Chúng tôi liên tục bị soi trong thời gian diễn ra giải đấu, từ những lời ong tiếng ve cho đến những quả bom về truyền thông. Những ai ở gần Hoàng Anh Tuấn đều nhận ra anh già đi rất nhanh. Một ngày anh chỉ ngủ 2-3 tiếng. Những bữa hiếm hoi ngủ ngon có lẽ được 5 tiếng, đấy là tôi tính thời gian khi Tuấn trở về phòng và quay trở ra. Còn anh ấy có ngủ được trong thời gian ấy hay không thì không biết.
Một ngày Tuấn làm việc 16-17 tiếng. Coi băng hình đến độ "tẩu hỏa nhập ma". Coi băng ở đây không nhẹ nhàng như xem phim đâu, mà xem đi xem lại từng đường bóng, từng tình huống phòng ngự, từng pha phản công để cho ra một đấu pháp mà anh cho là hợp lý nhất, sau khi tham khảo ý kiến của Ban huấn luyện.
Nhiều người luôn đưa ra nhận xét khi trận đấu đang hoặc đã diễn ra, có lẽ chỉ cho sướng miệng. Còn chúng tôi phải làm việc từ trước khi nó diễn ra. Chúng tôi phải chọn ra đấu pháp mà chúng tôi tin là tốt nhất. Còn vào trận, diễn biến lại là một chuyện khác. Thế mới có câu: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Trợ lý HLV Trần Minh Chiến trên sân tập ở U20 World Cup 2017. |
Tôi không trách một số nhà báo hoặc các nhà bình luận, vì đó là công việc của họ. Tôi chỉ chạnh lòng khi những nhận xét tiêu cực lại đến từ những người từng làm công tác huấn luyện, những người có tiếng nói nhất định trong làng bóng đá Việt Nam. Hơn ai hết, họ phải hiểu những nhận định tiêu cực trong lúc giải đang diễn ra là điều không nên. Bao nhiêu công sức mà anh Tuấn và chúng tôi bỏ ra, nghe những lời chỉ trích ấy, thần kinh thép hay sao mà không hụt hẫng.
Nhưng đó chỉ chuyện nhỏ, cầu thủ dao động mới là chuyện lớn. Khi giải đang diễn ra, mọi thứ suôn sẻ không nói gì. Nhưng chỉ cần chệch đi một chút, cầu thủ nhớ lại những lời chỉ trích trên báo, sẽ bị mất tinh thần ngay, nhất là với những cầu thủ dự bị. Họ sẽ nghĩ: "Tôi đá hay thế này, sao không dùng tôi, hóa ra ông chỉ là một HLV tầm thường như lời ông A, ông B nói mà thôi".
HLV Hoàng Anh Tuấn và các cộng sự nhận không ít chỉ trích trong và sau khi kết thúc giải đấu ở Hàn Quốc. |
Chúng ta biết rõ với sự giúp đỡ của mạng xã hội ngày nay, những thông tin xấu loan đi rất nhanh. Những bài khen ngợi sẽ bị vùi lấp bởi những bài chê bai, chỉ trích. Và mỗi khi cầu thủ rơi vào trạng thái yếu lòng nhất - điều dễ xảy ra ở những cầu thủ trẻ - những lời bình phẩm kia sẽ xác tín cho sự lung lay niềm tin của họ
Về việc lấy băng thủ quân của Quang Hải trao cho Trọng Đại Trước khi đi Hàn Quốc, HLV Hoàng Anh Tuấn tước băng thủ quân của Trọng Đại (đội trưởng từ vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2015 đến thời điểm đó) và trao cho Quang Hải. Nhưng đến trận đấu chót của Việt Nam với Honduras, băng thủ quân được trao lại cho Trọng Đại. Khi anh Tuấn thông báo quyết định của mình, Hải đã nói: "Thôi thầy đứng nói với Đại, để con nói cho". Từ cách ứng xử của Hải, cộng với các sinh hoạt, thi đấu mà tôi quan sát được, tôi tin Hải có tiềm năng để trở thành một cầu thủ lớn trong tương lai. |
Cầu thủ trẻ luôn cần những thần tượng. Chúng soi vào thần tượng của mình để nỗ lực, vươn lên. Khi đã trưởng thành, chúng sẽ tự có nhận định của mình, và chuyển sang thần tượng người khác. Nhưng ngay lúc này, giữa giải đấu, việc đạp đổ thần tượng của lũ trẻ liệu có công bằng không, có phải là việc nên làm không?
