Báo động đỏ…

Chủ nhật, 08/01/2012, 06:25
Hơn 10 ngày qua, dư luận đã chai sạn và ngán ngẩm với cuộc đấu về bản quyền truyền hình…

 

Có cầu thủ châm biếm nhắc lại câu: “Các bác đánh nhau xong chưa để chúng cháu đá bóng”; các trọng tài thì mệt mỏi than: “Mở mắt ra là đấu luật, là bản quyền trong khi bản thân chúng tôi, những người làm nhiệm vụ thì lương và tiền làm nhiệm vụ thì không có nên cứ phải tạm ứng từ người thân. Bao giờ thì cuộc đấu này dứt để mọi người tập trung vào chuyên môn?”…

Cuộc đấu vẫn tiếp diễn và đủ loại võ độc đã được tung ra kể cả những chiêu bẩn nhất, cùn nhất và hèn nhất.

Không ít người bình luận rằng chiêu khẳng định VPF chưa đủ tư cách pháp nhân để điều hành những giải đấu chuyên nghiệp là chiêu độc nhưng không khôn của LĐBĐ VN. Bởi việc khẳng định VPF chưa đầy đủ những thủ tục cần thiết để điều hành các giải thì cũng có khác gì bôi bẩn vào mặt mình. Ai cũng biết nếu LĐBĐ VN không trao quyền thì VPF không thể tổ chức cơ mà. Thậm chí việc không trao quyền nhưng cử các quan chức, các cán bộ và các bộ phận của LĐBĐ VN cùng tham gia điều hành giải cũng đủ để thấy những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đang rất tùy tiện trong ứng xử và cũng rất phi luật.

Về nguyên tắc, VPF phải là thành viên của LĐBĐ VN nhưng nay thì mối quan hệ trên đã rạn nứt. Ảnh: quang thắng

Trên các diễn đàn của người hâm mộ, phần lớn đều “theo” VPF và phản đối LĐBĐ VN qua cuộc đấu dai dẳng trên.

Không hẳn cứ người hâm mộ nghiêng về ai hoặc ủng hộ ai là người đó đúng hoàn toàn nhưng phải thừa nhận một sự thật đó là LĐBĐ VN không còn gì để có thể đọng lại trong người hâm mộ một chút niềm tin.

Xâu chuỗi các sự kiện như tổng kết mùa giải 2011; chối bỏ trách nhiệm từ thất bại ở SEA Games 26; tiểu xảo lá trái, lá phải để giữ ghế ông tổng thư ký và đá ghế HLV Goetz; hội cổ động viên tặng các ủy viên ban chấp hành rượu tự trọng; bản quyền truyền hình 20 năm với AVG… cho thấy bây giờ LĐBĐ VN làm gì cũng bị nghi ngờ, bị phản đối và thậm chí là không có cả sự hậu thuẫn của người hâm mộ.

Đấy cũng là lý do khi các ông bầu đứng lên nắm cuộc chơi thì đa số đều ủng hộ họ. Sự ủng hộ cho một cái mới, một tư tưởng mới cũng là sự đồng thuận cho việc đạp đổ cái cũ mà đã từ rất lâu, niềm tin của người hâm mộ đã không còn hiện hữu ở đấy nữa.

Một cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam mà không có được niềm tin nơi người hâm mộ và các đội bóng thì cách tốt nhất là những nhà điều hành từ chức và tiếp theo là đại hội bất thường để thay máu thực sự.

Một cơ quan điều hành mà không có ai đủ dũng khí cầm lái trong việc “kết nạp” thành viên mới như VPF và đang cuống cuồng đỡ đòn lẫn chữa cháy thì có xứng tầm với một tổ chức xã hội lớn nhất?

Đã có những phân tích đánh vào bản hợp đồng 20 năm sẽ lòi ra rất nhiều chuột. Và song song đấy còn có ý kiến cho rằng phải mạnh lắm, thế lực lắm mới đánh được lũ chuột đang đục khoét (!?).

Vì thế mà chuyện chưa có đủ tư cách pháp nhân (như khẳng định của LĐBĐ VN) mà vẫn điều hành, vẫn đánh và vẫn lấy đủ các quyền để làm mới, làm một cuộc cách mạng trong bóng đá đang được hậu thuẫn lớn. Và chính sự hậu thuẫn đấy đã khiến những cơ quan mà đáng lẽ ra phải lên tiếng để cuộc chiến dai dẳng trong bóng đá có điểm dừng vẫn chưa dám lên tiếng.

Trong ba bộ mà bầu Kiên gửi công văn đề nghị trả lời tính hợp pháp của một bản hợp đồng chỉ mới có Bộ VH-TT&DL lên tiếng. Đáng tiếc là sự lên tiếng này cho thấy việc từ chối trách nhiệm theo kiểu “đừng dây vào tôi” qua cách trả lời của đại diện Bộ - người phát ngôn Tô Văn Động: “… Bộ đồng ý về mặt chủ trương trong việc ký bản quyền truyền hình nhưng các điều kiện cụ thể là việc của nội bộ LĐBĐ VN… Trường hợp các bên không giải quyết được với nhau thì giải quyết bằng luật pháp…”.

Báo động đỏ cho bóng đá Việt Nam khi cái gì từ Liên đoàn (tổ chức xã hội duy nhất được Nhà nước trao quyền điều hành bóng đá) cũng đều bị “chống” trong khi mọi giao dịch với bóng đá khu vực, với quốc tế thì FIFA, AFC và AFF chỉ làm việc với LĐBĐ VN.

Rối!

Theo Phapluattp.

 

 

Các tin cũ hơn