Giá sữa bất ổn “hậu” áp trần: Đại lý tùy tiện giá, người tiêu dùng lạc lối

Chủ nhật, 10/08/2014, 11:36
Đang nằm trong danh sách 25 sản phẩm bị áp trần, đùng một cái, được loại ra khỏi danh mục sữa, không thuộc diện bình ổn. Trong khi đó, nhiều sản phẩm được áp trần nhưng mỗi nơi một giá, chênh nhau tới hàng trăm nghìn đồng. Người tiêu dùng như lạc vào mê cung: người may thì mua được rẻ, người không may thì tiếp tục bị móc túi. Thị trường sữa tiếp tục loạn giá.

Siêu thị, cửa hàng cùng nhau lách trần

Khi thực hiện áp trần giá sữa, rất nhiều siêu thị lớn cam kết bán đúng giá trần, thậm chí tẩy chay sản phẩm nếu không thực hiện đúng giá bán. Tuy nhiên, sau hai tháng, tình trạng loạn giá sữa lại bắt đầu tái diễn. Việc “lách trần” tại các cửa hàng nhỏ lẻ được coi là “tất lẽ dĩ ngẫu” vẫn không nhằm nhò gì với lách trần tại một số siêu thị.

Theo đó, giá sữa tại các siêu thị lớn luôn có xu hướng cao hơn so với giá bán của các đại lý, cửa hàng. Giá sữa bột hộp 400gr của các cửa hàng, đại lý có thể thấp hơn so với siêu thị nhỏ từ 10-25.000 đồng/hộp; loại 900gr có thể chênh từ 30.000 - 50.000 đồng/hộp so với các siêu thị lớn. Đặc biệt một số sản phẩm có khối lượng 1,5- 1,7kg còn chênh lệch giá đến 80.000- 90.000 đồng/hộp.

Tại các cửa hàng bán lẻ, một số sản phẩm hay bị “lách” trần là Dialac Alpha 123 HT, loại 900g của Vinamilk, đang được nhiều cửa hàng bán với giá 186.000 - 190.700 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa chỉ là 176.000 đồng/hộp. Sữa Nan 1 của Nestle loại 800gr được bán ra với giá 380.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa ở mức 371.000 đồng/hộp; Nan Pelargon loại 400gr có giá bán lẻ 220.000 đồng/hộp, vượt 3.000 đồng/hộp so với giá áp trần...

Còn tại siêu thị, trường hợp chênh giá điển hình nhất mà nhóm P.V Báo CAND ghi nhận được là tại siêu thị Citimart. Khảo sát của chúng tôi về sản phẩm được rất nhiều bà mẹ lựa chọn cho con là sữa Nan của Nga, thì tại Siêu thị sữa 247 ở Mỹ Đình, Từ Liêm (Hà Nội), giá bán một sộp sữa Nan 3 loại 900gr là 365.000 đồng/hộp, thấp hơn giá trần quy định gần 20 nghìn đồng/hộp.

Cùng sản phẩm này, tại đại lý sữa ở Thanh Xuân là 390.000 đồng/hộp, cao hơn giá trần 6.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, một đại lý khác trên phố Nguyễn Khuyến, giá được “hét” tới 590.000 đồng/hộp. Trong khi đó, một hộp sữa Nan 3 loại 900gr bán tại Citimart trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), ngày 4/8, lên tới 464.600 đồng, cao hơn giá trần quy định tới 80.000 đồng/hộp.

Điều đáng nói, đây không phải là sản phẩm vượt trần duy nhất trên kệ của siêu thị này, vì bên cạnh cũng có một sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khác là Enfamil A+1 được ghi giá bán là 275.000 đồng, trong khi giá trần bán buôn theo quy định của Bộ Tài chính là 187.000 đồng, cộng 15% giá bán lẻ đến người tiêu dùng chỉ là 215.000 đồng. Đáng chú ý hơn, là một siêu thị lớn, nhưng thay vì một số bảng giá được in bằng máy, thì giá bán các loại sữa trên tại Citimart lại được ghi tay bằng bút bi, với dòng chữ nhỏ và phải chú ý mới nhìn thấy.

“Tôi cũng có nghe nói áp trần giá sữa, nhưng từ trước đến nay, tôi thấy hầu hết hàng bán trong siêu thị đều cao hơn mặt bằng chung bên ngoài thị trường do quy mô rộng lớn, địa điểm đắt đỏ, lại có điều hòa mát mẻ, nên tôi cứ tưởng giá sữa cũng phải đắt hơn bên ngoài, nên cứ mua thôi, cũng chẳng thắc mắc gì”, một khách hàng mua sữa chia sẻ.

Nhiều sản phẩm chưa được phân định rõ là sữa hay sản phẩm dinh dưỡng.

Bất cập quy chuẩn định danh sữa

Như Báo CAND đã đưa tin, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp làm rõ tên gọi của 30 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi để đưa vào danh mục bình ổn giá. Bộ Y tế đã có văn bản trả lời về 12 sản phẩm là sữa, còn 18 sản phẩm khác thuộc sản phẩm dinh dưỡng. Có một điều khá kỳ lạ là trong 18 sản phẩm mà Bộ Y tế không công nhận là sữa này, có 1 sản phẩm đã từng có mặt trong danh mục 25 sản phẩm bị chỉ đích danh là sữa và áp giá trần từ ngày 1/6.

Đó là sản phẩm đứng thứ 4 trong danh mục, Dielac Pedia 1+. Như vậy, với văn bản mới này, không những sản phẩm Dielac Pedia 1+ nghiễm nhiên thoát trần mà ngay cả quyết định áp trần của Cục Quản lý Giá cũng trở nên “lệch chuẩn”. Vậy quyết định áp trần đúng, hay văn bản “gỡ trần” đúng? Tiêu chí nào để có thể khẳng định 1 sản phẩm là sữa hay sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung vi chất?

Để “tránh hiểu nhầm”, chiều 8/8, Cục  ATTP- Bộ Y tế đã công bố Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Giải thích nội dung “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi” tại khoản 4 điều 7 Luật Quảng cáo. Theo đó, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò, hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula).

Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 06 đến 24 tháng tuổi (follow-up formula); Sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.

Và theo trả lời báo chí của lãnh đạo Cục ATTP - Bộ Y tế thì chỉ cần sản phẩm mà trên bao bì có ghi là chứa sữa, hoặc có ghi trên sản phẩm là dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thì thuộc bình ổn giá. Như vậy, nếu cứ chiếu theo quy chuẩn này, thì theo quan sát của chúng tôi, cả 18 sản phẩm mà Bộ Y tế bảo không phải là sữa đều có ghi trong danh mục thành phần có sữa bột.

Như vậy, rõ ràng Bộ Y tế đang có sự mâu thuẫn với chính mình, tiền hậu bất nhất gây khó cho chính Cục Quản lý Giá. Nếu ngay cả việc gọi đích danh sản phẩm là sữa hay không phải là sữa còn nhập nhèm, thì làm sao việc quản lý giá có thể triệt để được, làm sao có thể không tránh được đầu voi đuôi chuột? Bởi vậy, câu chuyện nay ở trong danh mục, mai lại thoát trần của sữa đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại việc áp trần sẽ rơi vào tình trạng bị vô hiệu hóa. Một sản phẩm được thoát, thì các sản phẩm còn lại cũng sẽ nghĩ cửa để lách. Vì vậy, lúc này, cần hơn bao giờ hết sự quy chuẩn của Bộ Y tế để các sản phẩm được gọi đúng tên, tạo điều kiện cho ngành Giá quản lý một cách thống nhất và chính xác.

Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích