Giải rowing Vô địch thế giới: Chưa đấu đã thua

Thứ tư, 07/09/2011, 00:00
Có 33 quốc gia đoạt vé dự Olympic London sau giải VĐTG kết thúc tại Slovenia cách đây vài ngày, nhưng không có tên Việt Nam. Thất bại đã được dự kiến và đội thuyền 4 nữ còn nhiều việc phải làm nếu muốn dự Olympic năm sau…


Vì không có kinh phí đưa thuyền đi thi đấu, nên đội tuyển rowing Việt Nam đã thất bại ở giải VĐTG 2011

 Đua thuyền mà không có thuyền

Chuyện này đã quá quen thuộc với các tuyển thủ rowing Việt Nam. Bởi lẽ, kinh phí có hạn nên việc cử VĐV đi tranh tài còn phải cân nhắc lên xuống rồi mới có quyết định, thì nói gì chuyện có tiền vận chuyển thuyền đi thi đấu. Vì vậy, với các cuộc đấu tổ chức ở xa gần như chuyện mượn thuyền của BTC để thi đấu đã là cơm bữa. Tại giải VĐTG năm nay cũng vậy, “Kinh phí hạn chế nên lấy đâu tiền để gửi 1 chiếc thuyền tới tận Slovenia thi đấu. Việc thuê thuyền là bất khả kháng”, HLV Nguyễn Văn Thắng của ĐTQG cho biết.

Khi không có thuyền, các tay chèo bị phụ thuộc vào việc chờ BTC sắp xếp thuyền thi đấu là dễ hiểu. Theo một số VĐV từng dự giải quốc tế, thì thường không mấy khi BTC sẽ xếp thuyền có chất lượng tốt nhất cho… những kẻ đi mượn (với những đội có khả năng cạnh tranh vị trí lại càng khó). Minh chứng rõ nhất là ở Asian Games 2010 năm ngoái, rowing Việt Nam cũng phải mượn thuyền của BTC để thi đấu. Và theo nhận định của các HLV thì thuyền được cho mượn chất lượng kém hẳn thuyền “xịn”, nhưng Việt  Nam cũng nỗ lực giành được HCB.

Trở lại với cuộc đua ở Slovenia, 4 tay chèo Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Hải, Phạm Thị Thảo và Trần Thị Sâm chỉ dự tranh nội dung thuyền 4 người 2 mái chèo ở cự ly 2000m và về đích với thông số 7’14"56,  đồng thời xếp hạng 11/11 quốc gia dự nội dung này. Không giành được vé một phần vì đối thủ quá mạnh, nhưng điều đó khiến nhiều tay chèo thấy tủi thân cho phận nhờ vả ở giải quốc tế. Tủi hơn nữa, rowing được xếp vào nhóm đầu tư trọng điểm thứ 2 trong chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ta lại về chèo... ao ta!

* Năm nay đội chèo thuyền sẽ cử 19 VĐV (canoeing) và 20 VĐV (rowing) tới Indonseia thi đấu SEA Games. Canoeing có 15 bộ huy chương còn rowing là 11.

Hai tấm HCB có được ở Asian Games 2010 chính là cơ sở để rowing tự tin sẽ là một trong những quốc gia có cơ hội cao giành vị trí cao nhất ở SEA Games 26 - giải đấu quan trọng nhất trong năm của đội tuyển. Rowing đã có những bước tiến khả quan ở giải vô địch Đông Nam Á 2011 hồi tháng 6 với thành tích 6 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Đây là lợi thế về tâm lý nhưng cũng làm cho đua thuyền Việt Nam phải đối mặt với áp lực do các đối thủ cũng có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Tạm gác nhiệm vụ đoạt vé đến London sang một bên, SEA Games 26 sẽ có 20 tay chèo Việt Nam tham dự. Môn rowing có 11 nội dung thi đấu, nhưng BHL vẫn chỉ khiêm tốn đặt chỉ tiêu 2 HCV, tránh tư tưởng VĐV sớm tự mãn khiến phải thua thiệt không đáng có.

“Sau khi trở về Việt Nam ngày 6-9, đội tuyển rowing sẽ tập luyện ngay chuẩn bị cho SEA Games chứ không nghỉ ngơi. Thời gian không còn nhiều”, ông Thắng cho biết. Theo kế hoạch, rowing sẽ ở lại khu đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội) tập luyện chứ không tập huấn, nhằm “giữ” kinh phí cho chuyến đấu tại SEA Games 26 và giải tuyển chọn suất Olympic cuối cùng của châu Á diễn ra tháng 4 năm sau tại Hàn Quốc.

“Quanh năm chúng tôi chỉ biết đến nước và gió của hồ Tây (Hà Nội). Vác thuyền ra khỏi kệ là biết hôm nào tập gió mạnh hay không. Tập ngày hè thì mệt chuyện nắng rát mặt, tập ngày đông thì lại cực việc dậy sớm tập thể lực rồi chịu nước lạnh thấm người. Sơ sơ, mỗi VĐV ngày nào cũng chèo hơn 12km. Tập luyện là nghĩa vụ nhưng cũng mong chế độ về ăn, ở cho VĐV tương xứng thì động lực thi đấu sẽ tốt hơn”, một tuyển thủ giãi bày.

(Theo SGGP)

 

 

Lê Trung

Các tin cũ hơn