Nỗi khổ của HLV Miura trong 2 năm làm việc với bóng đá Việt Nam

Thứ sáu, 04/12/2015, 08:30
Có nhiều bằng chứng cho thấy trong 2 năm dẫn dắt ĐT U23 và ĐTQG Việt Nam, HLV Miura không được toàn quyền tự quyết về chuyên môn cũng như nhân sự.

HLV Miura tiết lộ rằng, ông rất muốn triệu tập Quế Ngọc Hải lên ĐT U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á lần này nhưng nguyện vọng của ông thầy người Nhật đã bị VFF từ chối. Ông Miura buộc phải tuân theo quyết định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, dù là chuyện chẳng đặng đừng.

Ông Miura rất muốn triệu tập Quế Ngọc Hải nhưng đành phải nghe lời VFF

Tuy nhiên, không thể triệu tập Quế Ngọc Hải chỉ là một trong rất nhiều lần trong năm qua ông Miura phải nghe lời VFF về chuyên môn cũng như quyết định nhân sự của đội tuyển.

Những quyết định... khó hiểu

Một ngày trước khi công bố danh sách chốt đội hình cho trận đấu lượt về với Thái Lan, bầu Đức và VFF đã có một buổi làm việc với nhau tại Hà Nội. VFF đã phát ra thông báo qua buổi làm việc ấy rằng bầu Đức bị nhắc nhở về những phát ngôn với HLV Miura. Sau đó, Công Phượng đã có 45 phút được ra sân ở hiệp 2.

Việc sử dụng Công Phượng trong 2 trận gặp Thái Lan và Iraq đến bây giờ vẫn là một dấu hỏi liệu đây có phải quyết định thuần túy của HLV Miura hay bị áp lực từ bên ngoài?

Trong khi, tại sao tiền đạo có phong độ cao Lê Văn Thắng bị gạch tên, dù trong buổi tập hôm đó anh ghi tới 7 bàn thắng trong buổi tập và được HLV Miura tỏ ra rất thích thú đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Phía VFF nói Văn Thắng bị chấn thương, nhưng cầu thủ này hoàn toàn khỏe mạnh và đầy quyết tâm để ra sân mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Có một số ý kiến cho rằng ông Miura buộc phải sử dụng Công Phượng để làm vừa lòng bầu Đức cũng như dư luận lúc đó đang lên tiếng đòi ông phải từ chức. Ý kiến trên không phải không có lý do.

Trước đó, khi ĐT Việt Nam sang Thái Lan để chuẩn bị cho trận lượt đi với đội bóng xứ chùa vàng, ông Miura vừa mới đặt chân đến đất Thái thì ở nhà người của VFF đã tiết lộ danh sách cầu thủ dự SEA Games 28, bất chấp việc ĐT U23 Việt Nam còn trận đấu giao hữu với Myanmar tại Quảng Ninh.

Ông Miura đã khẳng định ông chưa hề chọn ai, bỏ ai vì phải chờ sau trận giao hữu với Myanmar, nhưng kết quả sau đó cho thấy danh sách chính thức mà vị chiến lược gia người Nhật công bố tương tự như danh sách mà thành viên VFF tiết lộ cho báo giới.

Thực tế, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura luôn xảy ra tình trạng, ông thầy người Nhật chưa công bố thì bản danh sách đã được tuồn ra ngoài cho giới truyền thông như một cách thử lòng dư luận. Điều đó làm nảy sinh nghi vấn, phải chăng nhân sự của đội tuyển có sự can thiệp từ bên ngoài?

Ông Miura không thể tự mình quyết định

Trong 2 năm, ông Miura đã gọi lên ĐTQG và ĐT U23 Việt Nam tới cả 100 cầu thủ. Đương nhiên, trong số này, vị chiến lược gia người Nhật không thể nhớ mặt, đặt tên hết mọi cầu thủ để gọi lên nhiều đến vậy. Thế nên, đa phần các tân binh lên tuyển đều do bộ phận phụ trách chuyên môn của VFF đề xuất.

Có lẽ, chính vì việc mỗi lần hội quân lại có số lượng rất đông cầu thủ mà ngay cả người hâm mộ còn không biết đó là ai (đặc biệt cầu thủ từ các đội Hải Phòng, Than Quảng Ninh), ông Miura đã buộc chọn cách làm dung hòa, đó là sử dụng những cầu thủ đã từng làm việc với mình trong đội hình chính thức, bất chấp phong độ hiện tại của cầu thủ ấy là không tốt.

Nói cách khác, trong cách làm việc của mình, ông Miura đều cố gắng dung hòa giữa sự lựa chọn của VFF và sự lựa chọn của mình, và đương nhiên như thế rất khó có thể đạt hiệu suất công việc một cách tốt nhất. Mà bằng chứng, so với năm 2014, thì năm 2015, ông Miura gặp vấn đề lớn trong việc chọn người, trong đó đa phần là chọn sai, cũng như không giới thiệu được gương mặt mới, điều mà năm 2014 ông đã làm rất tốt.

Muốn làm ở Việt Nam, phải học cách... nghe lời

Trong bài phỏng vấn một tờ báo của Nhật Bản cuối năm 2014, HLV Miura đã kể về cuộc sống cũng như công việc phải làm khi nhận lời dẫn dắt ĐT U23 và ĐTQG Việt Nam. Đáng chú ý có chi tiết, vị chiến lược gia sinh năm 1963 này tiết lộ ngày mới sang Việt Nam, ông đã được ông Tashima - Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản dặn dò phải học cách nghe lời ý kiến từ lãnh đạo VFF.

“Nhiều khi tôi bực mình vì kế hoạch và lịch thi đấu cứ thay đổi xoành xoạch, tôi hỏi ông Tashima thì ông ấy bảo không vấn đề gì. Ông ấy bảo tôi không được phép cãi nhau, và tôi làm quen với điều đó. VFF cũng hỗ trợ tôi rất nhiều, nhưng cũng có những lúc phải thỏa hiệp vì sự can thiệp từ bên ngoài.”

Quả thực, trong suốt 2 năm vừa qua, rất nhiều lần người ta thấy rõ ông Miura đã phải chấp nhận thỏa hiệp với VFF về kế hoạch chuẩn bị cũng như vấn đề nhân sự của đội tuyển, chứ không thể toàn quyền quyết định.

Đặt lên bàn cân thì có thể thấy việc được dẫn dắt ĐTQG và ĐT U23 Việt Nam đã mang lại cho ông Miura rất nhiều thứ. Ở Việt Nam, ông được xem là thần tượng của giới trẻ, đi ra đường được xem như người đặc biệt. Chưa kể, ông có thể thi thố tài năng của mình với các đội bóng khác ở châu Á, danh tiếng của ông lan rộng hơn rất nhiều so với dẫn dắt một đội bóng J.League 2.

Nếu không giữ được chiếc ghế của mình, ông Miura có thể lại phải trở về với công việc của một bình luận viên, hoặc cùng lắm là dẫn dắt một đội bóng vô danh nào đó ở Nhật. Trong bài toán này, giữa được và mất, rõ ràng vị chiến lược gia người Nhật cũng có lý của mình khi chấp nhận thỏa hiệp.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích