Tuổi "xế chiều" cay đắng của người cha từng lao tâm khổ tứ vì "ngôi sao hư" Quốc Vượng
Thứ sáu, 29/11/2013, 11:53
Từng một thời, ông Quang phải xách ba lô đi hết trại giam này đến trại giam khác để thăm nuôi đứa con trai duy nhất của mình. Ngày nhận được lệnh đặc xá và con trai trở về ông cứ nghĩ rằng, bất hạnh đã ở lại phía sau lưng và từ đây, Quốc Vượng sẽ có một tương lai xán lạn. Nhưng nhiều năm qua, giấc mơ chỉ là giấc mơ.
Ông vẫn luôn phải trăn trở về sự nghiệp và cuộc sống của đứa con trai từng là một trong những tiền vệ hay nhất Đông Nam Á.
Ông Quang trong một lần đi thăm Quốc Vượng tại trại giam. Ảnh T.G.
Sự hy sinh vô bờ của người cha
Ông Lê Văn Quang sinh ra ở Vinh, từng là cầu thủ của SLNA những năm 80 của thế kỷ trước, nên bóng đá là đam mê và luôn cháy bỏng trong con người ông. Từ sự nghiệp với đầy những ký ức của mình, ông Quang đã "tiếp lửa" để cậu con trai là Lê Quốc Vượng nối tiếp niềm đam mê, với mong muốn cậu sẽ trở thành một tên tuổi lớn trong làng bóng đá. Ngày Vượng là một cậu học sinh tiểu học, ông Quang đã uốn nắn, tập từng động tác cơ bản cho con.
Không phụ lòng người cha, Vượng cũng tỏ ra đam mê và làm hài lòng ông Quang ở bất cứ bài tập nào. Nhà cách sân Vinh có mấy trăm mét, Vượng có lợi thế về môi trường tập luyện và bất cứ trận đấu nào của SLNA vào cuối tuần, ông Quang cũng dắt Vượng đi cùng để cậu cảm nhận được không khí sục sôi của bóng đá.
Bởi những động lực mà người bố tạo ra, Vượng đã cố gắng không ngừng nghỉ để khi chưa đầy 10 tuổi, cậu đã là một ngôi sao trên các sân bóng nhí ở thành Vinh. Đến năm 1996, Trưởng Đoàn bóng đá SLNA lúc bấy giờ là Nguyễn Hồng Thanh cho ra đời "lò" Sông Lam, đào tạo cầu thủ theo kiểu tập trung và Vượng bắt đầu có cơ hội thể hiện mình.
Anh bắt đầu nổi lên bằng lối chơi thông minh, hiện đại và sự nhanh nhẹn hơn người. Ông Quang cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi những cố gắng bấy lâu của mình đã bắt đầu thu về kết quả. Và từ đó, cứ có trận đấu của Vượng, dù đá bất cứ ở đâu, ông cũng thu xếp có mặt để cổ vũ, động viên tinh thần cho con trai.
Còn nhớ, ngày Vượng cùng SLNA đi thi đấu ở một số giải trẻ quốc gia ở Tây Nguyên hay TP.HCM, ông Quang cũng vác ba lô lên đường. Cựu cầu thủ của SLNA chia sẻ, hạnh phúc lớn nhất của ông là được chứng kiến con thi đấu, vì thế ông có thể dành mọi thời gian để đầu tư cho bóng đá. Cha con cùng niềm đam mê nên khi ấy, dù còn nghèo nhưng gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Những bữa cơm chớp nhoáng, khi Vượng tranh thủ về nhà lúc "xả trại" trở nên rất hạnh phúc với gia đình ông.
Lúc đó, biết gia đình nghèo khó nên Vượng rất quyết tâm và chăm chỉ luyện tập với hy vọng rằng khi trở thành một cầu thủ giỏi sẽ giúp bố mẹ thoát nghèo. Tưởng rằng, đó chỉ là sự khởi đầu nhưng nghiệt ngã thay, đó cũng là giai đoạn hạnh phúc nhất trong ngôi nhà của ông Lê Văn Quang, bởi sự nghiệp của Vượng sau đó đầy những chông gai và thử thách.
Những tháng ngày đong đầy nước mắt
Với tài năng và đam mê của mình, không mấy chốc, Vượng đã đạt được ước mơ cháy bỏng của mình và bố để trở thành một cầu thủ lớn không chỉ ở SLNA mà còn cả ở ĐTQG. Sau khi thu hoạch hàng tá thành công cũng các lứa trẻ của SLNA, Vượng có tên ở đội 1 và các ĐTQG. Tại SEA Games 22, Vượng được đánh giá là một trong những tiền vệ trung tâm tốt nhất Đông Nam Á.
Nhớ lại những ngày ấy, ông Quang không giấu được hạnh phúc. Ngôi nhà chật chội của ông lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của gia đình và những người hàng xóm. Họ đến chúc mừng vợ chồng ông Quang và xem Vượng thi đấu qua ti vi với một niềm háo hức như thể rằng Vượng là của chung cho tất cả mọi người hâm mộ chứ không phải là của riêng vợ chồng ông Quang.
Rồi những kỷ niệm, những lần bắt xe ra Hà Nội và nhiều nơi khác xem Vượng thi đấu còn in đậm trong tâm trí ông Quang. Ngày ấy, Vượng nổi tiếng, người hâm mộ vây xung quanh, chứng kiến cảnh ấy, ông Quang mừng đến rơi nước mắt. Hàng chục năm trời chỉ bảo, truyền lửa cho con giờ cũng có ngày, Vượng được tung hô, chúc tụng, đó là điều ông Quang lấy làm tự hào.
Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi, bởi chỉ vài ngày sau SEA Games 23, Vượng ở quê nhà nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra. Sốc hơn khi sau đó, tất cả đều biết, Vượng là người cầm đầu trong vụ bán độ tại SEA Games này. Gạt những giọt nước mắt, ông Quang lại vác ba lô lên đường. Nhưng những lần này không còn như trước, bởi những gì ông phải chứng kiến không phải là một hình ảnh quen thuộc của Vượng khi còn tung hoành trên sân cỏ mà thay vào đó là hình ảnh Vượng ở trước vành móng ngựa.
Gần 4 năm trời, ông Quang phải đi khắp nơi, từ trại giam này đến trại giam khác. Từ người hùng từng mang lại vinh quang cho thể thao nước nhà, Vượng trở thành tội đồ và ở quê nhà, vợ chồng ông Quang cũng chịu vô số những áp lực. Nếu như trước đó, đi đâu ông Quang cũng tự hào thì thời điểm đó, ông sợ ra đường vì những ánh mắt dò xét, thiếu thiệu cảm của tất cả mọi người. Ông Quang đã từng viết thư xin lỗi người hâm mộ và nhận tất cả trách nhiệm về mình. Không một lời oán trách con, ông Quang cho rằng, đó là chuyện "con dại cái mang" và vợ chồng ông xin nhận khuyết điểm về những gì Vượng đã gây ra.
Gần 4 năm trời với rất nhiều áp lực trong cuộc sống, ông Quang cũng gầy đi trông thấy, sức khỏe ngày càng suy yếu. Rất may, nhờ cải tạo tốt cũng như được sự quan tâm của nghành thể thao nên Vượng đã được đặc xá, trở về trước thời hạn và lóe lên hy vọng trong ông Quang về sự hồi sinh của cậu con trai độc nhất. Ngày Vượng trở về, ông Quang đón ở trại giam và cha con ôm nhau trong những giọt nước mắt có đủ gia vị. Trong thâm tâm, ông Quang vẫn hy vọng rằng, quá khứ lỗi lầm sẽ là bài học để Vượng trưởng thành hơn và ông rất tin tưởng vào phần đời còn lại của Vượng.
Vinh quang xa vời
Ngày Vượng trở về, có rất nhiều đội bóng "đại gia" săn đón nhưng Vượng chọn Thể Công bởi tấm chân tình mà lãnh đạo đội bóng này dành cho anh từ khi anh vẫn còn trong trại giam. Để thể hiện trách nhiệm, sau khi nhận tiền lót tay từ đội bóng quân đội, Vượng đã đầu tư giúp bố mẹ sửa lại nhà, lợp thêm mái tôn để nới rộng không gian sinh sống. Cùng từ số tiền lót tay đó, Vượng đầu tư mua một vạt đất gần nhà giá 900 triệu đồng. Ông Quang vui và hạnh phúc lắm, vì qua đau khổ, Vượng đã thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm với những người trong gia đình.
Thế nhưng, chưa vui được mấy, ông Quang lại phải trăn trở với những nổi niềm của con trai. Những vận đen vẫn chưa buông tha Quốc Vượng khi không lâu sau đó, Vượng bị chấn thương và phải ra nước ngoài điều trị. Gián đoạn 1 thời gian và ở vào thời điểm Thể Công chuyển giao cho Thanh Hóa nên sự nghiệp của Vượng lại long đong.
Sau rất nhiều những lần đàm phán qua lại, anh quyết định về Xuân Thành Hà Tĩnh của bầu Thụy với cái giá lót tay 5 tỷ đồng. Nhưng ở mùa giải ấy, Xuân Thành Hà Tĩnh đã thất bại và Vượng cũng không ghi dấu ấn gì trong suốt quá trình ở đây. Rồi từ đó, những nhùng nhằng về tiền bạc lại làm cho Vượng khổ sở hơn.
Sau khi chia tay Xuân Thành Hà Tĩnh với những lùm xùm phía sau vẫn chưa được giải quyết, Vượng quyết định "đầu quân" cho đội bóng Thanh Hóa và được ra sân thường xuyên. Thế nhưng niềm vui cũng ngắn chẳng tày gang, khi chỉ hết giai đoạn 1 của mùa giải 2012, Vượng đã bị đội bóng Thanh Hoá thanh lý hợp đồng và Vượng lại trở về cảnh thất nghiệp.
Trước những ngã rẽ cuộc đời của con trai, ông Quang lại chỉ biết động viên con tiếp tục nuôi ước mơ để tìm cơ hội khác. Rồi để giúp Vượng vơi đi nỗi nhớ trái bóng, ông Quang gợi ý anh cưới vợ. Vượng cũng nghe lời bố và sau đó anh đã cưới một cô vợ người thành Vinh xinh đẹp.
Cưới vợ xong, Vượng tỏ ra rất bản lĩnh, thậm chí còn xin tập ké ở SLNA để tìm cơ hội. Những ngày Vượng thử việc ở đội bóng xứ Nghệ, ông Quang vẫn lặng lẽ trên các khán đài để dõi theo. "Nó chạy nhanh, vẫn còn đó những tố chất và tôi tin, nó vẫn còn thi đấu đỉnh cao được vài năm nữa…", ông Quang chia sẻ.
Nhưng rồi, khi mọi cái đang thuận lợi như vậy, vợ Vượng lại trở dạ sinh con sớm hơn dự định khiến Vượng phải gác mọi việc lại để chăm nom vợ ở bệnh viện. Tất nhiên, thời gian hơn 1 tháng gián đoạn ấy, mọi thứ thay đổi và Vượng bị loại ra khỏi kế hoạch của đội bóng xứ Nghệ. Tuyên bố giải nghể để kinh doanh, nhưng sau Tết Nguyên đán 2013, Vượng lại sống ẩn và chẳng biết tương lại về đâu.
Trong ngôi nhà đang ngày càng xuống cấp và chật chội, ông Quang đang phải nếm trải những nỗi niềm khó tả. Là bố một cầu thủ nổi tiếng, từng là tuyển thủ Quốc gia nhưng từ khi hướng con theo nghiệp bóng đá, ông Quang lại phải chịu đựng không ít nổi đau. Nói về tương lai của Vượng, ông Quang cũng chỉ biết thở dài: "Mong cho nó đá bóng trở lại thôi, chứ đam mê thế rồi, giờ làm được việc gì khác ngoài bóng đá".