Trái với vẻ điềm nhiên của trọng tài Nguyễn Trọng Thư khi ngồi bàn trên sân Hàng Đẫy, rất nhiều đồng nghiệp của ông dường như bị “khớp”. Họ tự ám ảnh rằng sau những gì đã diễn ra, trọng tài mới là nhân vật chính bị “soi” ở các sân bóng, và bất cứ sai sót nào cũng rất dễ lên đoạn đầu đài.
Trọng tài chính cùng ê-kíp với ông Thư là Trần Văn Lập, cả trận đấu cố gắng giữ vẻ mặt bình thản sau mỗi pha thổi phạt. Nhưng cận cảnh vào mắt ông, người ta dễ dàng nhận ra sự bối rối, hoang mang mỗi khi cầu thủ trên sân phản ứng.
Cái cách cầm còi của ông Lập cho thấy tâm lý “an toàn là bạn”. Ông luôn thổi sớm, thổi ngay khi có va chạm mà không quan tâm lắm đến lợi thế hay mức độ của pha bóng có đáng thổi phạt hay không.
Trọng tài Trần Văn Lập (phải) bị chỉ trích nhiều trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Quốc Bảo. |
Vô tình, ông Lập băm nát trận đấu – vốn dĩ không thực sự hấp dẫn – bằng những tiếng còi vụn vặt của mình. Nhưng trong và sau trận, ông vẫn bị cả hai đội phàn nàn.
Phía Bình Dương thì cho rằng họ bị phạt quá nhiều trong những tình huống tranh chấp hợp lệ, còn Hà Nội cũng chẳng hài lòng nổi với một vài lần họ bị thiệt thòi, có lẽ là do trọng tài “ngại” mang tiếng thiên vị chủ nhà – bầu Hiển.
Tuy nhiên, tâm lý vừa thổi còi vừa dò xét bộc lộ rõ nhất ở trọng tài Trần Đình Thịnh, người được chỉ định làm nhiệm vụ “nhạy cảm” trên sân Long An. Có vẻ như ông Thịnh quá “nương tay” với đội bóng đang khổ sở vì chịu án, nên đã bỏ qua ít nhất 2 quả 11 m (bóng chạm tay trong vùng cấm) và… quên luôn rút thẻ vàng khi Văn Nam có hành động phản cảm đá bóng vào đầu A Hoàng của HAGL.
Dù sao thì ông Thịnh cũng còn may, vì HAGL có một nền tảng văn hoá đủ tốt để chấp nhận cuộc chơi theo cách chuyên nghiệp nhất, và điều quan trọng hơn cả là họ… vẫn thắng. Nói như cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng, nếu không phải HAGL mà là đội khác, kết quả khác, ông Thịnh có thể bị kiện như chơi.
Trọng tài Trần Đình Thịnh suýt... gây họa trên sân Long An. Ảnh: Quốc Bảo. |
Cũng ở vòng đấu này, 2 trọng tài khác cũng bị “điểm danh” là Hoàng Phạm Công Khanh (trận Quảng Nam – Thanh Hoá) và Nguyễn Ngọc Châu (trận TP.HCM – Cần Thơ). Ông Khanh bị cả hai HLV Petrovic và Hoàng Văn Phúc chê chuyên môn kém, thổi nhiều tình huống non, còn ông Châu - đương kim còi vàng - bị cả đội Cần Thơ xúm vào phản đối một pha… phạt ngược.
Tất nhiên, nếu so với những sai sót làm rung chuyển cả trận đấu từng xảy ra với các ông Nguyễn Đức Vũ, Nguyễn Trung Kiên B… thì tuần này, công tác trọng tài có thể coi là êm ả. Các đội bóng hẳn là cũng nhìn gương Long An mà tự kiềm chế bản thân.
Nhưng có hai hình ảnh mà khán giả dù muốn dù không, vẫn cảm thấy cái gì đó gờn gợn. Ông Nguyễn Trọng Thư - nhân vật chính trong vở hài kịch Long An - xuất hiện trên sân Hàng Đẫy, cùng lúc ông Nguyễn Đức Vũ - bị đình chỉ từ vòng 2 - quay trở lại cầm còi ở sân Vinh.
Cả hai trường hợp này, Ban trọng tài đều đóng cửa mà tự xử. Ông Vũ sau khi nhận án treo còi nội bộ “không xác định thời hạn”, được bố trí trọng tài thứ 4 từ vòng 6, và đến vòng 7 thì bắt chính. Có lẽ, ông Thư sau trận ngồi bàn ở vòng này, đến vòng 8 cũng sẽ lại cầm còi.
Quanh đi quẩn lại, vẫn là những con người cũ, những vòng quay cũ. Nếu có gì đó mới, hẳn chỉ là những áp lực nặng nề hơn, tâm lý sợ sệt tăng cường hay những sai lầm kiểu khác.
"Hài kịch sân Thống Nhất tối 19/2"
Sự việc xảy ra cuối trận đấu thuộc vòng 6 V.League 2017, giữa đội chủ nhà câu lạc bộ TP.HCM và Long An. Bình luận viên HTV (Đài truyền hình TP.HCM) đã phải thốt lên "đây không phải bóng đá, mà là vở hài kịch" khi chứng kiến sự cố.
Sau khi bị trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi penalty ở phút 80, các cầu thủ Long An bỏ ra sát đường biên dọc để phản ứng. Khi bước vào cầu môn để bắt quả penalty, thủ môn Minh Nhựt đã có hành động quay lưng lại cầu thủ đối phương để mặc bóng bay vào lưới.
Trong 2 tình huống đội TP.HCM ghi bàn nâng tỷ số lên 4-2 và 5-2, toàn bộ cầu thủ đội khách để bỏ mặc cầu môn cho tiền đạo đội chủ nhà đá vào lưới trống.
Theo Zing