>>John Terry: Abramovich đã khóc
>>Chung kết Champions League: Abramovich hy vọng trong im lặng
>>Lễ diễu hành hoành tráng của tân vương Chelsea
Để có được giây phút ấy, Abramovich đã phải tốn kém mất cả tỉ bảng, chờ đợi suốt gần một thập kỷ. Thời điểm mua lại Chelsea năm 2003, nhà tỉ phú người Nga này mới 37 tuổi, tức còn trẻ hơn cả huấn luyện viên (HLV) Roberto Di Matteo bây giờ, khi đưa Chelsea tới chức vô địch của giải đấu danh giá nhất châu lục.
Đáng nói, HLV người Ý lại là nhân vật mà Abramovich ít trông đợi nhất trong số các HLV từng dẫn dắt đội bóng trong “kỷ nguyên Chelski”.
Gần một thập kỷ chờ đợi, Abramovich mới cầm được chiếc cúp danh giá trên tay. Ảnh: Reuters |
Trong chín năm qua, Abramovich đã đưa về sân Stamford Bridge những chiến lược gia tốt nhất có thể, từ Mourinho, Ancelotti, Hiddink, cho tới Scolari hay gần đây nhất là Andre Villas-Boas.
Tuy nhiên, tất cả những HLV đó đều không thể giúp Abramovich thoả mãn giấc mơ châu Âu. Vậy mà một HLV tạm quyền như Di Matteo lại làm được điều đó. Phải chăng là may hơn khôn?
May như chính cái cách là Chelsea đã thắng Bayern trong trận chung kết: đầu tiên là bị dẫn trước, rồi bị phạt đền trong hiệp phụ, rồi đá hỏng quả penalty đầu tiên, song rốt cục đã lên ngôi vô địch.
Có thể, người Munich sẽ không tâm phục khẩu phục chiến thắng “may mắn” ấy của Chelsea. Bởi chỉ vài ngày trước trận chung kết, chủ tịch Bayern Uli Hoeness còn lớn tiếng mắng Abramovich là “mafia dầu mỏ”.
Báo chí châu Âu thì nhiều lần gọi Chelsea là “món đồ chơi của Roman”, thậm chí còn cho rằng sở dĩ nhà tỉ phú Nga đầu tư vào Chelsea chỉ là để rửa tiền, hoặc hợp pháp hoá sự hiện diện của mình tại nước Anh, phòng khi xảy ra những biến động chính trị tại quê hương mình (dẫu Abramovich vẫn luôn được coi là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin).
Với suy nghĩ ấy, người ta cũng nhiều lần đồn thổi rằng nếu Chelsea chỉ là món đồ chơi của Abramovich, thì cũng sẽ có ngày ông ta vứt bỏ đội bóng một cách không thương tiếc. Đã từng có lúc báo chí Anh nói Abramovich đã chán Chelsea khi ông hiếm khi xuất hiện ở Stamford Bridge và có vài giai đoạn chỉ đầu tư nhỏ giọt vào đội bóng.
Tuy vậy, đam mê bóng đá của Abramovich, tình cảm mà Abramovich dành cho Chelsea (hơi khiên cưỡng nếu gọi đó là tình yêu) thì chắc chắn không ai có thể phủ nhận.
Cần phải một lần nữa khẳng định, nếu Abramovich không tới Stamford Bridge thì chưa chắc đội bóng này đã có chức vô địch Anh sau nửa thập kỷ, chứ chưa nói đến chuyện lần đầu tiên giành chiếc cúp Champions League danh giá.
Nên dù Abramovich đầu tư vào Chelsea với động cơ gì thì các cổ động viên của The Blues vẫn luôn trân trọng những đồng rúp mà ông chủ người Nga đổ xuống vùng Tây London. Chưa một lần các cổ động viên sân Stamford Bridge giương những tấm biểu ngữ chống Abramovich, giống như các cổ động viên M.U và Liverpool dành cho các ông chủ Mỹ.
Từ ngày mua M.U, Malcolm Glazer chưa từng đặt chân đến Old Trafford, ông chủ Arập Khaldoon của Man City mới đến Etihad có một lần, thậm chí không xuất hiện trong thời khắc đội bóng này vô địch lần đầu sau 44 năm.
Abramovich thì ngược lại, thường xuyên có mặt trong nhiều trận đấu quan trọng của Chelsea, kể cả trên sân khách, luôn biểu lộ cảm xúc hết sức tự nhiên. Khi Chelsea thua, Abramovich không hề che giấu nỗi thất vọng, tiêu biểu là ở trận chung kết Champions League với M.U tại Moskva năm 2008.
Nhưng bốn năm sau, tại Munich, Abramovich đã có thể nở nụ cười sung sướng, nụ cười mà chỉ có thể miêu tả một cách sinh động nhất bằng cái cách nhiều người vẫn nói “Cười như địa chủ được mùa ngô”!
Theo SGTT