Từ ngoại binh…đến cầu thủ nội.
Khi giải bóng đá cao nhất Việt Nam thông qua luật cho phép ngoại binh được khoác áo các câu lạc bộ, hàng năm có rất đông các ngoại binh từ khắp nơi trên thế giới ào ạt đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội và rồi với khả năng vượt trội của mình họ cũng tìm được bến đỗ với mức lương kha khá.
Timothy( áo xanh) liên tục làm mình làm mẩy tại các đội bóng
mà anh khoác áo
Không phủ nhận chính tài năng của các ngoại binh đã giúp V-League ngày càng đi lên về chất lượng nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng không ít ngoại binh trong số này gây rất nhiều phiền toái cho các CLB mà họ đang khoác áo. Nào là đòi sinh hoạt ngoài khuôn khổ của CLB, đòi hỏi tăng lương thưởng, đòi đội bóng phải phục vụ cho mình.
Ngoài ra, các ngoại binh này sinh hoạt rất bừa bãi và đòi hỏi những yêu sách có phần hoang đường. Nói đâu xa, tại CLB BĐ Hà Nội cái tên Tymothy hẳn là cái gai trong mắt cầu thủ. Bất cứ trận đấu nào anh cũng la hét chửi bới đồng đội mỗi khi anh không được “tiếp đạn” đầy đủ, ngay cả Công Vinh và Thành Lương mà anh ta cũng đòi nói chuyện bằng nắm đấm. Sự ích kỷ của cầu thủ người Nigeria này khiến nội bộ đội bóng Thủ đô xào xáo và mất đoàn kết suốt thời gian qua.
Những “ông trời con” này nghĩ rằng mình là không thề thay thế, là bất khả xâm phạm nên họ được nước lấn tới. Đội bóng đất Thủ mặc dù đã bỏ không biết bao nhiêu nhiêu tiền để chiêu mộ Leandro nhưng rồi cũng đành thanh lý anh này bởi tính cách ngôi sao và khó bảo của mình. So với các đồng đội, Leandro đòi có xe hơi riêng, đòi ở biệt thự riêng và đôi khi bật lại cả HLV trưởng nếu làm anh ta không hài lòng.
Một số ngoại binh ban đầu đến Việt Nam rất hiền nhưng khi có chút nổi tiếng và được nhiều CLB dòm ngó thì y như rằng lại dở chứng “đau đầu” và tìm cách phá đội bóng để được ra đi. Trường hợp của Samson là điển hình. Đến CS-Đồng Tháp mùa 2009, Samson hiền như bột, theo đánh giá của hầu hết cầu thủ xứng bưng biền. Nhưng chỉ qua 2 mùa, khi góp công lớn giúp CS-Đồng Tháp giành hạng 3 mùa 2011, cầu thủ này tự ý bỏ về nước mà không xin phép, sau đó bắt CS-Đồng Tháp phải chi thêm tiền lót tay thì anh ta mới trở lại thi đấu.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều gương mặt điển hình cho tính kiêu binh bên cạnh hàng loạt cái tên “dính chàm” như: Lee Nguyễn, Nguyễn Rogerio, Agostinho, Danny David, Gustavo…
Không chỉ có ngoại binh làm loạn ngay cả cầu thủ nội cũng rỏ ra quậy không kém. Nhiều cầu thủ nội còn tổ chức kết bè kết phái để lật đổ HLV trưởng nếu ông ta không làm vừa lòng nhóm cầu thủ này. Ở SHB- Đà Nẵng, nhóm cầu thủ gốc sông Hàn chống đối ra mặt HLV trưởng khi có những nghi vấn mùa bóng 2011, họ lấy cớ chấn thương và “nằm” hàng loạt khiến HLV Huỳnh Đức phải liên tục ca thán với báo chí.
Hay như đội bóng đất Thủ, trong hai mùa giải liên tiếp 2010 và 2011, chiếc ghế HLV trưởng nơi đây thay đổi xoành xoạch mà nguyên nhân được cho là có một nhóm cầu thủ trụ cột không ưa nên thi đấu lẹt đẹt và rủ nhau cáo ốm khiến B-Bình Dương liên tiếp có những trận thua đáng ngờ. Bởi thế, HLV Đặng Trần Chỉnh mới có câu nói nổi tiếng: “ Chiếc ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ 3 chân”.
Lỗi tại ai?
Các cầu thủ nội lẫn ngoại quậy là thế nhưng dù sao họ cũng chỉ là những người làm thuê cho ông chủ, bởi thế để cầu thủ của mình “làm mưa làm gió” cũng có phần lỗi không nhỏ từ cấp thượng tầng đội bóng. Chính sự im lặng và thái độ du di, xuề xòa cho qua hay là đưa ra hình thức xử phạt quá nhẹ không đủ răn đe khiến cầu thủ đã không sợ, nay lại càng tỏ ra “nhờn thuốc”.
HLV Huỳnh Đức từng rất đau đầu vì sự chống đối của các
cầu thủ SHB-Đà Nẵng
Do BLĐ quá cưng chiều bộ phận cầu thủ này vô tình làm hư họ và tạo cho họ suy nghĩ mình là số 1, là bất khả xâm phạm. Bởi thế mới có chuyện cầu thủ vô tư đi đêm bất kể nội quy của CLB rồi đến lúc tập do không chịu nổi cường độ nên nôn cả ra sân và bật lại HLV trưởng khi có ý trách móc mình.
Đa phần số cầu thủ này có chuyên môn rất tốt và là một phần không thể thiếu của CLB. Vì lẽ đó, BLĐ không dám mạnh tay xử lý mỗi khi họ vi phạm kỷ luật, Vì nếu mạnh tay sẽ ảnh hưởng đến lối chơi cũng như thành tích của CLB.
Quả thật, cũng khó cho những người đứng đầu đội bóng khi phải đứng trước những trường hợp này.
Đa phần đều chọn cách thỏa hiệp để yên ổn nội bộ. Cách làm này chỉ mang tính “chữa cháy” chứ về lâu về dài sẽ gây mất đoàn kết nội bộ và tình trạng cầu thủ bằng mặt chứ không bằng lòng sẽ là nguy cơ ảnh hưởng lớn đến thành tích của CLB.
Phạm Minh