Đặng Văn Lâm và con đường ra châu lục của tuyển Việt Nam

Thứ tư, 14/06/2017, 09:20
Gọi cầu thủ nhập tịch hay Việt kiều lên tuyển là chuyện muôn đời tranh cãi, nhưng màn trình diễn của Lâm “tây” cho thấy con đường ngắn nhất đưa bóng đá Việt đi ra châu lục.

Trong lịch sử, chưa bao giờ tuyển Việt Nam giành quyền tham dự Asian Cup qua vòng loại. Lần duy nhất chúng ta góp mặt tại giải bóng đá tầm châu Á này là năm 2007, với tư cách nước chủ nhà.

Lúc này, thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn đang có cơ hội ghi danh tại Asian Cup 2019 nếu đoạt được một trong hai vé đầu bảng C. Và người níu giữ hy vọng ấy trong trận đấu với Jordan tối 13/6, không ai khác, ngoài thủ thành Văn Lâm.

Anh chàng có dòng máu Nga, từng rất chật vật tìm một chỗ đứng tại V.League và lê lết mới lên được tuyển ấy, đã cứu thua ít nhất 4 bàn trông thấy cho tuyển Việt Nam. Đó đều là những tình huống khó, đòi hỏi sự quyết đoán khi băng ra đối mặt hoặc sức bật tốt để có thể chạm bóng bằng những đốt ngón tay.

Thủ môn Văn Lâm ký tặng người hâm mộ tuyển Việt Nam. Ảnh: Quốc Bảo.

Ở những tích tắc quan trọng ấy, không khó lắm để thấy ưu thế của Lâm “tây” so với các thủ môn “thuần nội”. Đó là sự vượt trội về thể hình, về sức rướn, thậm chí cả khả năng gây sức ép ngược với tiền đạo đối phương.

Nếu cải thiện khả năng chơi bóng bằng chân để giải nguy hay phát động tấn công theo kiểu Phan Văn Santos năm nào, Văn Lâm sẽ là một món đồ quý trong khung gỗ mà tuyển Việt Nam vẫn đang bối rối đi tìm, suốt từ khi Dương Hồng Sơn giải nghệ đến giờ.

Thủ môn thực sự là một điểm yếu chí mạng của tuyển Việt Nam, nhưng trước đó, đã có một thời gian ngắn khán giả có thể “kê cao gối ngủ” khi Đinh Hoàng La trấn ải. Thủ môn gốc Ukraina nhập tịch từng làm nản lòng các chân sút của đội bóng danh tiếng Olympiakos trong một trận giao hữu vào năm 2009.

Đó cũng chính là giai đoạn tuyển Việt Nam pha trộn rất nhiều màu sắc, với những Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley, Nguyễn Hoàng Helio khoác chiếc áo đấu có cờ đỏ sao vàng… Nhưng vì nhiều lý do ngoài chuyên môn, họ nhanh chóng ra đi.

Tuy vậy, câu chuyện hơn thiệt với ngoại binh nhập tịch hay cầu thủ Việt kiều vẫn luôn đau đáu trong lòng các HLV. Calisto và bây giờ là Hữu Thắng, chưa bao giờ họ khép cửa với những nguồn lực dồi dào cho đội tuyển. Vấn đề là ai mở khoá cho những cánh cửa nặng nề kia.

Hữu Thắng đang thấm thía sự trống trải trên hàng tiền đạo khi thiếu vắng Công Vinh. Văn Quyết, Công Phượng, Tuấn Tài, Thanh Bình, Đức Chinh… ở đủ mọi lứa tuổi vẫn không thể bù khuyết cho một vị trí mà đương thời, khen cũng nhiều mà chê càng lắm.

Vì thế mà nhìn quanh đâu đó đã râm ran về cơ hội lên tuyển cho Đỗ Merlo, khi chân sút người Argentina mới đây “hoá thân” thành người Đà Nẵng. Và nhắc đến Merlo thì không thể quên Hoàng Vũ Samson với ước mơ tuyển thủ Việt vẫn còn nguyên khao khát. Nếu họ toại nguyện, khâu ghi bàn có lẽ không còn là trăn trở của ông thầy xứ Nghệ?

Người Việt Nam chắc hẳn sẽ không ủng hộ một đội tuyển nhập tịch ồ ạt theo kiểu đảo quốc Singapore. Nhưng bổ sung một vài vị trí “ngoại – kiều” để mang đến sự khác biệt, để rút ngắn quãng đường đào tạo, để khoả lấp sự thua thiệt về tố chất, giống nòi… thì không phải là ý tưởng tồi, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã làm quen với World Cup và đang hướng đến Asian Cup.

Một con đường đã cũ nhưng có thể đưa bóng đá Việt Nam đến những vùng đất mới. Ở đấy, người ta sẽ nhẹ nhõm hơn khi nói với nhau về hồi ức AFF Cup hay nỗi ám ảnh SEA Games…

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn