết tình trạng này, thì có lẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ tài khóa và kích cầu là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, việc quá tập trung vào đẩy mạnh đầu tư công cũng cần phải cân nhắc thật kỹ bởi tái cấu trúc nền kinh tế (để đạt được hiệu quả cao) thì điều đầu tiên phải nhắm tới là cải cách đầu tư công.

Theo ông Thành, có rất nhiều thứ mà chỉ cần Nhà nước định hướng và bỏ tiền ra và tư nhân có thể làm được hết.


 

Theo VEF

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn