SEA Games 2019 - Sự giải thoát cho bóng đá Việt Nam

Thứ tư, 11/12/2019, 14:19
Đã có giai đoạn, cứ mỗi lần định giong buồm ra biển lớn, thất bại tại SEA Games lại kéo con thuyền bóng đá Việt Nam chậm lại.

Chỉ tung ra năm cú sút, có tới bốn lần bóng đi đúng hướng cầu môn và mang lại ba bàn thắng. Các cầu thủ Việt Nam biến trận chung kết SEA Games được dự báo tiềm ẩn hiểm nguy trở thành màn trình diễn hoàn hảo của bản lĩnh, đẳng cấp và vị thế của nền bóng đá số một Đông Nam Á.

Không cần áp đảo mọi thông số kỹ thuật, đội bóng dưới trướng Park Hang-seo vẫn "hủy diệt" đối phương gần như tuyệt đối. Indonesia không có nổi đường tấn công biên vốn là vũ khí lợi hại nhất của họ. Nghệ thuật phá lối chơi của HLV Park Hang-seo gần đạt mức thượng thừa, đặc biệt là xét trong phạm vi Đông Nam Á. Nhà cầm quân Hàn Quốc đã chạm trán tất cả đối thủ mạnh nhất khu vực, và bất khả chiến bại. Thông số tuyệt đối đó không chỉ là sự khẳng định tài năng của một HLV, mà còn là một chỉ dấu của đội bóng lớn, một đẳng cấp ở tầm cao hơn Đông Nam Á.

Bóng đá Việt Nam bây giờ không còn phải ngoái lại với nỗi niềm mang tên giấc mơ HC vàng SEA Games. Ảnh: Đức Đồng.

Bóng đá Việt Nam bây giờ không còn phải ngoái lại với nỗi niềm mang tên "giấc mơ HC vàng SEA Games". Ảnh: Đức Đồng.

Bóng đá Việt Nam có lý do để khao khát và phải hoàn thành giấc mơ đoạt HC vàng SEA Games. Có hay không chiếc huy chương ấy, Việt Nam vẫn là đội bóng số một Đông Nam Á. Nhưng nếu không có nó, bóng đá Việt Nam sẽ giống như chiến thuyền khởi hành mà trên thân còn một lỗ rò mang tên: Niềm tin. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, cái lỗ rò SEA Games đã không ít lần làm trì hoãn những chuyến hành trình vươn ra châu lục.

Giai đoạn 2008-2012 là một ví dụ. Sau chức vô địch AFF Cup 2008, đội bóng của HLV Henrique Calisto từng chơi những trận đỉnh cao trước Kuwait, Syria... nhưng thất bại tại SEA Games 2009 kéo theo nhiều hệ lụy, bắt đầu từ AFF Cup 2010 khi khát vọng đã cạn mà không có tuyến kế thừa. Đến 2011, sau nỗi thất vọng tại SEA Games ở Indonesia là màn lao dốc không phanh suốt bốn năm liền.

Những thất bại ở SEA Games khiến các triển vọng trong tương lai ở cấp độ đội tuyển luôn bị đặt trong trạng thái nghi ngờ. Con người tiếp nối không đủ tin cậy, tầm nhìn vươn ra châu lục cũng bị đứt đoạn, hoài nghi. Và xét ở góc độ tâm lý, cái cảm giác "SEA Games mà còn không thắng, thì thắng cái gì?" luôn dằn dặt từ cầu thủ đến CĐV. Đến bầu Đức cũng từng thốt ra câu ấy.

Nên ở góc độ nào đó, dù sân chơi SEA Games không còn nhiều giá trị như xưa, do đã có AFF Cup và hàng loạt sân chơi trẻ khác chính quy hơn được tạo ra, chiến thắng của đội tuyển U22+2 Việt Nam vẫn là một cột mốc lịch sử. Việt Nam từng khởi đầu đầy kiêu hãnh tại giải vô địch U23 châu Á 2018 để kết thúc bằng top 8 Asian Cup. Đấy gần như là một chiến dịch tiên phong, mang nhiều yếu tố bất ngờ và có phần may mắn, khiến cả châu Á giờ đây phải dè chừng.

Nhưng SEA Games 30 là một khởi đầu hoàn toàn mới. Bóng đá Việt Nam đã có thể đặt thêm niềm tin vào thế hệ kế thừa rất gần với đội tuyển quốc gia hiện nay. Và lứa cầu thủ trải đều từ 20 đến 28 tuổi đồng đều về tài năng, chung nhịp chơi bóng, cho phép chúng ta hoạch định một tầm nhìn tối thiểu sáu tới tám năm tiếp theo, để chinh phục hai sân chơi lớn nhất là Asian Cup và World Cup.

Tấm HC vàng SEA Games giống như sự giải thoát ngọt ngào cho bóng đá Việt Nam khỏi gánh nặng quá khứ. Nó thậm chí cho phép các nhà quản lý bóng đá, trong hoàn cảnh cần thiết nào đó, có quyền gạt mục tiêu SEA Games ra ngoài các kế hoạch phát triển đội tuyển quốc gia.

Một lần nữa, bóng đá Việt Nam phải cảm ơn HLV Park Hang-seo. Đội tuyển U22+2 ở SEA Games 30 đã chọn cách đối đầu với tất cả. Từ lịch thi đấu, đến điều kiện sân bãi. Không có bất kỳ lệnh cấm nội bộ nào kiểu "thời chiến" như ở các kỳ SEA Games trước đây. Cũng không có một kế hoạch bí mật nào về chuyên môn. Việt Nam đến SEA Games 30 với tâm thế gần như mặc định: vào sân, chơi bóng và lấy HC vàng trên tư cách đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á.

Bây giờ là một khởi đầu hoàn toàn khác. Bản Lĩnh, Đẳng Cấp và Biến Chiến Thắng thành thói quen. Đội tuyển Việt Nam hiện nay không còn yếu tố bất ngờ ở sân chơi châu lục, nhưng chúng ta có một thứ khác còn đáng giá hơn, đó là một bản "hồ sơ thành tích" đẹp đẽ và trọn vẹn, tạo ra trạng thái thanh thản để không phải ngoái đầu nhìn lại, và mạnh mẽ hơn khi đón nhận các thất bại ở những trận đánh lớn hơn.

Bóng đá Việt Nam đã chờ đợi hàng chục năm để có tấm HC vàng đầu tiên ở SEA Games, nhưng chúng ta không có nhiều thời gian để ăn mừng.

Gió từ biển lớn ngoài kia đang chực chờ thổi tung cánh đại buồm.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích