Tuy buổi chiều cùng ngày, Hội đồng quản trị VPF tổ chức họp báo và quyết định sẽ khiếu nại kết luận thanh tra này lên chính phủ nhưng xem ra “cuộc chiến” đã đến hồi kết.
VFF chiếm tiên cơ
Bản kết luận thanh tra với 7 phần nội dung liên quan đến hợp đồng truyền hình giữa VFF và AVG có thời hạn 20 năm được Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL xác nhận đúng pháp luật được xem là đòn đau giáng xuống “bộ sậu” VPF khi cơ quan này đang có những bước đi nhằm xác nhận quyền quản lý bản quyền truyền hình các giải đấu trong hệ thống của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Có thể nói, bản kết luận này gần như đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của VPF nhằm đem lại diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam cũng như lợi ích của các CLB đang chơi tại hai giải đấu cao nhất.
Vậy là cuộc chiến bằng văn bản dai dẳng giữa VFF và VPF có đến 90% phần thắng nghiêng về VFF. Ngay sau kết luận của đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL về vấn đề bản quyền truyền hình, đại diện thường trực Hội đồng quản trị công ty VPF( gốm chủ tịch Võ Quốc Thắng, phó CT Nguyễn Đức Kiên và Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn) đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với báo chí xung quanh kết luận điều tra của thanh tra.
Đi đầu vẫn là phó CT Nguyễn Đức Kiên khi ông cho biết: “ Tôi không hài lòng về kết luận của đoàn thanh tra khi hợp đồng có những điểm cần phải xem lại”. Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tiếp lời: “Nếu hợp đồng này không được xem xét thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Và cái lo cụ thể hơn, khái niệm thương quyền mà VFF bán cho AVG là quá rộng, ảnh hưởng lớn đến sự tác nghiệp của truyền thông”.
Cũng giống như quan điểm của mình một vài ngày trước đây, “bầu” Kiên viện dẫn những điểm chưa đúng của hợp đồng VFF và AVG so với điều lệ VFF và Luật Dân sự. Đó là việc VFF không phải là chủ sở hữu của tất cả các giải đấu và vấn đề đặt ra xung quanh việc VFF bán bản quyền truyền hình tất cả các giải đấu ngoài chuyên nghiệp cho đối tác.
Bước đi tiếp theo có tính bước ngoặt của VPF là kiến nghị về kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL, sau đó sẽ nhóm họp lấy ý kiến và chính thức bằng văn bản lên Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.
Thực tế nhìn nhận diễn biến xung quanh “cuộc chiến” có phần hơi lép vế nghiêng về phía VPF suốt thời gian qua để thấy rằng “bầu” Kiên và VPF thật khó xoay chuyển tình thế khi mà VFF đang chiếm tiên cơ từ kết quả thanh tra của Bộ VH-TT&DL về bản quyền truyền hình.
VTC sẽ không thể vào sân tác nghiệp khi bản quyền truyền hình đã thuộc về AVG
Hệ lụy đằng sau sự thất bại của VPF
Một khi Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam( VPF) thất bại trong việc quản lý bản quyền truyền hình sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy đằng sau nó. Đầu tiên đó là một số đài truyền hình như VTC, VTV…sẽ mất bản quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu tại Super League và hạng Nhất 2012.
Phần lợi nhuận khổng lồ từ bản quyền truyền hình sẽ là của riêng AVG, trong khi đó chiếu theo hợp đồng giữa VFF và AVG, phần lợi nhuận được chia cho các CLB so với mức phân chia mà VPF đã tính toán sẽ có độ vênh khá lớn.
Thứ hai, VFF sau thắng lợi tại “cuộc chiến” bản quyền truyền hình sẽ tiếp tục lấn át VPF, đó chính là việc đổi tên giải đấu từ Super League Eximbank thành V-League Eximbank ngay từ vòng 6 này. Người “chủ tọa” TCTDTT đã ra công văn chỉ đạo và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã ký công văn yêu cầu VPF không được sử dụng tên Super League nữa.
Xem ra, VPF không thể không nghe ý kiến chỉ đạo từ TCTDTT và cái tên V-League quay lại sẽ chỉ là vấn đề thời gian nhanh hay chậm mà thôi. Việc đổi tên thì quá dễ nhưng sự nhiêu khê kéo theo là những khoản tiền tỷ. Nếu đổi tên giải thì nào là tên, logo, hệ thống bảng quảng cáo đến trang phục thi đấu và rất nhiều thứ liên quan đến giải đấu buộc phải thay đổi theo, mà người thiệt hại ở đây chính là các CLB khi họ phải bỏ một đống tiền chỉ vì cái tên không phù hợp.
Quá nhiều hệ lụy được dự báo sẽ xảy ra sau thất bại của VPF, quả thật VFF đang chiếm lợi thế nhiều mặt và đang gây không ít trở ngại cho sự phát triển của VPF. Nhưng với quyết tâm làm bóng đá tới cùng nhằm đem lại diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam, VPF sẽ còn đấu tranh tới cùng.
Phạm Minh(Tổng hợp)