ĐT Anh: Đừng hủy hoại Harry Kane bằng chiếc băng đội trưởng

Thứ năm, 05/10/2017, 14:28
Cách đây 28 năm, cũng ở vòng loại World Cup của đội tuyển Anh như thế này, Anh gặp Thụy Điển tại vòng loại World Cup 1990.


Trận đấu hôm ấy đã xuất hiện một trong những khoảnh khắc thể thao ấn tượng nhất của thế kỷ XX: đội trưởng của Tam sư Terry Butcher với chiếc đầu đẫm máu và nhuộm đỏ chiếc áo trắng. Nhìn giống như đang đóng một bộ phim kinh dị tranh tối tranh sáng chứ không phải là một trận đấu bóng. Nhưng với chiếc áo nhuộm đỏ vì máu đó, Terry Butcher vẫn đứng vững trên sân, tay chống nạnh, thi đấu đến cùng. Nếu bạn gõ google từ khóa “Terry Butcher”, thứ đầu tiên đập vào mắt bạn, chính là bức ảnh đẫm máu đó.

Hình ảnh đổ máu của Terry Butcher chính là tượng trưng cho tinh thần hiệp sĩ mà bóng đá Anh đeo đuổi đến tận hôm nay. Người Anh không bao giờ muốn hình ảnh đó mất đi, họ muốn nó trở thành biểu tượng về tinh thần chiến đấu gan lì, không ngại đau đớn, về sức mạnh tinh thần của bóng đá Anh. Tất cả nhằm thúc giục những người con của Tam sư tiến bước.

Vậy nhưng, theo thời gian, khi Premier League trở thành một đế chế về thương mại, khi truyền thông bủa vây lấy Tam sư. Mọi thứ đã thay đổi, tinh thần hiệp sĩ còn đó, nhưng khoảng cách giữa lời nói và việc làm của bóng đá Anh lại trở nên quá xa. Ít ra, là ở cái cách dư luận phản ứng với việc Harry Kane đeo băng đội trưởng.

Kể từ sau khi Wayne Rooney giã từ đội tuyển,chiếc băng đội trưởngđã được trao qua lại cho 4 người, đó là Joe Hart, Harry Kane, Gary Cahill và Jordan Henderson. Nhưng chỉ riêng Harry Kane là khiến nước Anh phát sốt cả lên. Chắc chúng ta đều không quên ngày đầu Kane xuất hiện trong màu áo Tam sư, lúc anh ghi bàn, tiếng hô dành cho anh lớn gấp bội lần những người khác. Người Anh yêu Kane, và thực tế Kane xứng đáng với tình yêu ấy.

Sau bao năm đứng nhìn mũi chủ công Premier League thuộc về các chân sút ngoại như Henry, Van Nistelrooy đến Ronaldo, Drogba, thì Kane -  một tiền đạo săn bàn đã làm thỏa lòng mong ước của những người dân Anh. Không chỉ là về thành tích, mà khuôn mặt, tính cách của Harry Kane đang kích động lại tinh thần cho người Anh. Họ kỳ vọng nhiều vào anh, xem anh là ngôi sao sáng nhất, đáng yêu nhất, và giờ… giao cho anh luôn chiếc băng đội trưởng.

Có điều, nước Anh có phải là chưa từng có người như Harry Kane đâu? World Cup 1990, ngôi sao sáng nhất trên hàng công đưa đội tuyển đến tận bán kết là một cái tên rất lẫy lừng: Gary Lineker. So với Lineker, Kane chưa bằng đâu. Nhưng đội trưởng đội tuyển Anh phải là trung vệ Terry Butcher. Nếu bàn về tính thương mại, càng xa xôi nữa. Gary Lineker mới chuyển từ Barcelona sang Tottenham, vẻ đẹp trai, tài săn bàn của anh rất được hâm mộ.

Còn Terry Butcher đang khoác áo Rangers, khá là trầm lặng. Vậy tại sao đội tuyển Anh chọn Butcher chứ không chọn Lineker? Bởi vì vai trò của chiếc băng đội trưởng đâu phải là thương mại, là làm bóng hình ảnh, là khiến dư luận thích thú. Đội trưởng là cánh tay nối dài của HLV ở trên sân, là người mà các cầu thủ nhìn về khi thi đấu, là ông chủ của phòng thay đồ. Butcher được chọn, không phải Lineker, chính vì thế.

Người Anh luôn biết giới truyền thông nước mình “độc hại” ra làm sao, nhưng họ không thoát được khỏi vòng tay đó. Roy Hodgson, một người đã “thấm” quá đủ chuyện này, vì thế mới đưa kinh nghiệm xương máu của bản thân ra mà khuyên nhủ Gareth Southgate: “Nhiệm vụ của một tiền đạo như Kane là ghi bàn. Băng đội trưởng sẽ đè nặng lên vai cậu ấy”. Khi một người đã nếm đắng cay ở Tam sư như Roy Hodgson lên tiếng, thì người Anh có lẽ cũng nên cân nhắc.

Đừng để tình yêu dành cho Kane hóa thành thuốc độc.

Theo BongdaPlus

Các tin cũ hơn