“Ai chịu đựng nổi!?”

Thứ bảy, 04/08/2012, 07:28
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thay vì để DN phải tăng giá tránh lỗ do giá thế giới cao, Chính phủ nên giảm thuế nhập khẩu và trích quỹ bình ổn giá.
“Tôi thật sự lo ngại với cách điều hành giá như hiện nay của Bộ Tài chính và Công Thương.

Chính phủ vừa đưa ra gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể hơn, ngày 30-7, Chính phủ đã ban hành nghị quyết với nhiều chính sách như giảm thuế 30% cho DN, miễn thuế thu nhập cá nhân sáu tháng cuối năm 2012… 

 
Thế mà trong vòng một tháng, giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas, nước sạch, viện phí đều tăng cao. Điều này tác động rất lớn đến DN và người dân, DN đã khó lại thêm khổ.

Trong một lúc Chính phủ thực hiện hai việc trái chiều nhau khiến dư luận khó hiểu, băn khoăn về cách điều hành chính sách”. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

 
Tôi thực sự lo ngại về cách điều hành giá như hiện nay của Bộ Tài chính và Công Thương.

Kỳ vọng và thất vọng
 
Những ngày qua, dư luận rất bất bình vì trong một tháng mà rất nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas đều tăng giá? Bà có suy nghĩ gì về điều này?
 
Nhiều DN đã kỳ vọng các bộ, ngành tìm cách hỗ trợ, tháo nút thắt vốn, lãi suất bao nhiêu thì nay việc tăng giá các mặt hàng đầu vào làm cho DN và người dân thất vọng bấy nhiêu!

Các mặt hàng tăng giá vừa qua đều được Nhà nước vận hành và kiểm soát trực tiếp, tuy nhiên mới chỉ dừng lại điều hành giá chứ chưa vận hành theo cơ chế thị trường bởi chúng ta chưa có cơ chế thị trường, tức là chưa cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng.

Vấn đề này báo chí và chuyên gia kinh tế nói nhiều lần nhưng xem ra cơ quan điều hành chưa tiếp thu.

 
. Cả nền kinh tế đang dồn sức cứu DN bằng việc hạ lãi suất cho vay, giải phóng hàng tồn kho, nôm na là tháo đầu ra. Trong khi đó, liên bộ Công Thương - Tài chính lại cho tăng giá đầu vào. Vô hình chung chúng ta hô hào cứu DN cũng như không, thưa bà?
 
Đúng thế, đây là chính sách điều hành không thiết thực, đầu ra thì tháo mà đầu vào tăng, hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cho DN và người tiêu dùng.

Hiện nay, mặc dù việc tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, đang trong quá trình thương thảo với các ngân hàng đưa lãi vay về mức hợp lý nhưng DN vẫn có một niềm tin vào điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

DN chưa kịp mừng thì giá cả đầu vào tăng khiến DN tháo được chỗ này lại phình ở chỗ kia, niềm tin giảm sút. Bởi niềm tin của DN và dư luận phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của Chính phủ, nó là cơ sở để đóng góp cho sự bình ổn của nền kinh tế khó khăn.

 
Đừng để DN tạo sức ép lên các bộ
 
Biết rằng giá cả thế giới tăng thì giá trong nước tăng là điều khó tránh khỏi nhưng nhiều ý kiến cho rằng thay vì tăng giá, Bộ Tài chính nên chỉ đạo trích quỹ bình ổn hoặc giảm thuế nhập khẩu cho DN. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?
 
Tôi đã từng phản ánh nhiều lần đừng bao cấp giá các mặt hàng mà Nhà nước nắm chi phối. Trong trường hợp nếu mặt hàng đó tăng với lý do chính đáng, đưa ra minh chứng cụ thể, tạo niềm tin cho xã hội thì tăng giá là điều chấp nhận.
 
