Lê Vũ Long có lẽ là nam nghệ sĩ múa nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay. Anh đồng thời cũng là một gương mặt đặc biệt của màn ảnh nhỏ. Chạm ngõ truyền hình bằng một vai diễn công tử bột vào năm 1997, Lê Vũ Long để lại nhiều tiếc nuối và tò mò với công chúng về sự im lặng 10 năm sau đó của mình. Và lần trở lại này, anh gây bất ngờ cho khán giả bởi một vai diễn bụi phủi, bất cần, ngang tàng, phóng khoáng.
Lê Vũ Long cho rằng, người nghệ sĩ phải được nhìn nhận qua một quá trình chứ không phải một sự việc |
Lựa chọn sự im lặng thay vì ồn ào
Chúng ta hãy bắt đầu bằng vai diễn mới nhất của anh trong bộ phim Hai phía chân trời đang được phát sóng trên VTV3. Điều gì đã khiến anh quay lại với phim ảnh sau gần 10 năm vắng bóng?
Nếu nói mười năm thì chỉ đúng với phim truyền hình thôi. Còn với điện ảnh, sự cách quãng không quá xa như vậy, thể loại này tôi góp mặt khá nhiều.
Ngoài Mùa hè chiều thẳng đứng được đạo diễn Trần Anh Hùng mời tham gia, tôi còn đóng cặp với Hồng Ánh trong Người đàn bà mộng du (đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang), Của rơi, Những người thợ xẻ (đạo diễn Vương Đức). Tuy nhiên, phim điện ảnh không được đông đảo khán giả biết tới nên họ vẫn hay căn cứ vào phim truyền hình để đánh giá các hoạt động của nghệ sĩ.
Với phim truyền hình, 10 năm qua tôi không tham gia bởi những bộn bề của cả lí do khách quan và chủ quan. Ngoài việc bận rộn với công việc riêng, tôi còn rất e ngại bởi những chuyện làm cho có việc, lên truyền hình để quen mặt, quen tay. Thật khó để thú vị với những chuyện như thế cho nên tôi chọn cách im ắng.
Có nhiều nghệ sĩ vẫn chọn cách phủ sóng phim truyền hình vì nhiều mục đích khác nhau, sự lựa chọn của anh chưa hẳn đã là khôn ngoan?
Tôi chỉ thích làm những việc thực sự mang lại cảm giác thú vị và đạt được tính nghệ thuật cao. Còn ai đó có những mục đích khác thì đó là việc của họ.
Tôi biết, có nhiều người vẫn chọn cách lên truyền hình, ngoài việc đóng phim, mong muốn của họ là được đánh bóng tên tuổi để tạo thuận lợi trong vấn đề kinh doanh, mưu sinh. Còn tôi, tôi không có năng khiếu kinh doanh và cũng chẳng có cửa hàng gì nên không bị áp lực bởi những chuyện như thế. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc loay hoay làm mấy nghề nghệ thuật này nên phải thật thích thì tôi mới làm.
Với phim ảnh, có hai lí do để tôi tham gia, một là nó không làm ảnh hưởng đến những công việc đã được sắp xếp trước đó. Hai là, nó phải hướng tới tính duy mỹ trong nghệ thuật.
Là một nghệ sĩ múa được đào tạo bài bản nhưng anh lại được biết đến nhiều bởi những thành công trên phim ảnh. Điều đó tạo thuận lợi cho nghề nghiệp chính của anh hay vô tình đã trở thành một cái bóng lớn, một áp lực mà anh phải gánh chịu?
Tôi cũng chưa ý thức được nó tạo điều kiện thuận lợi gì cho mình trong nghiệp múa. Và ngược lại, nó cũng chẳng có áp lực gì đối với tôi cả. Thực tế, tôi đến với điện ảnh trước khi đến với múa.
Ngày xưa, lúc mới 6 tuổi, tôi đã có vai diễn đầu tiên trong bộ phim Đứa con người hàng xóm. Điện ảnh đã đến với tôi một cách tự nhiên nhất. Ấy là những mùa hè khi tôi còn bé, không có ai trông nên chỉ còn một cách là mọi người trong gia đình thường mang tôi đến cùng họ trong các đoàn phim, kịch.
Bà nội tôi là một trong số người thuộc thế hệ đầu tiên của đoàn kịch nói Trung ương. Tôi may mắn được chứng kiến nhiều lần những cảnh diễn của họ. Ấn tượng đó đã ăn vào tôi một cách vô thức và trở thành những kinh nghiệm quý báu sau này. Dù chọn nghề múa là chính nhưng tôi tin nghiệp diễn vẫn bén với mình như một cơ duyên tuyệt vời nhất.
Múa đương đại không hề mới
Anh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo bài bản ở bộ môn múa đương đại. Nhưng hình như, sự mới mẻ của nó đang tự làm khó chính mình trong việc chinh phục khán giả và các nhà quản lý. Vì thế mà những người làm nghề như anh đang đau đáu với những điều mình tâm huyết?
Tôi không thích được ví là viên gạch hay nhát cuốc đầu tiên động thổ cho múa đương đại. Nếu được xem là người Việt Nam cuối cùng được múa bộ môn này thì có lẽ tôi sẽ thích hơn. Thực tế, tôi chưa bao giờ bi quan với nghề.
Việc trải lòng với báo chí là một cách để đánh động với những người có trách nhiệm trước nền nghệ thuật dân tộc. Về mặt cá nhân, tôi sống khá chủ động. Tôi cũng không quá nặng lòng với chuyện yêu, ghét, thích hay không thích của ai đó.
Múa đương đại ở Việt Nam không hề mới như số đông công chúng vẫn nghĩ. Nó được du nhập vào Việt Nam cách đây đã hơn 20 năm. Nhưng số phận của nó vẫn đang chìm nổi. Có lẽ vì các nhà quản lý của chúng ta vẫn đang quá mải mê ưu ái với những bộ môn mang tính truyền thống.
Những phản ánh của tôi về thực trạng múa đương đại xuất hiện cách đây nhiều năm. Nhưng đến nay thì nó vẫn thế. Nó không đi xuống bởi thực tế khó có thể kém hơn được nữa nhưng tuyệt nhiên chưa có dấu hiệu được đầu tư hay đi lên.
Các nghệ sĩ múa đương đại vẫn chủ động và độc lập hoạt động và tạo được sức ảnh hưởng nhất định với cộng đồng xung quanh. Nhưng không có nghĩa là múa đương đại đã có được một vị trí so với mặt bằng chung của những bộ môn nghệ thuật khác.
Theo anh, vì lí do gì múa đương đại chưa được thừa nhận ở Việt Nam?
Vì các nhà quản lý chưa có cái nhìn đổi mới với nghệ thuật. Họ không thừa nhận nhưng thử nhìn vào các lễ hội, cuộc thi, các chương trình do truyền hình phát sóng, sự len lỏi và sức ảnh hưởng của các bộ môn nghệ thuật đương đại vào đời sống nghệ thuật là điều không ai có thể phủ nhận.
Mặc dù vậy, chúng được gọi bằng những cái tên lai căng hết sức buồn cười. Vì hai lẽ, thứ nhất nếu họ đủ mạnh thì hãy đặt cho chúng một cái tên riêng và gây sự chú ý. Còn nếu đã đi theo với dòng chảy chung của thế giới thì hãy tuân thủ quy luật của chúng.
Để khán giả khi nhìn vào những bộ môn nghệ thuật đương đại, họ biết đó là cái gì. Theo tôi, việc lắp ghép tên một cách vô tội vạ vô tình đã làm chậm tiến trình phát triển chung của bộ môn nghệ thuật.
Như vậy, tiếng nói của anh đã trở nên đơn độc?
Tôi không nói điều này cho một cá nhân nào cả, kể cả tôi. Bởi hơn mười năm nay, tôi đã tìm được cho mình một phương cách để duy trì sự hoạt động độc lập của múa đương đại. Tuy nhiên, việc im lặng cũng không hẳn là hay. Sự lên tiếng của tôi chỉ nhằm để tìm sự chia sẻ và để xây dựng nền nghệ thuật của Việt Nam.
Cái mới luôn làm khó những người khai sinh ra nó trong việc tiếp cận công chúng. Không riêng Việt Nam, mà ở các nước châu Âu, nơi được xem là cái nôi của múa đương đại thì vẫn có một bộ phận khán giả kì thị nó và chỉ trung thành với những bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Công cuộc mưu sinh không từ bất cứ ai, kể cả với những nghệ sĩ tài năng và chân chính. Anh có buồn vì điều đó không?
Tôi không buồn, bởi như thế mới là cuộc sống, nơi vẫn luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề. Chúng ta vẫn đang có những nghệ sĩ mùa vụ, nghĩa là họ chỉ nổi lên chốc lát rồi tan biến đi lúc nào không ai biết. Cái họ làm, người khác có thể không cho đó là nghệ thuật nhưng với họ thì ngược lại.
Và tôi nghĩ họ có quyền nói như vậy. Nhưng nghệ thuật đó có hay không đó lại là một chuyện khác. Tôi nghĩ không riêng gì nghệ thuật. Cái gì có cao trào thì sẽ có thoái trào và ngược lại. Chúng ta phải tuân thủ những quy luật và hệ lụy của một xã hội đang phát triển. Sẽ đến một lúc nào đó mọi giá trị sẽ trở về đúng nghĩa của nó.
Với tôi như thế là giàu có Nhiều người cho rằng, sau thành công vang dội của bộ phim truyền hình Xin hãy tin em, nếu đi theo phim ảnh thì có lẽ anh đã trở thành một ngôi sao truyền hình nổi tiếng và giàu có? Tôi nghĩ tôi cũng không nghèo với cuộc sống và những lựa chọn hiện tại (cười). Tôi có nhiều người bạn, trong cuộc đời được gặp nhiều con người thú vị, được sống và làm những điều mình thích. Với tôi như thế là giàu có. Còn chuyện đo đếm nhà anh rộng bao nhiêu mét, có bao nhiêu cái xe, với tôi đó không phải là tiêu chí để đánh giá sự giàu có. Người nghệ sĩ, quan trọng nhất là được học, được làm, được chia sẻ. Nếu xét về khía cạnh này thì phải nói tôi là người giàu có. Thêm một điều nữa, sự nổi tiếng ở Việt Nam tôi cho là dễ dàng quá. Cứ gì phải đóng phim truyền hình mà bây giờ người ta có quá nhiều phương thức để đạt được điều này. |
Theo Nguoiduatin