Bầu Kiên (Hà Nội ACB) ngồi giữa bầu Tuấn và bầu Long của Hòa Phát HN
Bổn cũ soạn lại
Buổi chiều tại sân Long An, Hà Nội ACB chính thức xuống hạng, còn bầu Kiên lạnh te, không biểu lộ cảm xúc. Ai cũng thấy bầu Kiên lạnh, nhưng có thể đằng sau cái lạnh, ít biểu cảm ấy là toan tính. Thực tế thì hôm qua, đã có những thông tin bóng gió về việc “binh bài” của bầu Kiên.
Theo một lãnh đạo Hà Nội ACB, đội bóng này và Hòa Phát HN sẽ hợp nhất lại thành 1 CLB, đại diện cho bóng đá thủ đô dự V-League. Suất chơi này chính là của Hòa Phát HN, sau khi đội bóng này thoát hiểm vào giờ chót. Tuy nhiên, phía Hà Nội ACB chưa xác định hình thức chuyển giao hay tên gọi mới của CLB. Chỉ biết là thông tin Hà Nội ACB - Hòa Phát HN trở thành 1 đội bóng đã có trong tính toán, đặc biệt, phía Hà Nội ACB đã kiên quyết giữ những trụ cột của mình, thay vì bán tống bán tháo, bởi bầu Kiên đã úp mở về việc “cứ tập trung vào, chuẩn bị đá tiếp ở V-League”.
Trên thực tế, có thông tin cho hay, không phải Hòa Phát HN và Hà Nội ACB sáp nhập lại với nhau. Thay vào đó, bầu Kiên đã mua lại toàn bộ đội hình, suất chơi của Hòa Phát HN ở V-League. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, bầu Kiên sẽ sàng lọc đội hình, dùng những cầu thủ hay nhất của 2 đội đá ở V-League, còn thành phần “loại 2” sẽ được chuyển xuống chơi ở hạng Nhất hoặc tìm đối tác để bán suất.
Cách thức của bầu Kiên thực hiện, nếu trở thành sự thật, không hề mới, bởi năm 2003, bầu Kiên cũng đã làm một cuộc hoán đổi, làm xáo trộn bóng đá thủ đô. LG.HN.ACB và Hàng không Việt Nam hợp thành lực lượng, để biến thành LG.HN.ACB, trong đó giành quyền chơi tại V-League, khi mà LG.ACB rớt hạng, còn Hàng không Việt Nam đối mặt nguy cơ giải thể. Thời điểm ấy, chính các lãnh đạo Hòa Phát nhận suất hạng Nhất mua lại từ bầu Kiên.
Phút ngẫu hứng?
Đến giờ, chưa có bất cứ công bố chính thức nào từ phía Hòa Phát HN hay Hà Nội ACB. Nhưng có điều không thể thừa nhận, các ông bầu Tập đoàn Hòa Phát đã có dấu hiệu chán bóng đá. Bầu Long, bầu Tuấn không dưới một lần lộ ý định rút lui khỏi bóng đá sau khi đội bóng của họ gặp quá nhiều cay đắng: rớt hạng mùa 2008, lên hạng rồi suýt rớt hạng ở V-League 2011. Thế cho nên, trường hợp bầu Long, bầu Tuấn “gả” lại suất chơi V-League cho Hà Nội ACB của bầu Kiên cũng có thể đoán định được, vì họ vốn vô cùng thân thiết trên thương trường lẫn ngoài đời.
Mấu chốt lúc này là những hệ lụy đằng sau cuộc sáp nhập (nếu có) này. Giữa mùa bóng 2011, Hòa Phát HN đã trưng ra một trung tâm đào tạo, tập luyện của riêng đội bóng này, với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Trung tâm này được xây dựng ở Mỹ Đình vốn là “đặc ân” của Hà Nội dành cho đội bóng, ông bầu đã bỏ nhiều công sức, tiền của đầu tư. Đấy là cái khó, níu kéo Hòa Phát HN, bởi giữ được khu đất vàng ấy sẽ rất khó, một khi Hòa Phát HN bỏ bóng đá.
Hòa Phát HN bỏ hay không bỏ? Với cách đầu tư của bầu Kiên, đội bóng chơi ở V-League hay hạng Nhất không quan trọng. Nhưng với V-League, mất đi những ông bầu chịu chơi, chịu chi, thậm chí đã rất kiên nhẫn, như những ông chủ Hòa Phát HN, đó là nỗi đau không dễ xóa bỏ. Bởi V-League và hậu trường bóng đá Việt Nam phải rắc rối, phức tạp vô cùng mới khiến những ông chủ sành sỏi đầu óc kinh doanh như Hòa Phát HN bỏ cuộc, chấp nhận hy sinh thương hiệu họ đã cố nuôi dưỡng, đeo đuổi gần 10 năm qua.
Mong rằng đấy chỉ là phút ngẫu hứng của những ông bầu Hòa Phát HN!
(Theo SGGP)
Lê Trung