Những khoảnh khắc thảm họa trong lịch sử AFF Cup

Thứ sáu, 21/11/2014, 13:33
Trong chiều dài lịch sử, giải đấu AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup) chứng kiến không ít khoảnh khắc thảm họa, thậm chí tới mức nghiệp dư. Hãy điểm qua những “trò lố” trong lịch sử giải đấu này.

HLV Tavares (Việt Nam) từ chức giữa giải (Tiger Cup 2004)

Edson Tavares là HLV nước ngoài đầu tiên của ĐT Việt Nam và từng giúp chúng ta thi đấu thành công ở cúp Độc lập năm 1995. Tuy nhiên, lần trở lại của ông năm 2004 lại là thảm họa.

Ở kỳ Tiger Cup 2004 được tổ chức trên sân nhà, chiến lược gia người Brazil đã biến ĐT Việt Nam trở thành nỗi thất vọng lớn khi bị loại ngay từ vòng bảng. Thậm chí, HLV Edson Tavares đã từ chức ngay khi giải đấu vẫn diễn ra (sau trận thua 0-3 trước Indonesia). Dưới sự dẫn dắt của trợ lý Trần Văn Khánh, tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng an ủi với tỷ số 3-0 trước Lào ở lượt đấu cuối.

HLV Tavares của tuyểnViệt Nam từ chức khi Tiger Cup 2004 vẫn diễn ra

HLV Tavares của tuyển Việt Nam từ chức khi Tiger Cup 2004 vẫn diễn ra.

Malaysia ngăn chặn bán độ (Tiger Cup 2000)

Vì lo ngại ĐTQG bán độ ở Tiger Cup 2000, LĐBĐ Malaysia (FAM) đã phải cắt cử lực lượng an ninh theo sát các tuyển thủ trong cả giải đấu. Lý giải về điều này, Tổng thư ký FAM khi đó, Dell Akbar Khan cho biết: “Đó là động thái ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài, đảm bảo cho các cầu thủ tập trung tâm trí để thi đấu. Đây là lần đầu tiên lực lượng an ninh tháp tùng ĐTQG và chúng tôi có thể áp dụng điều này trong tương lai”.

Philippines không có sân nhà thi đấu (AFF Cup 2010)

Sau khi lọt vào vòng bán kết AFF Cup 2010 (thi đấu hai lượt), ĐT Philippines đối diện với thực tế oái ăm rằng họ không có SVĐ đủ điều kiện thi đấu. Cuối cùng, HLV Simon McMenemy phải thi đấu cả hai lượt trên sân của Indonesia và họ phải nhường vé vào chung kết cho đối thủ.

HLV Singapore yêu cầu cầu thủ uống… nước thánh (Tiger Cup 2000)

Sau chức vô địch may mắn ở Tiger Cup 1998, ĐKVĐ Singapore đã trình diễn bộ mặt thất vọng ở giải đấu sau đó hai năm. Họ bị loại ngay từ vòng bảng sau những thất bại trước Malaysia và Việt Nam. Đáng chú ý, ở giải đấu này, HLV Vincent Subramaniam đã yêu cầu các cầu thủ uống nước thánh trước mỗi trận đấu nhưng điều đó chẳng giúp Singapore tránh khỏi nỗi thất vọng.

Thủ môn Myanmar tấn công trọng tài (AFF Cup 2008)

Trong trận đấu giữa Singapore và Myanmar ở vòng bảng đã xuất hiện tình huống tranh cãi. Ở thời điểm Singapore đang dẫn trước đối phương với tỷ số 2-1, họ tổ chức tình huống đá phạt nhanh trong bối cảnh cầu thủ Myanmar vẫn nằm sân. Sau đó, Noh Alam Shah đã tận dụng cơ hội này để ghi bàn thắng. Quá bức xúc về quyết định của trọng tài Phùng Đình Dũng, thủ môn Aung Aung Oo đã chạy tới và xô ngã ông, dẫn tới lộn xộn trên sân.

Sau đó, HLV ĐT Myanmar, Carlos Antonio Falopa đã phải vào sân để giải quyết tình hình. Với hành động nóng nảy, thủ thành Aung Aung Oo đã phải nhận thẻ đỏ và bị treo giò một trận.

