Vốn điều lệ 500 tỷ đồng, sẽ phát hành trái phiếu lãi suất 0% để mua lại nợ xấu của ngân hàng trong vòng 5 năm, không dùng tiền ngân sách mua nợ xấu... là những điểm đáng lưu ý trong đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đang được trình Chính phủ chờ thông qua.
Mua hết nợ xấu
Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp tại Đà Nẵng diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiết lộ, đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đang được cơ quan này trình lên Chính phủ. Mọi thủ tục để VAMC ra đời gần như đã hoàn tất, dự kiến tháng 4/2013 VAMC sẽ đi vào hoạt động.
Trao đổi với PV, một chuyên gia tham gia vào đề án xây dựng VAMC cho hay, VAMC sẽ có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thuộc sự quản lý của Nhà nước. VAMC được mua nợ của các tổ chức tín dụng, được sử dụng quyền của chủ nợ trong việc thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý nợ, có quyền điều chỉnh cơ cấu lại khoản vay, điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành cổ phần của khách vay, bán tài sản đảm bảo…
Dự kiến VAMC sẽ mua lại 100% giá trị nợ trên sổ sách của các nhà băng
VAMC sẽ không dùng tiền ngân sách mua lại nợ xấu mà sẽ mua 100% nợ giá trị trên sổ sách của ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu trong thời hạn 5 năm, lãi suất 0%. Ngược lại, các nhà băng bán nợ mỗi năm sẽ phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu. Các ngân hàng sẽ dùng loại giấy tờ có giá này để thế chấp vay NHNN qua hình thức tái chiết khấu. Tuy nhiên, mức tái chiết khấu mà NHNN đưa ra chỉ là 40% giá trị trái phiếu.
Điểm đáng lưu ý là khi VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng, sau 5 năm, nếu khoản nợ xấu không bán được, ngân hàng cũng đã trích lập đủ 100% trái phiếu để trả trái phiếu cho VAMC đồng thời nhận khoản nợ xấu về.
Tuy nhiên, lúc này, khoản nợ xấu đó đã được xóa trong bảng kế toán của ngân hàng, có nghĩa là đã được làm sạch (vì ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%). Ngược lại, nếu xử lý được nợ xấu, thanh lý được tài sản đảm bảo thì tổ chức tín dụng chỉ được thu hồi về 85% giá trị, còn VAMC sẽ được hưởng 15%.
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, VAMC ra đời mang một ý nghĩa tích cực trong tiến trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Ông tiết lộ, các nhà băng sẽ khó chây ỳ trong giải quyết nợ xấu, bởi theo quy định tất cả các ngân hàng có nợ xấu trên 3% đều bắt buộc phải bán nợ xấu cho AMC nếu được yêu cầu.
Chỉ VAMC thôi có đủ?
Sự ra đời của VAMC tới đây chắc chắn sẽ giải tỏa được phần nào tảng băng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay, nhất là giải quyết vấn đề niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân đối với hệ thống ngân hàng.
Nhưng liệu VAMC ra đời có giải quyết được tận gốc số nợ xấu khổng lồ hiện nay. Câu trả lời là, chỉ được 50% số nợ xấu hiện tại. Đánh giá cao việc thành lập VAMC nhưng TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN lo lắng với số vốn chỉ 500 tỷ đồng sẽ chẳng thấm vào đâu so với con số nợ xấu trong hệ thống nhà băng đã lên tới gần 100.000 tỷ đồng.
"Số vốn này chỉ đủ mua 1-2 khoản nợ là hết, rồi các khoản nợ còn lại sẽ giải quyết ra sao. Chắc chắn với số vốn hiện có, VAMC sẽ phải "chọn mặt gửi vàng" khi lựa chọn mua những khoản nợ xấu" – TS. Kiêm nhìn nhận.
Mối lo lớn hơn mà TS. Kiêm đề cập đó là việc chuyển giao nợ xấu từ ngân hàng sang VAMC chỉ là giải pháp giãn nợ, giúp bảng cân đối tài chính của nhà băng "sạch" tạm thời trong vòng 5 năm. Nếu sau 5 năm khoản nợ mà VAMC mua của các ngân hàng không bán được để thu hồi vốn về thì món nợ xấu đó sẽ quay trở lại ngân hàng, coi như vẫn còn nguyên.
"Mua khoản nợ nào, loại tài sản nào thì phải tính toán rất kỹ để có thể thu hồi và quay vòng vốn, chứ không thể mua một cách ồ ạt được. Do đó, xử lý nợ xấu VAMC chỉ là một kênh thôi" – cố vấn cấp cao của NHTMCP Đông Á lên tiếng.
Thực tế thời gian qua nợ xấu trong hệ thống giảm là do các nhà băng tăng trích lập dự phòng và cơ cấu lại nợ, chứ chưa được xử lý dứt điểm.
Đồng tình việc thành lập VAMC sẽ giải quyết được mối lo nợ xấu, nhưng TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, muốn "quét" nợ xấu nhanh chỉ có cách vừa "kết hợp tiền tươi thóc thật" và kết hợp vực dậy những thị trường "vệ tinh" như chứng khoán, bất động sản.... vực dậy "sức khỏe" của DN.
DN "khỏe" lên, có tiền trả nợ ngân hàng, khi đó mới giải quyết được hết các khoản nợ cũ và trách phát sinh các khoản nợ mới.
Theo Infonet