Những hy sinh thầm lặng
Khi đặt chân đến Hàn Quốc, Ban huấn luyện phải dậy từ 7h, gọi cầu thủ, ăn sáng, di chuyển, tập sáng tập chiều, có khi tập tối. Khi các cầu thủ đã về phòng ngủ thì Ban huấn luyện vẫn ngồi lại trao đổi, mổ băng, có khi đến tận 2-3h sáng. Rồi đến 7h hôm sau phải dậy như cũ. Khối lượng công việc khủng khiếp lắm. Cho nên khi người ta không ghi nhận, tôi cảm thấy rất buồn. Rồi sau này khi anh Tuấn xong nhiệm vụ với U20, trở lại U19, các cầu thủ trẻ sẽ nhìn anh với ánh mắt nào sau khi đã đọc được những gì mà "người lớn" nói về thầy của chúng?
Khi buông lời chỉ trích, có lẽ người ta quên mất Tuấn cũng là một con người, cũng có bổn phận phải gánh vác, cuộc sống cá nhân phải chăm lo và những đứa con phải chu toàn. Nhận lời đi World Cup, Tuấn biết mình sẽ phải xa gia đình suốt hai tháng rưỡi. Anh bỏ lại sau lưng một căn nhà đang xây dở, một người mẹ đang đau ốm và hai đứa trẻ không muốn rời xa bố.
Cái đêm trước khi rời Nha Trang đi Hà Nội, chúng tôi có ngồi nhậu với nhau. Rồi nhớ con quá, anh Tuấn mới về nhà một chút. Mẹ anh ra mở cửa, ngồi một chút thì anh gọi hai đứa con xuống. Vừa nhìn thấy bố, chúng ôm chặt lấy anh, chỉ sợ buông ra là bố sẽ đi mất.
Tôi mau nước mắt, bèn nói: "Thôi anh ở lại ngủ với tụi nhỏ đêm nay đi, 9h sáng mai mới đi". Nhưng anh Tuấn kiên quyết phải đi. Anh bảo: "Lỡ người ta thấy thì lại không hay. Với lại mình làm thầy, phải làm gương cho vận động viên chứ". Rồi anh cũng kiên quyết ra đi. Sự thiêng liêng của tình cha con phải nhường chỗ cho sự thiêng liêng của Tổ quốc. Để rồi thỉnh thoảng, anh cũng khóc khi nhớ lại quyết định "tàn nhẫn" của mình đêm ấy.
Kể những chuyện này ra, tôi hoàn toàn không có ý phê phán, quy chụp gì. Nhưng tôi nhớ một câu ngạn ngữ của Tây phương: "Nếu không thể nói ra những điều tốt đẹp, bạn vẫn có thể im lặng".
Thể lực - Một câu chuyện dài
Tôi biết nhiều người vẫn đang phân vân về bài toán thể lực của Việt Nam. Những bài báo viết về cuộc tập huấn tốt nhất xưa nay hay nền tảng thể lực của U20 Việt Nam tốt chưa từng thấy còn chưa ráo mực, chúng ta đã chạy như đi bộ ngay trong hiệp hai của trận đấu với New Zealand. Tại sao lại như vậy?
Trên thực tế, chúng tôi đã "chốt" trận đấu với New Zealand từ trước khi đi Đức. Có thể các bạn không tin, nhưng chúng tôi muốn thắng trận ấy và mục tiêu cụ thể là phải giành được ít nhất một điểm. Và thực tế chỉ ra chúng ta đã chơi trên chân hoàn toàn đối thủ trong hiệp một, trước khi đuối sức về cuối hiệp hai.
Cần phải xác nhận một điều: "Nền tảng thể lực của mình không thua cầu thủ Đức, cầu thủ nước ngoài". Chính một Giám đốc trung tâm thể lực ở Đức, với những thông số cực kỳ khoa học, có được từ những bài kiểm tra chi tiết, chính xác đã xác nhận với chúng tôi điều đó. Bà nói: "Nền tảng của các anh không hề tệ. Có những cầu thủ mà nền tảng ngang với những tuyển thủ quốc gia Đức đồng tuổi."
Được ra sân chơi thế giới là một trải nghiệm để đời với Quang Hải và các đồng đội. |
Vậy tại sao mình mau xuống sức? Tôi nghiệm ra một điều. Khi chạy, ta không mang vác gì cả. Nhưng khi vào đá, quả bóng mới trở thành trung tâm, và tương quan thể lực sẽ lộ ra. Khi va chạm, một cầu thủ 100kg va chạm với cầu thủ 70kg, thì cầu thủ 70kg bao giờ cũng phải bỏ 100% sức. Cứ va chạm mười lần như vậy, thể lực xuống rất nhanh. Cầu thủ Việt Nam ta thấp bé quá nên dẫu cho sức bền rất tốt, song sức mạnh lại thua, kéo dài trong trận đấu tất nhiên ta phải bất lợi. Để cải thiện điều này, cần phải thay đổi dinh dưỡng, từ đó mới thay đổi thể trạng.
