Lãng phí vật chất
Theo tính toán sơ bộ, nếu Super League phải chuyển sang tên cũ là V-League, VPF sẽ mất khoảng 20 tỷ đồng để kiện toàn mọi thứ. VPF thể hiện quan điểm sẵn sàng chi tiền, “nhưng có nên, có đáng và có nhất thiết phải thay đổi tên giải đấu ngay ở thời điểm này hay không?!”, theo lời của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.
Bầu Kiên: “Có nhất thiết phải thay đổi tên giải đấu ngay ở thời điểm này hay không?”
Bây giờ, 20 tỷ đồng chẳng là cái gì với bóng đá Việt Nam. Có điều, với VPF, khi bộ phận tài chính của họ dự đoán năm đầu tiên tổ chức giải chuyên nghiệp sẽ lỗ ít nhất 10 tỷ đồng (nghe đâu nhà tài trợ Eximbank đến nay vẫn chưa giải ngân tiền), đó quả là một đòn hiểm. Ai cũng biết, chuyện cái tên không thay đổi được bản chất giải đấu. VFF và Tổng cục Thể dục thể thao thừa hiểu điều đó. Nếu thực vì sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, họ đã có thể tránh được sự lãng phí trên. Thay vào đó là tập trung, sốt sắng vào những chuyện vĩ mô hơn, như tái cấu trúc tổ chức mình trước, ví như đại hội bất thường.
Nhưng, thế thì không có chuyện để thất vọng. Người ta thừa hiểu đấy chỉ là một trong những vụ mà VPF bị gây khó dễ. Cũng có thể hiểu nghĩa khác, thực tế lâu nay việc VFF “ném tiền qua cửa sổ” không còn là chuyện lạ nên họ không xót của! Điển hình là vụ đền 200.300USD cho huấn luyện viên Letard. Tương đương 3 tỷ đồng thời điểm năm 2005, con số không nhỏ chút nào.
20 tỷ đồng Đó là số tiền mà VPF sẽ phải bỏ ra để kiện toàn mọi thứ khi chuyển tên giải từ Super League (mới) về lại V-League (cũ). |
Có một “mỏ vàng” mà bóng đá Việt Nam chưa khai thác, trước hết do VFF chưa đủ năng lực - đấy là cá cược hợp pháp. Điều đó khiến hàng tỷ USD mỗi năm chảy ra nước ngoài, qua các đường dây cá độ bất hợp pháp mà hãng kiểm toán Deloitte đã đoán định. Cũng đã có tính toán, nếu lĩnh vực này thành hiện thực, nguồn thu ngoài ngân sách của VFF theo đó sẽ tăng lên đáng kể, từ 1,3 đến 1,5 lần. Cụ thể, nguồn thu ngoài ngân sách của VFF trung bình sẽ là 100 tỷ đồng/năm (đến năm 2015), và 140 tỷ đồng/năm (đến năm 2020).
Con số trên sẽ tăng lên tương ứng là tối thiểu 130 tỷ đồng/năm và 180 tỷ đồng/năm nếu có cá cược bóng đá bằng hình thức xổ số bóng đá. Đối với các câu lạc bộ, con số trên sẽ lần lượt là 40 tỷ đồng/năm (đến năm 2015) và 50 tỷ đồng/năm (đến năm 2020) thay vì 25 tỷ đồng/năm và 30 tỷ đồng/năm nếu không có xổ số bóng đá. Rồi, chuyện bản quyền truyền hình ở Việt Nam lâu nay cũng chỉ được bán với giá rất thấp.
Lãng phí thời gian, cơ hội và tình yêu của khán giả
Bấy nhiêu tiền mà các câu lạc bộ đổ vào bóng đá, chủ yếu dành cho việc chuyển nhượng, lương và thưởng. Kinh phí chăm lo cho phần gốc, tức đào tạo trẻ, ai cũng biết là rất khiêm tốn.
“Có nên, có đáng và có nhất thiết phải thay đổi tên giải đấu ngay ở thời điểm này hay không?!” - Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPF |
Ngoài thời gian, nếu nói bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không có cơ hội phát triển đúng bản chất là phiến diện. Chúng ta có, kể cả góc độ đội tuyển, nhưng đã không biết cách chuyển hóa cơ hội để vượt giới hạn. Đội tuyển quốc gia và tuyển U23 quốc gia quá nhiều lần lãng VPFphí cơ hội làm nên lịch sử đó thôi.
Tương tự là tình yêu của khán giả đã không được tận dụng. Khán giả Việt Nam được coi là có tình yêu bóng đá mãnh liệt. Hầu hết các trung tâm lớn của đất nước đều có một vài đội bóng. Theo thời gian, khán giả ngày càng mất niềm tin, không còn mặn mà đến sân. Đấy rõ ràng là lỗi của những người làm bóng đá.
Lãng phí chất xám
Những con số có ý nghĩa vật chất kể trên cho thấy, bóng đá Việt Nam có thuận lợi khi số doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá rất lớn, so với các nước trong khu vực. Trong đó, không ít doanh nghiệp tên tuổi đã vươn ra tầm thế giới. Đấy là điều thuận lợi để thực hiện công cuộc xã hội hóa bóng đá cả chiều rộng lẫn sâu, nhằm nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Nên nhớ, để đủ tầm nuôi một vài đội bóng với tốc độ tiêu tiền như ở ta, rõ ràng chủ nhân của nó phải sở hữu những cái đầu xuất chúng, tư duy đặc biệt. Vậy nhưng, tâm lý chung của các doanh nghiệp là rất ngại bước vào ngôi nhà VFF để ngồi chung thuyền. Đơn giản, bởi họ thừa biết tổ chức này còn tư duy bao cấp đậm đặc. Bản thân VFF cũng không mở toang cánh cửa với tinh thần cầu thị, “trải thảm đỏ” để đón các doanh nhân nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Thường trực lẫn Ban chấp hành VFF. Lâu nay, VFF tồn tại như một thành trì, có vẻ cụm từ xã hội hóa bóng đá chỉ mang tính khẩu hiệu!
VPF ra đời, họ cũng không tước hết quyền lợi của VPF khi tổ chức này vẫn là cổ đông lớn nhất. Đây là cơ hội để VFF, với tư cách quản lý về mặt nhà nước thông qua VPF, tập hợp các nguồn lực của các doanh nghiệp, các câu lạc bộ để biến bóng đá Việt Nam thành rồng. Đáng tiếc, hai “cha con” vẫn trường kỳ mâu thuẫn. Thậm chí, “đánh nhau” chí tử, VFF lẫn Tổng cục Thể dục thể thao bị dư luận cho rằng đang cố tình nắm tay nhau gây khó dễ cho VPF.
Đất nước đang còn nghèo, nền bóng đá Việt Nam đang ở vị trí thấp. Thế mà, VFF lâu nay quá lãng phí các nguồn lực có trong tay, khi bóng đá luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, được ví như đứa con cưng. Quả là nỗi đau, đáng lên án cũng không oan.
Theo Thethaovanhoa.