Tuy nhiên, một thực tế các mặt hàng thiết yếu của chúng ta đang ở tình trạng độc quyền, phụ thuộc lớn vào DN chi phối. Tôi xin dẫn chứng, giá điện tăng từ 1-7 nhưng Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Bộ Công Thương lại không giải trình hợp lý, để cho DN đưa ra những con số đơn giản mà không có sự so sánh tăng-giảm ra sao, thời điểm nào…
 
Với cách tính của ngành điện và thực trạng thua lỗ kinh doanh của EVN, cứ ba tháng tăng giá một lần mức 5%, tính ra mỗi năm tăng trên 20%, đó là chưa kể mức chênh lệch giữa các lần.

Hay như xăng dầu, 10 ngày điều chỉnh giá, nếu tăng thì không quá 7%/lần, tính chung một tháng khoảng 20%, kể cả mức chênh lệch các lần tăng nữa thì cũng phải lên đến 25%. Với mức tăng như thế người dân và DN làm sao chịu nổi?!

 
Ở đây cái cốt yếu nằm ở các bộ chủ quản không có sự thúc ép đối với DN, ngược lại luôn tạo điều kiện để cho DN thực hiện quyền độc quyền chủ động khi điều chỉnh giá. Chính DN lại tạo sức ép lên các bộ.
 
Vậy thay vì để các DN tăng giá để tránh lỗ thì bộ ngành quản lý cần làm gì?
 
Tôi nghĩ trong điều hành chính sách giá, đừng làm cho mọi việc khó hiểu, người dân rất muốn minh bạch rõ ràng, đơn giản.

Đáng ra, trong lúc giá xăng dầu thế giới lên cao, thay vì để DN trong nước tăng giá, Bộ Tài chính nên sử dụng quỹ bình ổn giá hay giảm thuế nhập khẩu. Đừng mỗi lần giá lên cao lại đưa người tiêu dùng ra gánh.

 
Chỉ thành công trước mắt
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng qua đều ở mức âm, tại họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam dự báo CPI tháng 8 có thể tiếp tục âm. Liệu đây có phải cái cớ để cơ quan điều hành cho các DN tăng giá mặt hàng thiết yếu?

Tất nhiên trong lúc lạm phát giảm, việc tăng giá các mặt hàng năng lượng, lương thực không tác động đến chỉ số CPI, bởi nhiều dự báo cho rằng lạm phát cả năm nay chỉ khoảng 7%-8%.

Như vậy là Chính phủ thành công kiềm chế lạm phát dưới hai con số. Tuy nhiên, các nhà điều hành chính sách mới chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà họ không tính đến sự đình trệ của cả nền kinh tế.

Các nhà quản lý hãy thử dạo một vòng ngoài thị trường xem có bao nhiêu cửa hàng treo biển giảm giá, khuyến mãi 50% mà vẫn không bán được hàng, nhiều siêu thị điện máy hàng tồn kho chất đống, không có tiền trả thuê mặt bằng. Vậy việc để tăng giá lúc này có nên không?

 
Theo bà, với hoàn cảnh hiện nay, chúng ta nên có những điều chỉnh ra sao để hài hòa cho DN và nền kinh tế?
 
Tôi xin nhấn mạnh với cách điều hành giá thị trường theo kiểu “nửa vời” như hiện nay thì rất khó thay đổi, chỉ khi nào có sự cạnh tranh đúng nghĩa, sát thực tế thì may ra mới giải quyết được.
 
Tôi có cảm giác bộ chủ quản và cơ quan điều hành giá đang phó thác hết cho DN độc quyền rồi đổ trách nhiệm cho họ. Các bộ vẫn chưa làm hết trách nhiệm giám sát sự minh bạch, thay mặt người dân để bảo vệ quyền lợi.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng nói: “Giải pháp của mọi giải pháp là chúng ta phải công khai và minh bạch về chính sách, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”. Thế nhưng tính đến nay cách điều hành giá xem ra lại đi ngược với cam kết.

 
Xin cảm ơn bà.
 
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến hết tháng 7, cả nước có gần 40.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 247.000 tỉ đồng, giảm 12,7% về số DN và 11,6% số vốn so với cùng kỳ 2011. Đồng thời, có hơn 30.000 DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2011.
 
Theo Pháp Luật TP

Các tin cũ hơn