Về mặt chiến thuật, nhiều người luôn nói chuyện khi trận đấu xảy ra. Chứ trước trận, các anh nói xem nên chơi thế nào? Kể cả trận đá với Honduras, kiếm một điểm đơn giản thật đấy. Nhưng một điểm để làm gì? Giữa một điểm hay một bàn thì Ban huấn luyện chọn một bàn. Nó là món quà cho người hâm mộ. Đá phòng ngự - phản công, liệu chiều cao của mình có chống nổi không? Bài học từ trận New Zealand còn đó, đối phương cứ nhồi bóng liên tục mình chịu nổi không? Nhồi 10 quả cũng phải có một quả vào chứ. Sao không lấy tấn công để đẩy quả bóng ra xa khung thành hơn. Nếu mình cao to như họ, mọi chuyện sẽ khác.
Nhiều CLB chỉ nghĩ đến cái lợi của mình
Cuối cùng, tôi muốn nói về hành động của những lãnh đạo và HLV ở các CLB. Họ dư sức biết đi World Cup có giá trị như thế nào với những cầu thủ trẻ. Đấy là trải nghiệm của đời người. Đặt mình vào vị trí của VĐV, bạn có muốn bỏ nơi tập huấn để trở lại CLB không. Đi World Cup có 21 người, tập trung 30-35 người, cạnh tranh khốc liệt là bao. Khi về CLB, nói xui là chấn thương là coi như... xong phim. Nhưng khi bị gọi về, họ đâu được cãi HLV, họ đâu được phân trần với Chủ tịch. Nói ra là... chết. Họ đâu có hiểu cho tâm tư cầu thủ.
Có những CLB, tôi phải dùng từ là "lưu manh". Họ lôi cầu thủ về, rồi không cho con người ta đá. Vậy có phải là vì thể thao, vì danh dự đất nước hay không?
U20 World Cup 2017 là lần đầu tiên môn bóng đá 11 người của Việt Nam được tham dự sân chơi thế giới. |
Kể ra những chuyện này, để thấy phía sau một giải đấu lịch sử, vẫn còn quá nhiều những tiêu cực không đáng có, giữa lúc mà lẽ ra chúng ta cần sự đồng lòng để đội tuyển đạt kết quả tốt nhất.
Trần Minh Chiến sinh 1974, tại TP.HCM. Anh có 5 năm đá chuyên nghiệp cho CLB Công an TP.HCM (1991-1996). Năm 1994, anh cùng đội nhà giành chức vô địch quốc gia, và bản thân nhận danh hiệu Vua phá lưới (14 bàn) cùng giải Cầu thủ trẻ hay nhất. Năm 1995, Minh Chiến được gọi vào đội tuyển quốc gia dự Cúp Độc Lập trước khi đi tập huấn tại Đức cùng HLV Karl-Heinz Weigang. Cuối năm ấy, anh cùng đội tuyển đến Thái Lan dự SEA Games 18 và trở về cùng tấm HC bạc. Bàn thắng vàng của anh trong trận đấu với Myanmar mang Việt Nam vào chung kết, và là nguồn cảm hứng cho giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam sau này. Sau SEA Games, Minh Chiến được đưa sang Đức chữa chấn thương. Anh mổ gối đến bốn lần. Trở lại thi đấu được một thời gian ngắn trong năm 1996, chấn thương cứ tái đi tái lại khiến anh phải giải nghệ ở tuổi 22. Đó là một trong những điều đáng tiếc nhất đối với bóng đá Việt Nam. Từ năm 1997, anh được Công an TP.HCM tạo điều kiện làm công tác huấn luyện. Từ ấy, anh gắn bó với công tác huấn luyện cầu thủ trẻ, với Ngân hàng Đông Á rồi sau là Trung tâm thể thao Thành Long. Năm 2009, anh đầu quân cho Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), gặt hái được nhiều thành công (U13 PVF vô địch Quốc gia 2010, U15 PVF vô địch Quốc gia 2012, U17 PVF vô địch Quốc gia 2014) trước khi bị thanh lý hợp đồng vào tháng 1/2016. Ít lâu sau, anh được mời về Becamex Bình Dương, tiếp tục công tác ươm mầm tài năng trẻ. Trước thềm U20 World Cup, Minh Chiến được gọi vào Ban huấn luyện đội tuyển dự giải đấu tại Hàn Quốc. |
Theo VNE