Giới tính không có lỗi

Thứ ba, 12/03/2013, 20:56
Khi quyết định thay đổi quy chế, chấp nhận đối tượng dự thi cả nữ lẫn nam vào năm 2013 này, nhà sáng lập America’s Next Top Model – Tyra Banks hẳn phải có lý do.

Dĩ nhiên, nếu cho rằng đó là để mở cơ hội cho những thí sinh chuyển giới có vẻ khá áp đặt, dù Tyra từng chấp nhận và giúp đỡ Isis King, thí sinh chuyển giới của mùa America’s Next Top Model 2008.

Câu chuyện về thí sinh chuyển giới tại các chương trình truyền hình thực tế (THTT), cả ở Tây lẫn ở ta, sẽ không dừng lại, nhất là khi cái nhìn về sự khác biệt đã dần cởi mở.

Khi sự khác biệt được thừa nhận

Isis King, thậm chí phải tiêm hormone nữ ngay khi ở trong ngôi nhà chung, và bên cạnh sự cảm thông, cô cũng phải đón nhận sự khinh bỉ, xa lánh của những thí sinh cùng nhà.

Sự cởi mở của Tyra Banks vào năm 2008 đã khiến Neil Giuliano (Chủ tịch liên bang đồng tính nam & nữ chống lại phỉ báng của xã hội – GLAAD: The Gay & Lesbian Alliance Against Defamation) phải thốt lên: Đây là cơ hội chưa từng có trong lịch sử dành cho những người đồng tính.

Thật ra, ít ai biết rằng sự cởi mở này cũng là một cuộc cách mạng thật sự với riêng bản thân Tyra Banks.

Cựu siêu mẫu này từng thẳng tay loại một thí sinh khác vào mùa America’s Next Top Model 2006 là Claudia Charriez ngay sau khi phát hiện thí sinh này từng là đàn ông, dù Claudia Charriez đã được chọn vào vòng bán kết.

Lịch sử không lặp lại với Isis King, nên dù Isis King bị loại ở top 10 nhưng sự hiện diện của cô tại chương trình đã thật sự mở ra cánh cửa ước mơ của tất cả thí sinh chuyển giới khác.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào sự cởi mở cũng hiện diện và không phải thí sinh nào cũng may mắn như Isis King. Jenna Talackova, dù nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả, vẫn bị Ban Tổ Chức (BTC) Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada loại vì là thí sinh chuyển giới. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tính, BTC này sau đó cũng nhận được một làn sóng phẫn nộ của dư luận.

Trước sức ép của làn sóng đó, một quyết định đã được gửi đi từ văn phòng tại New York của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới của ông trùm Donal Trump vào ngày 2/4/2012 cho phép người chuyển giới tham dự cuộc thi như bất kỳ thí sinh nữ nào khác. Từ đó quốc gia Bắc Mỹ này đã phải để cho Jenna Talackova tiếp tục hành trình.

Quyết định từ BTC của một trong những cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh đó, dĩ nhiên, không tránh khỏi việc bị phản đối từ những người xem trọng khái niệm “phụ nữ tự nhiên”. Nhưng dẫu sao đây cũng đã trở thành thắng lợi đầu tiên, “thắng lợi vĩ đại” của người chuyển giới, mở ra một bước ngoặt thật sự cho những người với nhiều năm phải sống trong một thân phận khác, một hình hài khác.

Chỉ sau đó vài tháng, Jackie Green (18 tuổi, tên trước khi trở thành phụ nữ là Jack Green) nhờ vào phiếu bầu của khán giả mà vào đến bán kết cuộc thi Hoa hậu Anh.

Tại Mỹ, trong 229 thí sinh dự thi Hoa hậu bang California năm 2012 cũng có một thí sinh đặc biệt: Kyland Arianna Wenzel – người đẹp chuyển giới đến từ Century City.

Kyland Arianna sau đó đã được xướng tên ở danh hiệu cao nhất, trở thành đại diện của bang California tham dự cuộc thi Hoa hậu Mỹ. Đó dĩ nhiên chưa phải và sẽ là không phải những trường hợp cá biệt hay hiếm hoi.

Hương Giang Idol

Việt Nam: Chuyển giới ư? Tò mò quá!

