Chiến dịch vòng loại World Cup, xét cho cùng, không bao giờ công bằng với các đội. Trừ khi mạnh vượt trội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran hay Qatar, các đội ở tầm giữa (nhóm hai) châu Á muốn nuôi hy vọng lọt vào vòng loại cuối cùng phải trông chờ rất nhiều vào các đối thủ cùng bảng.
Ở các bảng có đối thủ "lót đường", việc thắng 6-0, 7-0 để tích luỹ bàn thắng là chuyện đơn giản. Dẫu vậy, bảng G hiện tại của tuyển Việt Nam đang không có đội lót đường. Ngay cả Indonesia cũng là vật cản không dễ vượt qua. Đó là cái khó của thầy Park.
HLV Park Hang Seo đứng trước bài toán phải ghi nhiều bàn thắng. |
Lần đầu tiên sau hơn 20 năm đá vòng loại World Cup, tuyển Việt Nam mới bất bại 2 trận đầu và không thủng lưới. Trận hoà Thái Lan 0-0 và thắng Malaysia 1-0 cho thấy Quang Hải cùng các đồng đội đang đi đúng hướng.
Cả hai cuộc so tài, Việt Nam đều đá với phong cách Park Hang Seo: ghi bàn tối thiểu, hiệu quả tối đa. Tuyển Việt Nam là đội duy nhất ở vòng loại ghi 1 bàn, nhưng đã giành tới 4 điểm. Giá trị điểm số trên mỗi bàn thắng của ĐTQG luôn cao ngất ngưởng.
Tuy nhiên, khác với AFF Cup - nơi tuyển Việt Nam mạnh áp đảo các đội cùng bảng hay Asian Cup với những đối thủ mà chưa đá, ta đã tính được lộ trình, vòng loại World Cup phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Tại đây, tuyển Việt Nam không còn là đội mạnh nhất (UAE nhỉnh hơn, Thái Lan ngang cơ) để rộng đường tính toán. Quan trọng hơn, thắng thôi là chưa đủ với thầy trò Park Hang Seo.
Tuyển Việt Nam phải thắng đậm, thậm chí thắng rất đậm trước đối thủ yếu nhất bảng là Indonesia. Hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở bảng này đều đã "huỷ diệt" Indonesia với tỷ số chênh lệch. Thái Lan thắng 3-0 trên sân khách, còn UAE thắng 5-0 trên sân nhà.
Tuyển Việt Nam chỉ một lần ghi quá 2 bàn trong 1 trận suốt 11 tháng qua. |
Dẫu vậy, khả năng tuyển Việt Nam "đè bẹp" Indonesia ở Bali ngày 15/10 tới là không nhiều. Tính từ sau trận thắng Campuchia 3-0 hồi tháng 11/2018, tuyển Việt Nam không còn thắng trận nào với cách biệt quá 2 bàn.
11 tháng qua, Việt Nam lần lượt gặp Malaysia (thắng 2 trận 1-0, hoà 1 trận 2-2), gặp Philippines (thắng 2 trận 2-1, 1 trận 4-2), gặp Iraq (thua 2-3), Iran (thua 0-2), gặp Yemen (thắng 2-0), gặp Jordan (hoà 1-1), gặp Nhật Bản (thua 0-1), gặp Thái Lan (hoà 0-0, thắng 1-0) hay gặp Curacao (hoà 1-1).
13/14 trận gần nhất, tuyển Việt Nam ghi không quá 2 bàn/trận. 8 trận gần nhất, các trận có Việt Nam chỉ xuất hiện tối đa 2 bàn thắng.
Không phải tuyển Việt Nam "không thể tấn công". Màn trình diễn trước Jordan hay Curacao cho thấy tiền đạo Việt Nam có thể tạo ra nhiều cơ hội khi cần. Dù vậy, triết lý của HLV Park Hang Seo luôn ưu tiên sự chắc chắn. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, ông Park muốn đá chắc để cầm 3 điểm, số lượng bàn thắng chỉ là thứ yếu. 90 phút trước Malaysia cho thấy toan tính này.
Anh Đức bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn. |
Trước Indonesia, một trận đấu chắc chắn và chiến thắng tối thiểu có thể được đoán trước. Việt Nam vẫn có thể thắng một vài trận, nhưng để đua cả hành trình, đội bóng áo đỏ cần nhiều hơn.
Đặt trong thế phải ghi nhiều bàn thắng, rất có thể HLV Park Hang Seo phải mạo hiểm hơn, đánh đổi sự chắc chắn vốn có. Khi ấy, hãy chờ xem thầy Park sẽ giải bài toán hàng công như thế nào.
Lần gần nhất một trung phong Việt Nam ghi bàn là từ King's Cup 2019 (Anh Đức đánh đầu tung lưới Thái Lan). Ở Asian Cup, Công Phượng đá tốt trong vai trò tiền đạo ảo, nhưng từ khi sang Bỉ thi đấu, Công Phượng không còn ghi bàn ở ĐTQG. Cầu thủ sinh năm 1995 cũng rất ít lần sút trúng đích từ sau Asian Cup.
Đặt trong trường hợp lấy được ngôi nhì (từ tay Thái Lan hoặc UAE, điều vốn dĩ rất khó khăn), tuyển Việt Nam không dễ đua tranh với các đội nhì bảng khác. Cả 8 đội nhì bảng hiện tại đều ghi nhiều bàn hơn Việt Nam, trong đó 7/8 đội ghi 3 bàn trở lên. Nhiều bảng đấu có các đội lót đường như Sri Lanka, Maldives, Guam, Mông Cổ, Nepal, Bangladesh nên cơ hội tích luỹ bàn thắng cao hơn so với Việt Nam. |
Theo VTC