VPF phản công quyết liệt

Chủ nhật, 19/02/2012, 08:37
VPF đã chỉ đạo các bộ phận chức năng của công ty này soạn thảo Đơn khiếu nại về kết luận thanh tra của Bộ VH-TT-DL. Và sáng qua, lá đơn này đã được VPF chuyển tới Bộ VH-TT-DL và Thanh tra Chính phủ, qua đó chính thức “phản công” VFF và An Viên.


VFF và công ty CP Viễn thông và truyền thông An Viên đang tạm dẫn bàn trước công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) trong “trận đấu” bản quyền truyền hình. Bởi kết luận của thanh tra Bộ VH-TT-DL vừa qua, đã “tuyên” cho VFF và An Viên đúng luật khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam năm 2011-2030.

Tuy nhiên, VPF không sớm “đầu hàng”. Đúng như tuyên bố với báo giới, vào đêm ngày 16/2, lãnh đạo VPF đã chỉ đạo các bộ phận chức năng của công ty này soạn thảo Đơn khiếu nại về kết luận thanh tra của Bộ VH-TT-DL. Và sáng qua, lá đơn này đã được VPF chuyển tới Bộ VH-TT-DL và Thanh tra Chính phủ, qua đó chính thức “phản công” VFF và An Viên.

Với lá đơn khiếu nại, VPF bắt đầu “phản công” với VFF và An Viên. Ảnh: Như Ý.

Tuy nhiên, VPF không khiếu nại toàn bộ nội dung của kết luận thanh tra. Trong Đơn khiếu nại do Chủ tịch HĐQT VPF, Võ Quốc Thắng ký vào ngày 16.2, công ty này chỉ khiếu nại 3 vấn đề mà họ không “tâm phục khẩu phục”.

Thứ nhất, VPF không cho rằng VFF là chủ sở hữu duy nhất và có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp như kết luận thanh tra, qua việc viện dẫn các quy định ở khoản 1 điều 74 Điều lệ VFF năm 2010, khoản 1 điều 64 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011, khoản 1 và khoản 2 điều 169, khoản 1 điều 170 Bộ luật Dân sự.

Thứ hai, VPF cũng tố VFF vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành khi bán toàn bộ các thương quyền của các đội tuyển quốc gia cho An Viên mà không thông qua đấu giá. Theo họ, VFF chỉ là cơ quan quản lý các đội tuyển quốc gia, chứ không phải chủ sở hữu thương quyền của các đội tuyển này. “Căn cứ vào các quy định của pháp luật thì thương quyền của các đội tuyển quốc gia là tài sản của Nhà nước”, Đơn khiếu nại của VPF nêu.

Thứ ba, VPF cho rằng việc VFF không công khai chủ trương bán thương quyền bóng đá với thời hạn 20 năm cho các đối tác có nhu cầu, đã không tạo ra sự cạnh tranh, gây thiệt hại lớn cho bóng đá Việt Nam.

Về phía VFF, đúng với câu “thừa thắng xông lên”, hôm qua họ đã có công văn số 90 gửi tới VPF, các CLB bóng đá chuyên nghiệp, các BTC địa phương để đề nghị các đơn vị này tuân thủ đúng hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và An Viên. Bên cạnh đó, VFF cũng có văn bản gửi tới các đài truyền hình Trung ương và địa phương để đề nghị các đài tôn trọng hợp đồng mà họ đã ký với An Viên. 




Theo BaoDatviet 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn