Chị Kiều Thị Lưu (Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội), ở quê hương rau đặc sản này cho biết, đã hơn 30 năm trồng rau muống tiến vua, chất lượng rau ăn không đổi mà giá bán tăng không đủ bù tiền mất giá.
Mấy năm trước chị Lưu gieo 2 sào rau muống tiến vua để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá rau rẻ nên chị dành một nửa diện tích đất trồng các loại rau khác. Chị tính: “Hơn 10 năm nay, giá rau từ 100 - 200 đồng lên đến 500 - 700 đồng/mớ. Vào thời điểm khan hiếm, rau lên được 1.000 - 2.000 đồng/mớ, nhưng khi ấy chẳng nhà nào có rau để bán”.
Rau muống tiến vua có giá 500 đồng/mớ. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chị Lưu chia sẻ, các cụ ngày xưa kể lại rằng, vua kinh lý qua làng Linh Chiểu (xã Sen Chiểu), nghỉ trưa, dân chúng không có sơn hào hải vị nên dâng món rau muống ăn hằng ngày hy vọng nhà vua xá tội. Ăn thử, vua ngạc nhiên vì rau ăn giòn, vị đậm và từ đó cứ ngày vua đến làng, dân trong vùng lại chọn những cây rau thân trắng, lá thưa dâng lên vua. Từ đó, rau muống trồng trên đất Sen Chiểu được gọi với cái tên rau muống tiến vua.
Rau muống tiến vua bán giá rẻ nhưng khi trồng bỏ ít vốn, công chăm sóc không nhiều lại cho thu hoạch quanh năm, nên mỗi gia đình ở đây vẫn duy trì diện tích nhỏ từ 1 – 3 sào. Chị Lưu cho biết, một sào rau muống đầu tư khoảng 10kg lân, 3 - 4kg đạm, tổng cộng chừng 100.000 đồng/lứa. Nếu hái đều thì cách 10 - 12 ngày là hết một lứa. “Mang danh rau tiến vua nhưng bán chỉ được giá 500 đồng/mớ. Nhưng dù giá rẻ cỡ nào thì người Sen Chiểu cũng bảo nhau duy trì trồng rau muống tiến vua nổi danh một thời”, chị Lưu cười.
Trung bình mỗi ngày chị Lưu hái được khoảng 100 mớ đem đi bán ở chợ đêm Sơn Tây. Chị cho biết, thương lái đi xe tải đến mua buôn, chở vào nội thành để bán cho các hàng chợ bán lẻ. Nhiều bữa còn tồn hàng, chị thường đem đến chợ cóc bán tháo, mức giá lẻ cũng chỉ 1.000 đồng/mớ nhưng ít người mua.
Rau muống tiến vua được trồng đúng vùng đất Sen Chiểu, Phúc Thọ ngọn trắng, ăn giòn và thơm. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh Kiều Văn Tuấn, người cùng làng với chị Lưu cho biết, giá rau ngày càng rẻ nên nhiều khi rau đầy đồng mà anh không hái. "2 năm trở lại đây, mức giá mua buôn thấp nhất chỉ 400 đồng/mớ, giá trung bình từ 500 - 800 đồng/mớ. Thời điểm cao nhất lên 2.500 đồng/mớ nhưng hiếm hoi".
Tuy nhiên, cũng theo anh Tuấn, dù giá rẻ nhưng rau muống tiến vua có ưu điểm là duy trì được lâu, cách 2-4 năm mới phải cấy lại. Hơn nữa, rau có sức đề kháng tốt, lên xanh tươi và chỉ hợp đất trồng ở Sen Chiểu, Phúc Thọ. Nếu trồng ở nơi khác rau ăn không giòn và không ngọt nước, chính vì vậy mà người dân vẫn duy trì.
Giá rau rẻ nên người dân ở đây thường tranh thủ đi hái đêm để tiết kiệm thời gian. Vợ chồng anh Tuấn cùng người trong làng thường đi từ 12 - 2h đêm hái rau, đến 4 - 5h sáng bó được hơn 100 mớ đem chợ sáng bán. “Giá rau rẻ, phải hái về đêm để tiết kiệm tiền công, để ban ngày làm việc khác", anh Tuấn nói.
Chị Kiều Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có quê ngoại ở Sen Chiểu nên lần nào về quê cũng hái một túi to lên Hà Nội bảo quản ăn dần. Chị cho biết: “Chỉ cách nội thành Hà Nội chưa đầy 40km, nhưng so với giá tại Sen Chiểu, giá rau này ở Hà Nội cao gấp 10 lần”.
Theo chị Phương Anh, rau muống tiến vua khác hẳn với các loại rau khác. “Sen Chiểu nằm sát tuyến đê, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa sông Hồng bồi đắp nên rau tươi trắng nõn, lá nhỏ, khi luộc lên nước trong, ngọn giòn, hương vị hài hoà”, chị chia sẻ.
Theo Zing