Hỗn chiến trong trận Malaysia - Indonesia (Tiger Cup 2004)

Trận bán kết giữa Malaysia và Indonesia đã phải hoãn lại hai ngày vì sóng thần ở đất nước vạn đảo. Trong trận đấu vào ngày 28/12 tại Jakarta, Malaysia đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1. Ở cuộc tái đấu trên sân nhà, Malaysia tiếp tục vượt lên dẫn trước với tỷ số 1-0 trong hiệp 1. Điều đó khiến những CĐV chủ nhà vô cùng phấn khích. Họ đã ném pháo sáng xuống sân, gây ẩu đả trên khán đài. Trớ trêu, trong hiệp 2, Indonesia đã ghi tới 4 bàn thắng để lọt vào chung kết.

Chiếu laser trên khán đài trong trận chung kết AFF Cup 2010

Lại thêm một trận đấu giữa Malaysia và Indonesia xuất hiện sự cố. Trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2010 tại Kuala Lumpur, các cầu thủ Indonesia đã bị chiếu laser liên tục từ trên khán đài. Hậu quả, họ thất bại với tỷ số 0-3.

Những người Indonesia đã quyết định chơi đẹp trong trận lượt về. Trước trận đấu, Tổng thống nước này, Susilo Bambang Yudhoyono đã lên tiếng kêu gọi: “Không ai được sử dụng đèn laser. Chúng ta hãy phát huy tinh thần thể thao”. Kết quả, Indonesia đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1 nhưng không đủ để đưa họ lên ngôi vô địch.

Cơn mưa thẻ đỏ của Myanmar (Tiger Cup 2004)

Mười năm trước, Myanmar trình làng thế hệ cầu thủ trẻ vô cùng triển vọng. Họ đã kết thúc vòng bảng ở vị trí đầu bảng B, trên cả Thái Lan lẫn Malaysia. Trong trận bán kết lượt đi ở Yangon, Myanmar đã thúc thủ 3-4 trước Singapore trong trận đấu đầy quả cảm. Lượt về, Myanmar đã tạo nên địa chấn khi dẫn trước chủ nhà Singapore với tỷ số 2-0 sau 50 phút thi đấu. Tuy nhiên, chiếc thẻ đỏ của Yan Paing đã thay đổi tất cả.

Singapore đã gỡ được một bàn thắng và trong thời gian còn lại, Myanmar tiếp tục bị đuổi hai cầu thủ nữa (Moe Kyaw Thu và Zaw Lynn Tun), khiến họ bước vào hiệp phụ với chỉ 8 người. Tất nhiên, đội chủ nhà đã tận dụng rất tốt lợi thế này để ghi 3 bàn vào lưới Myanmar. Cuối hiệp phụ, tới lượt thủ môn Myanmar nhận thẻ đỏ sau hành động ném chai nước vào người cầu thủ Singapore.

Thái Lan rời sân phản đối trong tài (AFF Cup 2007)

Hành động nghiệp dư này xuất hiện trong trận chung kết AFF Cup 2007 giữa Thái Lan và Singapore. Phút 82, khi tỷ số đang là 1-1, trọng tài cho Singapore hưởng một quả phạt trong một tình huống gây tranh cãi. Để phản đối trọng tài, các cầu thủ Thái Lan đã rời khỏi sân, bất chấp tiếng la ó của CĐV Singapore. Sau 15 phút, họ mới tiếp tục trở lại thi đấu và hứng chịu thất bại 1-2 ở lượt đi. Trong cuộc tái đấu, Thái Lan đã bị đối thủ cầm chân với tỷ số 1-1 và mất chức vô địch.

Tự đá về lưới nhà để tránh gặp Việt Nam (Tiger Cup 1998)

Trong trận đấu cuối cùng vòng bảng, cả Thái Lan và Indonesia đều cố gắng… thua để tránh gặp Việt Nam ở bán kết. Do đó, trận đấu diễn ra với thế trận rất mở. Khi tỷ số là 2-2, hậu vệ Effendi của Indonesia đã tự sút về lưới nhà ở phút cuối, đẩy Thái Lan lên ngôi đầu bảng và đụng độ với chủ nhà Việt Nam. Đây vẫn là vết nhơ khó gột rửa nhất trong lịch sử AFF Cup/Tiger Cup.

Theo Dân trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích