Phiên giao dịch ngày 2/3 trùng với ngày vía Thần Tài (10/1 âm lịch hàng năm). Ngay từ sáng, nhiều doanh nghiệp đã cập nhật giá vàng để phục vụ người dân đi mua sớm. Tuy nhiên, giá mua vào và bán ra đang chênh lệch khá cao.
Cụ thể, giá vàng bán ra tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chủ yếu dao động quanh mức 44,8 triệu đồng/lượng, giảm so với cuối tuần trước thì các doanh nghiệp tư nhân khác lại đẩy giá vàng vượt mốc 45 triệu đồng.
Đầu phiên giao dịch buổi sáng, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI có lúc niêm yết giá vàng lên tới 44,2-45,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chiều giá, giá tại DOJI đã tăng 300.000 đồng ở chiều bán nhưng chiều mua vào lại giảm 200.000 đồng.
Lượng khách đi mua vàng ngày vía Thần Tài năm nay giảm đáng kể một phần do dịch cúm virus corona đang diễn biến phức tạp. |
Động thái này của doanh nghiệp khiến chênh lệch giá mua - bán vàng lên tới 1 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân mua vàng tại DOJI sáng nay nếu bán ra sẽ lỗ ngay 1 triệu đồng trên mỗi lượng.
Hiện tại, dù giá bán ra tại doanh nghiệp này đã giảm về mốc 45 triệu đồng nhưng chênh lệch giá mua - bán vẫn ở ngưỡng trên 1 triệu đồng/lượng.
Niêm yết giá bán ra dưới mốc 45 triệu nhưng hầu hết doanh nghiệp vàng lớn trong nước đều tăng khoảng cách chênh lệch với giá mua.
SJC hiện niêm yết giá vàng tại các cửa hàng khu vực TP.HCM ở mức 44-44,7 triệu đồng/lượng (mau vào - bán ra), giảm 250.000 đồng ở chiều bán nhưng giảm tới 500.000 đồng ở chiều mua, chênh lệch 700.000 đồng/lượng.
Các cửa hàng của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện mua vào vàng miếng ở giá 44 triệu nhưng bán ra với giá 44,85 triệu, khoảng cách chênh lệch giá tăng hơn 300.000 đồng so với phiên liền trước.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu trong năm Kỷ Hợi vừa qua là đơn vị hiếm hoi duy trì chênh lệch giá vàng ổn định trong ngày vía Thần Tài với mức chênh 200.000 đồng. Tuy nhiên, năm nay cũng nới khoảng cách chênh lệch lên 900.000 đồng/lượng.
Thực tế, diễn biến tăng khoảng cách chênh lệch giá mua - bán vàng ngày vía Thần Tài của các doanh nghiệp cũng giống những năm trước.
Ngày vía Thần Tài năm 2019 âm lịch, chênh lệch giá mua bán cũng được nhiều doanh nghiệp trong nước leo ở mốc trên dưới 1 triệu đồng khiến không ít người dân chịu khoản lỗ lớn ngay khi mua vào.
Tuy vậy, so với mức giá 1 năm trước, giá vàng trong nước hiện tại đã cao hơn xấp xỉ 7 triệu đồng/lượng.
Theo chị Nguyễn T.H, giao dịch viên của một cửa hàng phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), xu hướng giao dịch của người dân năm nay cũng tương tự những năm trước khi chủ yếu người dân tới mua vào. Trong khi lượng người bán ra gần như không có, việc doanh nghiệp tăng khoảng cách chênh lệch giá mua - bán cũng là để cân đối xu hướng thị trường.
“Chênh lệch giá tăng nhưng chủ yếu do giảm giá mua vào chứ không phải tăng giá bán ra nên người dân có thể yên tâm về quyền lợi”, chị T.H chia sẻ.
Chị H cũng cho biết xu hướng mua vàng trong ngày này của người dân chủ yếu là nhỏ lẻ với các sản phẩm chính là vàng nữ trang, trang sức, nhẫn trơn…
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại Hà Nội cũng cho biết khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán bị đẩy cao trong hôm nay chủ yếu do chiều mua vào được công ty giảm mạnh.
“Doanh nghiệp vàng nào cũng rất hạn chế mua vào trong ngày này mà chủ yếu tập trung bán ra sản phẩm đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó vì vậy giá đầu vào mới giảm mạnh”, vị này cho biết.
Vị này cũng khẳng định sau ngày Thần Tài, chắc chắn khoảng cách chênh lệch sẽ được thu hẹp về như mức bình thường.
Theo Zing