Hậu tranh chấp bản quyền truyền hình: Đổi thay và thay đổi

Thứ hai, 30/04/2012, 08:45
Hôm qua, dấu ấn của VPF với bản quyền truyền hình V-League đã thể hiện rõ trên sóng truyền hình, khi trong khoảng thời gian giờ nghỉ giữa hiệp trận K.KH- SHB-Đà   Nẵng đã xuất hiện hàng loạt chương trình quảng cáo của các thương hiệu trong nhóm doanh nghiệp “nghìn tỷ” được bầu Kiên kéo về tài trợ cho V-League, và có cả chương trình quảng cáo của HA.GL, doanh nghiệp thuộc sở hữu của Phó Chủ tịch HĐQT VPF Đoàn Nguyên Đức.

Tin liên quan
>>
Bản quyền truyền hình: Đi buôn không lỗ 
>>Bản quyền truyền hình và 'nước cờ độc' của bầu Kiên 
>>Bầu Đức tin VPF kiếm được 600 tỷ đồng/năm từ bản quyền truyền hình?

Sự xuất hiện của các clip quảng cáo này thực sự có thể coi là một bước đột phá, vì trước đây khoảng thời gian giờ nghỉ giữa hiệp các trận đấu ở V-League rất hiếm có quảng cáo mà chủ yếu là bản tin thể thao của VTV, nhưng tin rằng với người nói được làm được như bầu Kiên cùng Hội các doanh nghiệp “nghìn tỷ” bảo trợ cho bóng đá VN thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi các trận đấu của V-League sẽ ngập tràn quảng cáo và lúc ấy thì tiền chỉ là chuyện nhỏ.


Thế nhưng, ấn tượng từ loạt trận chiều qua của giải hạng Nhất QG và V-League không chỉ có ở những clip quảng cáo nêu trên, mà còn ở việc số trận đấu được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình bị sụt giảm một cách đột ngột.

Trước khi VPF xuất hiện, trong 2 mùa bóng gần đây, số trận đấu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình được bảo đảm tới mức gần như 100% ở V-League và khoảng 10 tới 30% ở giải hạng Nhất.


Chỉ có 3 trận đấu được phát trực tiếp trên sóng VTV ở vòng 15 V-League
 

Tuy nhiên, theo thông báo của VFF, ở vòng 15 V-League 2012 chỉ có 3 trận đấu được phát trực tiếp trên sóng VTV, còn giải hạng Nhất thì thậm chí không có một trận nào trên sóng truyền hình, dù giải đấu này ngày càng gay cấn và hấp dẫn.

Tại sao lại có sự thay đổi như vậy trên sóng truyền hình trực tiếp thì chỉ VFF và VPF mới có thể đưa ra câu trả lời, nhưng nếu thật sự vì bóng đá VN, vì người hâm mộ VN thì VFF và VPF không nên kéo dài tình trạng này.

Khi số lượng khán giả tới sân ở lượt đi V-League 2012 đã có sự sụt giảm trông thấy so với các mùa giải gần đây, giờ người ta lại cắt giảm thêm số trận đấu phát sóng trực tiếp trên truyền hình thì không hiểu thì rút cục còn có bao nhiêu người muốn xem bóng đá VN ở cấp độ CLB.

Trên đây là 2 sự thay đổi rất dễ nhận thấy kể từ khi VPF tuyên bố tiếp quản quyền sở hữu bản quyền truyền hình V-League và giải hạng Nhất, nhưng lại có một thứ không hề thay đổi, ít nhất là ở loạt trận chiều qua, dù đấy là điều mà người hâm mộ kỳ vọng nhất khi VPF ra đời.

Thêm một lần nữa ở mùa bóng năm nay, sân cỏ VN lại nổi sóng vì tiếng còi trọng tài, khi trên sân Nha Trang, K.KH uất ức vì cách xử lí của trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng.

Ông vua sân cỏ này  bị xem là đã mắc sai lầm nghiêm trọng ở trận đấu bù giữa Sài Gòn FC và SLNA hồi tuần trước khiến Sài Gòn FC để mất chiến thắng một cách oan uổng, còn trên sân Lâm Đồng, trọng tài Trần Văn Lập làm trận đấu XSKT.LĐ-HV.AG thiếu chút nữa bị đổ vỡ do cầu thủ 2 đội loạn đả vì những quyết định gây tranh cãi của mình.

Bất cứ thay đổi nào được đưa ra cũng là để nhắm tới những điều tốt đẹp hơn, nhưng khi chưa nhìn thấy đổi thay rõ rệt từ những thay đổi ấy thì làm sao để duy trì hiện tại cũng không phải là lựa chọn không đáng xem xét.


Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn