Vì sao Xuân Trường, Tuấn Anh và các cầu thủ HAGL chấn thương triền miên?

Thứ tư, 02/10/2019, 15:21
Lương Xuân Trường bị đứt dây chằng, và cũng không quá bất ngờ khi các đồng đội của anh ở HAGL vẫn thay nhau chấn thương triền miên qua các mùa giải.

HAGL - đội bóng mang đến những cung bậc cảm xúc cho NHM bóng đá Việt Nam bởi lối đá hoa mỹ và fair-play. Kể từ mùa giải 2015, đội bóng Phố Núi đã tạo nên một hiệu ứng rất tích cực trên các khán đài V-League với lượng CĐV hùng hậu, nhiệt thành.

Các cầu thủ HAGL thường xuyên dính những chấn thương nặng.

Sự lung linh, hoàn mỹ của HAGL được tạo nên từ những nhân tố được đào tạo bài bản từ lò đạo tạo HAGL JMG. Những Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy, A Hoàng, Công Phượng, Văn Toàn, ... khiến tất cả bị mê hoặc với những đường đan bóng đẹp mắt, kỹ thuật, tốc độ. Và chính những cầu thủ này đã trở thành nòng cốt ở các ĐTQG Việt Nam (từ U19, U22, U23, Olympic và giờ là ĐT Việt Nam).

Tuy nhiên, sau ánh hào quang đó, những cái tên tài năng này lại phải thường xuyên vật lộn với chấn thương và có thời điểm họ gần như gục ngã trước số phận. Đương nhiên, chuyện dính chấn thương trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp là quá đỗi bình thường. Song, khi tần suất diễn ra liên tục với mức độ nặng thì rõ ràng đây là một vấn đề rất đáng chú ý ở HAGL.

Tuấn Anh là cầu thủ có bệnh án dày đặc nhất trong thành phần HAGL.

Ngược thời gian để điểm lại những ca chấn thương nặng của những cầu thủ Phố Núi ta sẽ nhắc ngay đến trường hợp của Nguyễn Tuấn Anh. Cầu thủ gốc Thái Bình là người chịu nhiều đau đớn và trải qua những cuộc phẫu thuật liên tiếp. Sau SEA Games 29, tiền vệ 22 tuổi đã dính đa chấn thương gồm 5 loại khác nhau, đau cơ thẳng bụng và chéo bụng, đau cơ đáy chậu, đau cơ khép lớn, gặp vấn đề ở đầu gân cơ lược, cơ vuông đùi phía bên chân trái.

Đó là lý do vì sao mà đến thời điểm này anh không thể kịp bình phục và tham dự VCK U23 châu Á. Và phải mất đến gần 1 năm "chàng Nhô" mới trở lại trong màu áo HAGL cũng như ĐT Việt Nam như bây giờ.

Tiếp theo đó có thể kể đến A Hoàng. Ở thời điểm trước SEA Games 29, anh bị phù xương dưới lồi cầu, mâm chày trong, tổn thương khu trú sụn khớp lồi cầu bánh chè trong độ 2 tại đầu gối phải.

Văn Thanh vẫn tái phát chấn thương sau khi phẫu thuật dây chằng ở Hàn Quốc.

Vũ Văn Thanh cũng không nằm ngoài cái dớp chấn thương đen đủi tại HAGL. Cuối năm 2018, hậu vệ gốc Hải Dương bị đứt dây chằng và phải đi Hàn Quốc phẫu thuật. Chính điều này khiến anh lỗi hẹn với AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Và phải chờ đến tháng 5/2019, anh mới có thể trở lại. Tuy nhiên trong quá trình thi đấu cho đội chủ sân Pleiku, cũng có thời điểm chấn thương này tái phát và anh phải ngồi ngoài trong một vài trận đấu tại V-League.

Ngoài ra, những trường hợp chấn thương khác của Văn Toàn (vỡ sụn chêm) hay Ngọc Quang (giãn dây chằng đầu gối) cũng là những ca chấn thương đáng chú ý.

Và mới đây nhất là ca chấn thương đứt dây chằng của Lương Xuân Trường như một nét vẽ tối màu tô điểm cho bức tranh u ám về cái dớp chấn thương của các cầu thủ HAGL.

Lương Xuân Trường là trường hợp chấn thương nặng mới nhất ở HAGL.

Như vậy, từ đâu mà các cầu thủ HAGL lại thường xuyên chấn thương như vậy? Rất nhiều chuyên gia ban đầu lý giải rằng giáo án tập luyện từ lứa trẻ của HAGL khiến các cầu thủ dễ dính chấn thương. Việc phải di chuyển liên tục và thực hiện những động tác khó diễn gây ra chấn thương nặng cho các cầu thủ.

Tiếp theo, HAGL là đội bóng không được đánh giá cao về thể lực và sự bền bĩ nên việc thi đấu căng sức cho cả CLB lẫn các ĐTQG cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến thể trạng cũng như khả năng phục hồi sức lực của các cầu thủ.

Từ những lý do đó, có thể thấy để có được những màn trình diễn đẹp mắt, quyến rũ, các cầu thủ HAGL đã phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều. NHM tất nhiên sẽ luôn ủng hộ, sát cánh và mong chờ ngày trở lại của Xuân Trường, cũng như cách mà Tuấn Anh, Văn Toàn hay A Hoàng đã trở lại trong màu áo ĐT Việt Nam.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn