Những nghề "câu cơm'' của cầu thủ Việt khi thất nghiệp
Thứ tư, 12/12/2012, 08:58
Hàng loạt đội bóng giải thể đẩy hàng loạt ngôi sao bóng đá nội vào thế đường cùng. Trong lúc chờ đội bóng mới, rất nhiều cầu thủ Việt phải tìm nghề mưu sinh mới, để vượt qua khó khăn đang bủa vây trước mắt.
Thời buổi bóng đá rơi vào ế ẩm đã có đến 7 đội bóng lớn nhỏ ở V-League và hạng Nhất giải thể. Điều ấy dẫn đến cảnh nhiều ngôi sao tầm cỡ như Công Vinh, Thành Lương, Văn Vinh... rơi vào cảnh thất nghiệp chỉ trong phút chốc.
Nếu nhiều đồng đội khác đang chạy vạy tìm câu lạc bộ mới, Công Vinh lại tính theo con đường đi học. Số là cầu thủ gốc Nghệ cũng tính chuyển đi học làm thầy, đến khi giải nghệ chuyển sang công tác huấn luyện viên. Đây là ý định sát ngày giải nghệ, "CV9'' mới thực hiện việc này.
Công Vinh toan tính đi học làm huấn luyện viên
Tuy nhiên do Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội giải thể, Công Vinh cũng chưa tìm được đội bóng mới, Vinh "còm'' quyết định việc đi học để chuẩn bị cho tương lai. Đầu tiên là Công Vinh nộp hồ sơ vào khoa đào tạo bóng đá tại Đại học thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), để lấy bằng cử nhân.
Sau đó, chân sút sinh năm 1985 sẽ tiếp tục học sơ cấp huấn luyện viên quốc gia, rồi nâng cấp bằng dần để đạt chứng chỉ của Liên đoàn bóng đá châu Á. Đến tầm 30 tuổi, Công Vinh sẽ có thể đạt đủ năng lực chuyên môn để làm thầy, một ngã rẽ khá nhanh nhưng được Công Vinh tính toán tới, trong lúc chưa tìm được lối ra trước mùa giải 2013.
Tập làm ông chủ ''nhỏ''
Nếu Công Vinh tính chuyện đi học đại học, thì nhiều cầu thủ khác lại tính chuyển hướng kinh doanh, để vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Như tiền vệ Phan Văn Tài Em sớm mở shop áo quần cho trẻ em tại TP.Hồ Chí Minh, trong lúc đội bóng chủ quản Navibank.SG bị bán lại cho anh em nhà bầu Thụy.
Trong trường hợp chưa được Sài Gòn.XT tiếp nhận, Tài Em có thể có đồng vào, đồng ra chứ không lo mất ăn, mất ngủ như những đồng đội khác.
Trường hợp tiền vệ Phạm Thành Lương cũng đang đau đầu với việc Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội bị giải thể thời gian qua. Đang có nhiều đội bóng mời gọi Lương ''dị'' về đầu quân, nhưng tuyển thủ họ Phạm vẫn chưa quyết định lựa chọn đội bóng nào.
Trong thời gian khó khăn nhất của sự nghiệp, Thành Lương vẫn không quá lo lắng về tài chính, khi quán cafe của cầu thủ này tại Hà Nội vẫn ăn nên, làm ra. Chưa kể những bản hợp đồng quảng cáo nước tăng lực, đồ ăn nhanh cũng giúp Thành Lương có số tiền kha khá trong tay.
Thành Lương kinh doanh quán cà phê
Có lẽ sốc nhất trong số các cầu thủ Việt thời gian qua, chính là việc tiền vệ Mạnh Tú quyết định khai trương quán bánh ướt tại TP.Hồ Chí Minh, sau khi thất nghiệp. Từng sớm nổi danh ở Nam Định, rồi trôi dạt về V.Ninh Bình, K.Khánh Hòa, Mạnh Tú bỗng thất nghiệp trong cả năm vừa qua.
Chán nản vì sự nghiệp bóng bánh chẳng đến đâu, Mạnh Tú quyết định chuyển nghề, mở quán bánh ướt gia truyền Nam Định ở phương Nam. Xem ra cầu thủ người thành Nam này quyết định bỏ hẳn bóng đá, để chuyên tâm công việc làm ăn, kinh doanh của mình.
Còn nhiều trường hợp cầu thủ khác đã mở nhà hàng, cho thuê sân đá bóng mini, buôn bán bất động sản... để kiếm đường mưu sinh trong lúc bóng đá nội rơi vào cảnh khó khăn như hiện tại.
Đá ''phủi'' chờ thời
Nhiều cầu thủ tính đi học, chuyển sang kinh doanh, buôn bán khi thất nghiệp, còn đa số những cầu thủ còn lại vẫn kiếm tìm cơ hội thử việc ở các đội bóng thời gian qua. Tuy nhiên, các đội bóng ở V-League và hạng Nhất đa phần đã có đủ lực lượng, nên không mặn mà thử việc thêm cầu thủ.
Vạn bất đắc dĩ nhiều cầu thủ ở ta phải đi đá ''phủi'' để giữ chân cẳng, cảm giác bóng cũng như chờ thời vận của mình. Có thể kể tới Xuân Thành, Phong Hòa, Nguyễn Đỏ, Thành Lương, Công Vinh, Minh Chuyên, Tài Em.... Những cầu thủ này đều xem việc đá phủi như nơi giữ lửa đam mê, trong lòng trước những diễn biến đầy tiêu cực, khó khăn của bóng đá nội.
Như trường hợp K.Khánh Hòa sau khi giải thể, còn đến 13 cầu thủ đang ở chế độ chờ. Đội bóng phố biển chưa vội thanh lý hợp đồng, khiến 13 cầu thủ này đều chỉ tập chay để chờ quyết định cuối cùng từ phía lãnh đạo đội bóng. Gần như không có cơ hội dự V-League hay hạng Nhất do thời gian quá cập rập, đa phần các cầu thủ đi đá bóng futsal, đá phủi để duy trì phong độ.
Tựu chung các hướng đi của cầu thủ Việt Nam ở bối cảnh khó khăn như thế này, cũng để tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt. Có cầu thủ tặc lưỡi nhớ lại thời hoàng kim cầu thủ nội chỉ chưa đầy một năm trước:
"Vài năm trước, trình độ trung bình khá như tôi khi đến một câu lạc bộ ở V-League cũng nhận lót tay 3-5 tỷ đồng. Nay thì mọi thứ trượt giá khủng khiếp, khiến giấc mơ có câu lạc bộ để thi đấu đã khó rồi. Thời hoàng kim của cầu thủ ở V-League giờ chấm hết, chúng tôi phải vất vả chống lại cơn bão khó khăn đổ ập lên mình và gia đình vào lúc này".