Năm 2012, THTT tại Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện đường hoàng của một thí sinh chuyển giới trên sóng đài truyền hình quốc gia: Hương Giang (tên thật là Nguyễn Ngọc Hiếu) của Vietnam Idol.

Một trường hợp khác, dù vẫn chưa chuyển giới nhưng xuất hiện với vẻ ngoài là một cô gái trong chương trình Vietnam’s Next Top Model 2012 là Nguyễn Văn Hiếu.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Hiếu đã không có được may mắn như Isis King, thí sinh này bị loại sau khi giới tính được xác nhận (ngày đầu tiên casting thí sinh này đăng ký giới tính nữ và lấy lý do bỏ quên chứng minh nhân dân ở nhà).

Dĩ nhiên, không thể trách BTC thiếu cảm thông, bởi không giống như tại Mỹ, Anh, Canada … việc xác nhận của pháp luật về thay đổi giới tính tại Việt Nam hiện nay gần như là bất khả.

Trong khi đó, theo thể lệ, Vietnam’s Next Top Model là sân chơi dành cho nữ giới. “Chương trình nào cũng có những quy định riêng, và nếu pháp luật xác nhận đó là nữ, sẽ không có vấn đề gì để chúng tôi không chấp nhận cho thí sinh tham gia. Còn lại, chúng tôi chưa có chủ trương khác với những thí sinh chuyển giới mang hình hài nữ nhưng giấy tờ vẫn là nam”, bà Quỳnh Trang – giám đốc sản xuất chương trình Vietnam’s Next Top Model cho biết.

Bộc lộ bản thân là điều chính đáng với bất kỳ giới tính nào, thế nhưng khi mà cái nhìn về sự khác biệt chưa mang tính nhân văn thật sự, thì cơ hội bộc lộ bản thân dành cho người chuyển giới cũng mang nhiều ý nghĩa khác.

Câu chuyện về người chuyển giới ở Việt Nam không còn mới mẻ, nhưng đó chưa bao giờ thôi trở thành tâm điểm bàn tán, chưa bao giờ khiến những kẻ “chính danh” thôi tò mò.

Từ Cindy Thái Tài, Di Yến Quỳnh, Cát Tuyền… câu chuyện về cuộc đời họ vẫn luôn nhận được hai luồng nhận định khác nhau: kẻ cảm thông xoa xuýt, người dè bỉu, chê bai.

Sự xung đột đó khiến người chuyển giới mặc nhiên trở thành cứu cánh cho những cuộc thi, những chương trình sống nhờ sự theo dõi của khán giả.

Hương Giang của Vietnam Idol 2012 là một thí sinh có cách nghĩ và các ứng xử trưởng thành hơn nhiều so với lứa tuổi của cô, có lẽ vì những trải nghiệm đặc biệt trong đời sống, nhưng sự trưởng thành đó không đủ để cứu cô thoát khỏi sự tính toán của BTC chương trình. Hương Giang vượt hết đêm thi này đến đêm thi khác, dù những giọng ca nổi trội hơn cô đã lần lượt ra về.

Sự ở lại của cô thổi bừng lên những tranh cãi, những trận mưa ngôn từ đầy tính miệt thị, mà với tâm lý đám đông ở Việt Nam, càng tranh cãi lại càng chú ý, càng làm cho chương trình thu hút.

Không ngoa khi cho rằng Hương Giang đã góp sức cứu Vietnam Idol 2012 trước sự đè bẹp của “cơn bão” Giọng Hát Việt – The Voice (dù đây cũng là chương trình tạo sự thu hút từ những yếu tố phi âm nhạc).

Không ít lần khán giả thấy nét mệt mỏi của cô, nhưng cô không có quyền dừng lại, vì những cam kết với BTC. Sự hiện diện của Hương Giang trên truyền hình quốc gia xuất phát từ cái nhìn cởi mở và thấu hiểu của BTC hay từ một ý đồ khác, có lẽ không quá khó đoán.

Bao giờ tài năng chuyển giới được nhìn nhận như bao tài năng khác? Câu hỏi đó quá thừa với các nước nhưng ở Việt Nam thì không.

Theo Sành điệu

Các tin cũ hơn