Vì sao bầu Đức bất lực trong việc hạ bệ ông Mùi?

Thứ sáu, 03/03/2017, 14:37
Giải quyết cái ghế của ông Mùi chưa chắc bóng đá nội đã khá hơn, nhưng còn vướng mắc chỗ đó thì ắt còn lụn bại. Vấn đề là rất khó hạ bệ ông Mùi, trừ khi ông từ chức.

Bầu Đức cũng như những người ước mong làm bóng đá tử tế đều phẫn nộ trước những sai trái của giới trọng tài, được bao che, nâng đỡ bởi ông Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi. Ông Đức không ngại ngần công kích: "Cứ đuổi ông Mùi là xong hết"!

Nhưng với tư cách Phó chủ tịch VFF, tuyên bố của bầu Đức vẫn không đủ trọng lượng. Bằng chứng là rất nhiều thành viên trong Liên đoàn lại xoay sang phản đối ông chủ HAGL, khi ông nặng lời với ông Mùi.

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng mới đây phát biểu "đâu phải chỉ cách chức ông Mùi là bóng đá Việt Nam phát triển". Ông Thắng nói đúng, nhưng có lẽ là chưa đủ. Bởi nếu ông Mùi còn ngồi đó, rất nhiều vấn đề bức xúc từ chuyên môn đến tâm lý, từ trách nhiệm đến niềm tin đều đang đi vào ngõ cụt.

Chiếc ghế của ông Mùi vững bền nhờ được đảm bảo bởi một nhóm lợi ích đang chi phối bóng đá Việt Nam?

Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi có hoàn thành nhiệm vụ của mình hay không, tất cả đều đã rõ. Hàng loạt sai phạm của giới cầm còi xảy ra liên tiếp, năm này qua năm khác, lỗi sau đè lỗi trước, thiên biến vạn hóa mà không có cách gì… "cầm máu". Người ta bảo nếu có văn hoá từ chức, hẳn là ông Mùi đã phải tự rời ghế của mình lâu rồi mới phải.

Đúng ra thì ông Mùi cũng đã… hy sinh chút đỉnh. Đấy là việc xảy ra hồi tháng 8/2016, khi các thuộc cấp của ông mắc quá nhiều sai phạm, đỉnh điểm là Hà Anh Chiến tưởng tượng ra quả 11 m và ông Mùi bị dư luận công kích cực độ.

Sự tồn tại của ông Mùi lúc ấy bị đem ra mổ xẻ. Tưởng như ông sẽ bị tước hết quyền lực, nhưng rốt cuộc, ông vẫn được bật đèn xanh cho an tọa ở vị trí quan trọng hơn, dễ thao túng hơn là Trưởng ban trọng tài.

Trước thời điểm đó, ông vẫn một mình ngồi hai ghế: Trưởng ban trọng tài VFF và Phó ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Tới đây, chúng ta cũng nên “hồi tưởng” lại một chút về dòng chảy của ông Nguyễn Văn Mùi, cũng có thăng có trầm, nhưng chưa bao giờ thôi vùng vẫy.

Năm 2011, sau khi bầu Kiên kích nổ quả bom ném vào công tác trọng tài tại lễ tổng kết mùa giải, Hội đồng trọng tài quốc gia mà ông Mùi làm Chủ tịch bị giải tán. Bầu Kiên, đại diện cho quyền lực lớn nhất tại VPF, làm như vậy với mong muốn đào tận gốc liên minh giữa trọng tài và VFF đang lũng đoạn các giải đấu quốc nội.

Thay vào đó, Ban trọng tài VFF được thành lập với mục đích thoát khỏi sự chi phối kể trên. Ban này hoạt động độc lập, tự chủ, không liên quan gì đến công tác tổ chức giải đấu, do ông Dương Vũ Lâm làm Trưởng ban và cựu trọng tài, thầy giáo Đoàn Phú Tấn làm Phó ban.

Công tác trọng tài từng được cải thiện đáng kể khi ông Mùi vắng bóng trong mùa giải 2012, nhưng khi ông trở lại Trưởng ban từ 2014 thì tình hình trở nên tồi tệ. Con trai ông, trọng tài Nguyễn Trọng Thư (ảnh) liên tiếp mắc sai lầm nhưng chỉ "rút kinh nghiệm". Ảnh: Quốc Bảo.

Nhưng đến cuối năm 2012, bầu Kiên vướng vòng lao lý, lập tức Ban trọng tài có biến. Sau một nghi án liên quan đến việc trọng tài bắt trận Thanh Hoá - HAGL (mùa giải 2013) nhận quà 100 triệu, ông Lâm và ông Tấn bị đình chỉ làm nhiệm vụ.

Đáng chú ý, thông tin “quà cáp” do chính thành viên của Ban trọng tài tiết lộ ra ngoài, và mặc dù tính chính xác của nó chưa bao giờ được kết luận, cú scandal này coi như đã dọn đường cho ông Nguyễn Văn Mùi trở lại nắm quyền Trưởng ban từ tháng 4/2014.

Đến năm 2015, ông Mùi lại được cơ cấu làm Phó ban tổ chức giải để vừa đá bóng vừa thổi còi, “một thực tế trái khoáy chỉ có ở ta” - như chuyên gia Trịnh Minh Huế từng phân tích. Và từ thời điểm đó, công tác trọng tài ngày càng mang nhiều tai tiếng.

Cũng chính vì được hậu thuẫn đến tận răng, ông Mùi dù uy tín chạm đáy nhưng uy quyền lại lên đỉnh. Ông được bảo vệ bởi nhiều thứ dây mơ rễ má, nhưng đưa ra công luận thì nó được “định dạng” bởi hai yếu tố: luật và các lá phiếu.

Về luật, với tư cách Trưởng ban trọng tài “riêng một góc trời”, ông Mùi miễn nhiễm trước mọi thế lực “tấn công”, dù người đó có là Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Thậm chí, các cơ quan quản lý Nhà nước trên VFF cũng không thể tác động đến chiếc ghế này bởi quy định của FIFA không cho phép can thiệp vào vấn đề nhân sự của các liên đoàn bóng đá quốc gia (nếu can thiệp, đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ bị cấm tham gia các giải đấu quốc tế do FIFA tổ chức).

Nơi duy nhất có thể tước quyền của ông Mùi là Ban chấp hành VFF nhưng thực tế, ông Mùi luôn được ủng hộ bởi số đông (năm 2016, có đến 16/21 thành viên Ban chấp hành VFF đồng ý ông tiếp tục giữ chức Trưởng ban trọng tài).

Tất nhiên, nhìn vào những lá phiếu ủng hộ ông Mùi, có thể đặt nghi vấn quá nửa cùng chung chiến tuyến, và phần còn lại thì ôm nỗi sợ hãi bị trả thù - như phân tích của cựu còi vàng 2006 Dương Mạnh Hùng, một người hiểu chuyện và từng là nạn nhân khi đứng một mình một tuyến.

Với tình thế đó, dù có họp hết cuộc này sang cuộc khác, đưa ra hết giải pháp này đến cải cách khác, bóng đá nội vẫn chỉ là cuộc chơi của một nhóm người. Không ai có thể hạ bệ ông Mùi, trừ khi chính ông từ chức, vì lòng tự trọng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn