Quá khứ đen tối của Quốc Vượng
Quốc Vượng từng là cầu thủ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam, anh là thành viên đội U16 giành hạng 4 giải vô địch U16 châu Á năm 2000. Thành công từ sớm khiến anh nổi như cồn, từng được coi là tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng tại Seagames 23, Vượng cùng một số đồng đội đã bán độ để rồi phải đi tù đến năm 2009.
Ra tù, lẽ ra phải cố gắng lấy lại phong độ thì anh lại trở nên kém cỏi đến nỗi bị Thanh Hóa cắt hợp đồng do không đáp ứng được chuyên môn. Không những khó khăn về nghề nghiệp, đứa con nhỏ mới sinh của anh lại đau yếu, chỉ nặng có 1,5kg. Vượng bây giờ không có tiền, phải sống nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè.
Quốc Vượng thời đỉnh cao |
So với lớp đàn anh mặc quần đùi áo số như Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Lê Văn Lưu... thì thế hệ của Quốc Vượng may mắn hơn nhiều. Vượng cùng với dàn cầu thủ Dương Hồng Sơn, Huy Hoàng, Văn Quyến, Công Vinh trưởng thành ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp hơn và "túi tiền" cũng dư dả hơn.
Tài năng và vị thế là vậy, nhưng điểm yếu lớn nhất của Vượng là tính tình bốc đồng, khiến nhiều lúc BLĐ, HLV phải lắc đầu vì không thể kiếm soát nổi "con ngựa bất kham" này. Trong sân khi thi đấu Vượng lăn xả, vào bóng quyết liệt, không ngại va chạm. Ngoài đời, Vượng cũng nổi lên là một tay "hảo hán" có hạng.
Nói về độ ăn chơi thì ở SLNA, không ai có thể vượt qua được Vượng. Thậm chí dư luận còn nói rằng, Vượng dính vào cờ bạc, và có bao nhiêu tiền đều "đầu tư" vào thú này. Mỗi khi cháy túi Vượng lại đi vay, rồi đi "cắm", miễn sao có tiền để tiếp tục cuộc chơi. Vượng còn lôi kéo một số đồng đội vào cuộc, thậm chí dạy cho lớp đàn em biết "mùi đời" bằng những mánh khóe các trò chơi. Một cầu thủ từng theo chân Vượng vào các chốn ăn chơi cho biết: "Anh Vượng nổi tiếng tới mức ở đâu có sòng bạc chắc chắn ở đó anh ấy sẽ có mặt. Tụi em biết cũng từ anh ấy mà ra".
Cũng vì quá vùi mình vào chốn ăn chơi nên Vượng phải trả giá. Để có tiền, Vượng đã liều mình giật dây một số đồng đội bán độ. Tháng 12/2005, Vượng bị bắt vì tội tổ chức bán độ trong một trận đấu của U23 VN tại SEA Games 23. Lúc ấy trong suy nghĩ nông cạn của mình, Vượng cùng "tập thể" nhìn nhận đơn giản, đội tuyển Việt Nam dù sao cũng đã lọt được vào vòng trong, chỉ cần thắng Myanmar với tỉ số tối thiểu là "OK" rồi. Thôi thì tranh thủ "làm ăn" tí cũng chả sao.
Nói là làm, trận đấu ấy Việt Nam chỉ thắng 1 - 0. Nhưng màn kịch vụng ấy đã không qua mắt được những nhà chuyên môn và người hâm mộ. SEA Games 23 kết thúc cũng là lúc chuyên án lật tẩy vụ bán độ được bóc trần. Đây thật sự là điểm nhấn của cuộc đời Vượng. Năm 2006, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt Lê Quốc Vượng 4 năm tù giam vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Tương lai một màu xám xịt
Ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch CLB Thanh Hóa cho biết ban lãnh đạo đội bóng đang chuẩn bị kiện tiền vệ Quốc Vượng ra tòa án kinh tế vì nợ tiền. Quốc Vượng vay CLB 700 triệu, câu lạc bộ chỉ đòi 400 triệu, rồi 300 triệu, nhưng anh vẫn không trả nên buộc họ phải đi kiện.
Trước tình hình trên, Quốc Vượng cho biết anh chỉ còn thiếu nước quỳ xuống van xin nhưng bầu Đệ không những không bớt tiền đền bù mà còn đòi tính thêm cả... lãi. Khi được hỏi về tương lai nếu không đá bóng thì làm gì, Quốc Vượng bộc bạch: "Tôi cũng chưa quyết định. Buôn bán thì chắc làm mãi rồi cũng được thôi, tôi sống từ bé đến giờ đều hết mình vì bạn bè nên chắc cũng sẽ có nhiều người giúp. Nhưng thực lòng, tôi vẫn muốn được đá bóng thêm một lần nữa, rồi nếu không được thì nghỉ hẳn cho đỡ day dứt".
Quốc Vượng đang tính chuyện giải nghệ khi không tìm được bến đỗ mới |
Một người tài năng, được ưu ái nhiều thứ mà sao lại ra nông nỗi ấy. Chỉ là do anh tự chuốc lấy mà thôi. Thói ăn chơi vô lối, thiếu nghiêm túc trong công việc đã dẫn đến kết cục như vậy. Anh kiếm được tiền quá dễ dàng và phung phí đi cũng dễ. Không những vung phí tiền của mình, anh còn vay của người ta để rồi không trả được.
Xã hội Việt Nam rất "coi trọng" chuyện ăn chơi hưởng thụ, trong khi đất nước còn nghèo. Ngay cả người nghèo cũng thường vung phí vào rượu chè, cờ bạc, cho thế mới là biết sống. Người dân không có tinh thần lao động nghiêm túc, chỉ thích những trò ăn chơi, hưởng lạc, cho thế mới là thời thượng, đáng học tập. Quốc Vượng và nhiều cầu thủ khác chỉ là kết quả của nhận thức xã hội lệch lạc ấy. Trong môi trường xã hội như vậy thì tài năng có khi lại đem đến tai vạ chứ không phải là tốt đẹp.
Những cầu thủ ở các nền bóng đá phát triển có quá trình rèn tập rất nghiêm túc, khắc nghiệt. Với cách rèn luyện như thế thì ở xã hội Việt Nam sẽ bị cho là điên, chỉ có ăn với tập như trâu, chả biết ăn chơi gì! Chính vì cái nhận thức này, Việt Nam sẽ không bao giờ có được một đội bóng xuất sắc, cũng như không thể có được các thế hệ công dân tích cực, có thể đóng góp lợi ích cho xã hội.
Đến ngôi sao Văn Quyến- Công Vinh
SEA Games 22 thành công cùng với danh hiệu Quả bóng Vàng như một vỏ bọc cho Quyến tự thưởng mình bằng những thú vui lạ lẫm. Cả thành phố Vinh không ai lạ mái đầu vàng như tài tử Hàn Quốc và kiểu nghe điện thoại mở loa giữa quán cà phê trên phố Minh Khai mà Quyến thường đến.
Ở Vinh cũng không ai lạ những thú ăn chơi sau giờ giới nghiêm (của đội bóng) với đủ loại hưởng thụ kỳ lạ ở các khách sạn. Ở đấy tiếng tăm của Quyến khác với tiếng tăm mà những nơi khác người ta chỉ thấy hào quang quanh Quyến chứ không thấy được mặt trái của một cầu thủ đổi đời quá nhanh và hưởng thụ, sống gấp cũng quá nhiều.
Văn Quyến may mắn được V-Ninh Bình chiêu mộ để giải cứu cuộc đời |
Những đoàn văn nghệ đến Vinh biểu diễn, nhiều cô gái đã tìm Quyến chỉ để xem mặt và để… vui. Những cô bé chọn Quyến là thần tượng có người cũng sẵn sàng “hết mình” với Quyến.
Quyến tậu cho mình một chiếc “A gù” nhưng vài tháng sau đã thấy Quyến lái chiếc Dylan chạy lòng vòng thành phố Vinh làm các em lé cả mắt. Điện thoại loại nào mới xuất hiện trên thị trường, thì y như rằng Văn Quyến sẽ là người chủ sở hữu đầu tiên.
Sim điện thoại số đẹp giá khủng thay liên tục, bạn gái cũng luôn mới và thời gian cho những cuộc săn “hàng”, ăn chơi cũng nhiều hơn là thời gian cho tập luyện, cho những lần về Hưng Nguyên với mạ Niềm.
Danh vọng và tiền bạc đến với Quyến quá sớm và quá lớn khi chưa có tư thế đón nhận đã tạo nên hội chứng đua đòi.
Chỉ có điều ở Nghệ An các bác, các chú và các thầy thấy Quyến hư, nhưng không ai dám tát tai Quyến như kiểu người lớn dạy dỗ trẻ cả. Nói là sự bỏ mặc cũng đúng nhưng nói là sự né tránh vì Quyến còn được việc, còn ghi bàn và là cái máy hái ra tiền của CLB thì cũng chẳng sai…
Nói đến chuyện hư hỏng của Quyến, đến giờ những người từng ở bên cạnh Quyến vẫn thấy hối hận. Thầy Thịnh nói: “Tôi từng phân tích ra 12 lỗi của nó để bắt nó phục thiện, nhưng sau mỗi lần nó qua án thì cứ y như rằng có bàn thắng, có sự kiện và thế là nó lại lao theo thói hư như con thiêu thân vậy”.
Những người ở cái thành phố Vinh bé nhỏ lại nhìn Quyến theo khía cạnh khác: khía cạnh ở những mối quan hệ bạn bè mà Quyến rất dễ bị rủ rê.
Lời nhận xét của thầy Thịnh khi nói rằng ở đội bóng cậu ta có ít bạn rất đúng. Quyến không có bạn để chia sẻ nhưng “bạn” làm ăn và đánh quả dựa vào tài năng của Quyến thì rất nhiều.
Ở Nghệ An có một trung vệ mà Quyến lúc nào cũng anh anh, em em dù ai cũng biết đó là trung vệ rất giỏi, nhưng cũng khét tiếng về những trận đấu đáng ngờ.
Quyến không phải là thủ lĩnh và cũng là người rất dễ bị lôi kéo. Quyến biết mình là người tài và tự hào với cái tài của mình nhưng không bao giờ trang bị cho mình cách tự bảo vệ.
Ngôi sao Công Vinh cũng đang vất vả tìm cho mình đội bóng mới |
Nói người hùng của bóng đá Việt Nam ấy là tội phạm cũng đúng mà nói là nạn nhân cũng chẳng sai.
Quyến "béo" ra cơ sự như thế này âu cũng là hậu quả mà cuộc sống phóng túng của anh phải trả. Thế nhưng với một ngôi sao được liệt vào dạng hiền lành như Công Vinh thì thời điểm này cũng đang "màn trời chiếu đất".
Từ một ngôi sao hàng đầu Đông Nam Á, Công Vinh giờ đây vẫn phải đang mòn mỏi tìm cho mình kế sinh nhai bằng việc đi tìm một bến đỗ mới.
Cách đây không lâu, người hâm mộ bóng đá lẫn người yêu âm nhạc Việt Nam xôn xao với thông tin chàng cầu thủ xứ Nghệ Công Vinh chứng tỏ độ chịu chơi và yêu chiều bạn gái xinh đẹp Thủy Tiên khi tặng cho cô nàng chiếc đồng hồ hình rắn làm bằng vàng ròng có giá lên tới 4 tỷ.
Chiếc đồng hồ trị giá 4 tỷ mà Thủy Tiên đeo là do Công Vinh mua tặng |
Giá trị của vật phẩm mà chàng cầu thủ tặng vợ sắp cưới thì khỏi phải bàn cãi bởi chiếc đồng hồ đặc biệt này là một con rắn bằng vàng uốn lượn 7 vòng quanh cổ tay người đeo có tên gọi “Bvlgari Serpenti 7 Coil” phiên bản giới hạn chỉ có 15 chiếc trên thế giới. Tổng cộng trên bề mặt chiếc đồng hồ này là 228 viên kim cương tinh khiết.
Người ta trầm trồ rồi xuýt xoa bàn luận qua lại, rằng trong thời buổi mà bỏ đồng tiền ra mua bó rau còn tiếc này mà họ bỏ tới 4 tỷ chỉ mua cái đồng hồ “coi giờ” thì quả là quá chơi trội. Rồi ngay sau đó, vô số những hình ảnh chụp cảnh gia đình CV9 thời còn khốn khó, mẹ anh phải nuôi lợn để bổ sung thu nhập cho gia đình, đã xuất hiện tràn lan trên mạng với hàm ý “nghèo thế mà ăn chơi”.
Nhưng nghèo đã là chuyện của quá khứ, Công Vinh thời điểm ấy đã ở vị thế khác, một tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt, một ngôi sao của CLB Hà Nội với mức lương cao ngất ngưởng.
Người ta có tiền thì người ta ăn chơi, nhất là khi họ là “sao” và phải chứng tỏ đẳng cấp trước công chúng. Còn nhớ giai đoạn khi CV9 chuyển từ CLB SLNA về Hà Nội T&T với cái giá 9 tỷ thì ít lâu sau đó chàng cầu thủ này liền tậu cho mình xế hộp Mercedes SLK 200 với giá 1,8 tỷ đồng.
Công Vinh và chiếc xế hộp mui trần thời còn khoác áo HN T&T |
Chưa hết, sau 3 năm gắn bó với Hà Nội T&T của bầu Hiển, Công Vinh đã thực hiện "cuộc đào thoát" ngoạn mục về CLB Hà Nội của bầu Kiên với giá trị mà theo người ta đồn đoán là hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng sau khi chơi cho CLB Hà Nội được một mùa bóng cộng với việc bầu Kiên bị bắt và CLB Hà Nội chính thức giải tán thì Công Vinh chính thức rơi vào cảnh thất nghiệp.
Suốt mấy tháng qua, Công Vinh đã liên hệ với nhiều đội bóng nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, phần vì họ không có 4 tỷ để đền bù hợp đồng, phần vì hầu hết các CLB V-League đều đang thắt chặt chi tiêu trong thời buổi "gạo châu củi quế" như thế này. Trước viễn cảnh trên, hôm qua bầu Trường của V-Ninh Bình đã giang tay cưu mang Công Vinh nhưng mức lương dành cho anh chỉ còn 25 triệu. Nếu so với con số "khủng" anh được nhận ở một số đội bóng trước thì đây quả là một sự xuống dốc thậm tệ.
Lời cảnh tỉnh cho cầu thủ trẻ
Tại AFF Cup vừa rồi, chúng ta vẫn chứng kiến rất nhiều đội có sự hiện diện của cầu thủ lão làng. Trường hợp 42 tuổi vẫn cày ải như Duric là hiếm, nhưng độ tuổi “băm” là không thiếu. Điển hình như Vua phá lưới Dangda của Thái Lan đã 30 tuổi. Hay một Thonglao không xa lạ với chúng ta, cùng thế hệ Quốc Vượng, Văn Quyến nhưng vẫn còn chơi rất “chất”. Trong khi đó, hàng loạt cầu thủ chưa đến mức quá đát của ta, vì nhiều lý do khác nhau, đều phải ở nhà nhìn đồng đội cũ thi đấu qua TV...
Chúng ta nên nhớ rằng, thời còn khoác áo HA.GL, Thonglao cũng vật vờ như chiếc lá sắp rụng. Tất nhiên, rất nhiều ngôi sao ngoại khác, đến V-League với bao hy vọng của ông chủ bỏ tiền tấn ra mua, đa số đều lần lượt trở thành sao băng. Điển hình là trường hợp Lee Nguyễn, đến Pleiku chưa lâu lập tức tiêm nhiễm đủ món ăn chơi, bị chất nghiệp dư của V-League đồng hóa.
Có thể khẳng định rằng, bóng đá ta không hiếm tài năng. Vấn đề, để tài năng đó phát triển toàn diện, có tuổi thọ nghề nghiệp lâu bền là một thách thức quá nghiêm trọng. Cầu thủ vừa không được trang bị các kỹ năng cơ bản để sống sao cho tốt lên, kể cả việc sử dụng đồng tiền hợp lý. Bản thân họ cũng không ý thức được phải yêu quý cái nghề. Trong khi kỷ cương các CLB đa số đều lỏng lẻo, buông lỏng quản lý.
Nhưng quan trọng nhất, việc kiếm tiền quá dễ đã sản sinh một thế hệ cầu thủ chỉ quen hưởng thụ, chỉ nghĩ cho bản thân mình là cơ bản. Khi đã sống gấp như ngày mai không còn sống, việc tuổi thọ nghề nghiệp bị bào mòn có gì lạ đâu.
Theo VTCnews/Laodong/NLĐ