Ông Dũng là người kinh qua rất nhiều CLB, từ Thể Công, Hoà Phát Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng… Vốn được tiếng “không màng thế sự”, nhưng những gì mắt thấy tai nghe về giới trọng tài qua những năm làm nghề đã hằn vào ký ức của ông như một thách thức phi chuyên môn.
“Theo tôi được biết thì trọng tài đến địa phương nào làm nhiệm vụ đều có công tác phí theo tiêu chuẩn của Ban tổ chức giải, nhưng thực tế thì họ không bao giờ phải động đến khoản tiền đó. Tất cả chi phí ăn, ở, di chuyển, thậm chí tiền tiêu vặt cũng do Ban tổ chức địa phương lo hết”, ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng bảo rằng các đội bóng khổ sở vì trọng tài cứ trước vòng đấu là... trò chuyện. Ảnh: Quốc Bảo. |
Nhà cầm quân lão luyện kể rằng, các đội bóng sợ quân ông Mùi như sợ cọp. Họ không sợ đối thủ mạnh, chỉ sợ trọng tài ép: “Bị trọng tài ghét là coi như… chết!”.
Có một cái lệ rất quái đản là trước mỗi vòng đấu, các đội bóng đều phải bung hết các giác quan ra mà nghe ngóng xem trọng tài nào sẽ bắt trận đấu của mình. Nghe ngóng được rồi thì tìm cách liên hệ, trò chuyện. Ông Dũng nhắc đến trò chuyện bằng nụ cười mai mỉa.
“Dĩ nhiên, cũng có những trận đội bóng không liên lạc trước với trọng tài. Khi ấy, họ sẽ chủ động gọi điện đến, ra giá luôn là muốn thắng thì sẽ bồi dưỡng bao nhiêu”.
Chúng tôi đặt câu hỏi, nếu trường hợp đội bóng từ chối “hợp tác” với trọng tài thì sao? Ông Dũng bảo, cũng có đội bóng không đồng ý, nhưng đa số đều phải làm theo, vì họ lo ngại lắm: “Không phải chỉ một trận, một sân, mà trọng tài có cả một tổ chức với nhau, anh làm cho họ ghét thì mãi mãi anh không ngóc đầu lên được”.
HLV Vương Tiến Dũng bất giác bật cười khi nhớ đến một câu chuyện về đội Cần Thơ đầu những năm 2000. Khi ấy, CLB chấp thuận mang một khoản tiền đến “bồi dưỡng” tổ trọng tài, nhưng về sau lại phát hiện ra “người vận chuyển” là một ông Phó giám đốc Sở TDTT… ăn bớt. Vị này bị cách chức, còn vụ việc bị đồn thổi ầm ĩ, nhưng tất cả lại đâu vào đấy, bởi ai cũng hiểu thực trạng chung.
Đến năm 2005, đại án trọng tài nổ ra, nhiều trọng tài, trong đó có cả những người “đạn bắn không thủng” bị xử tù, nhưng không phải vì thế mà tình trạng vòi vĩnh, mè nheo chấm dứt. Bầu Kiên năm 2011 căm phẫn mà rằng “trọng tài bây giờ còn tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn… họ từng ra giá với tôi 500 triệu cho một trận thắng”.
Nhà cầm quân họ Vương không chỉ đích danh, nhưng ông chia sẻ rằng nếu không được bao che, chống lưng từ trên xuống dưới thì các trọng tài chẳng thể ngang nhiên kiếm tiền một cách trắng trợn như vậy.
Lúc này, dù đã rời xa ghế huấn luyện, ông Dũng vẫn thường xuyên ra sân Hàng Đẫy xem bóng đá, mỗi lần có những đồng nghiệp cũ của ông đến làm khách của Hà Nội. Và ông bảo chừng nào chưa có cuộc cách mạng thật sự về hệ thống điều hành trọng tài, chừng đó nỗi sợ hãi của các đội bóng còn chưa chấm dứt.
Theo Zing