Ai cần đại sứ du lịch?

Thứ năm, 04/04/2013, 11:20
Trong bối cảnh 85% du khách quốc tế không muốn quay trở lại Việt Nam, di tích và thắng cảnh nhiều nơi ô nhiễm, bị tàn phá... thì câu chuyện đi tìm đại sứ du lịch trở nên nực cười. Một người đẹp nữa được chọn làm đại sứ sẽ làm được gì hiệu quả cho ngành du lịch nước nhà?

Danh hiệu để làm... đẹp

Thông tin mới nhất từ Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL là trong năm 2013, sẽ tạm thời không có đại sứ du lịch (ĐSDL) và Bộ đã lùi thời hạn nhận hồ sơ đến tháng 10/2013 để các ứng viên có thời gian xây dựng chiến lược quảng bá du lịch, đồng thời nhiệm kỳ của đại sứ sẽ tăng từ 1 lên 2 năm. Lãnh đạo Bộ cho biết thêm, nhu cầu làm ĐSDL hiện giờ... quá đông, quá nhiều cá nhân đã liên hệ để mong muốn được nộp hồ sơ.

Ông Trần Nhất Hoàng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến VHTTDL còn trả lời báo chí: “Bộ đang tiến hành điều chỉnh quy chế bổ nhiệm ĐSDL VN và cuộc họp đã đồng ý việc bổ nhiệm thêm ĐSDL ở các địa bàn cụ thể. Vì thế sẽ không chỉ có một ĐSDL VN mà có thể có rất nhiều ĐSDL; và tất cả sẽ được phân công tùy theo công việc, hoạt động thích hợp”.

Đạo sứ du lịch
Cựu Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ (thứ 2 từ trái) trong một hoạt động quảng bá cho du lịch.

Những người quan tâm đến cuộc tìm kiếm ĐSDL Việt Nam từ đầu tiếp nhận được những thông tin này chắc sẽ không khỏi cảm thấy lo lắng, một ĐSDL mà Bộ còn tìm chưa xong, nay lại có hàng loạt ĐSDL khác nữa, ở những địa bàn cụ thể thì chắc công việc này hẳn sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mà suy cho đến cùng, việc này có cần thiết không, có giúp ích được gì cho du lịch không?

Trọng trách của ĐSDL thông qua nhiệm kỳ của cựu Đại sứ Lý Nhã Kỳ, ai cũng đã biết, cứ đọc báo mà xem, cô chủ yếu lên báo để khoe kim cương, đồ hiệu liên quan đến công việc kinh doanh cá nhân hoặc các cuộc gặp gỡ với mẹ nuôi, anh nuôi hoặc “sao” Hongkong.

Chiến tích lớn nhất của cô có lẽ là tham gia cổ vũ bình chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới - danh hiệu mà nhiều người cho rằng là ảo.

Đánh giá về hiệu quả của chức danh ĐSDL, có lẽ nên nghe người trong nghề nói là khách quan nhất.

Trả lời báo chí, ông Trần Quang Hảo - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch VN, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục Du lịch đã thẳng thắn nhận xét: “ĐSDL là danh hiệu để làm đẹp thôi chứ có phải là người quảng bá để kéo khách du lịch vào Việt Nam đâu. Để quảng bá cũng không làm được bao nhiêu, một hình ảnh cũng chỉ là một cá nhân. Nếu thực sự hiệu quả, người ta đã bỏ hết tiền để đại sứ đó đi tuyên truyền, lôi kéo khách rồi”.

85% số du khách không trở lại

Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch và cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch năm 2012 tại khu vực phía Bắc, do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12/2013, một con số đáng buồn đã được đưa ra, đó là khi được hỏi, 80 - 85% khách du lịch cho biết không muốn quay trở lại VN vì không hài lòng với dịch vụ.

Một con số đáng chú ý khác là giá tour du lịch VN luôn cao hơn các nước khác 30% trong khi chất lượng lại kém. Đại diện Công ty Vietravel còn cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng từ 5 - 7 khách du lịch đi tour của Vietravel bị móc túi, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý du khách...

Mặc dù phía Bộ VHTTDL cho biết có “quá nhiều” hồ sơ ứng cử vào chức danh ĐSDL nên phải hoãn để chọn lựa, nhưng trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, Bộ mới chỉ nắm trong tay 4 hồ sơ của Ngọc Hân, Hồng Thuận, Châu Mộng Như và Diệu Hân.

Mới vài ngày trước đây, báo chí đã hốt hoảng kêu lên “Ớn quá Đà Lạt ơi” vì điểm du lịch nổi tiếng này đã bị ô nhiễm tới mức báo động, cá chết ở Hồ Xuân Hương, thác Cam Ly bốc mùi, suối Cam Ly bị rác thải bức tử...Mà thực tế không chỉ có Đà Lạt, ở điểm du lịch nổi tiếng nào cũng có tình trạng ô nhiễm, rác thải, chặt chém du khách.

Những vấn nạn đó, một ĐSDL “liễu yếu đào tơ” có giải quyết được không, hay ngành du lịch cần một chiến lược nghiêm chỉnh hẳn hoi để vực dậy những yếu kém của du lịch nước nhà? Câu hỏi này chắc cũng không quá khó trả lời.

Mới đây, ông Vũ Cường - Tham tán Thương mại tại Myanmar cho biết: “Myanmar không có ĐSDL, du lịch bùng nổ ở đất nước này là vì yếu tố văn hóa. Còn ở Việt Nam thì có đại sứ nhưng nói thật, tôi là người Việt Nam mà không hiểu ĐSDL làm được những gì một năm qua”.

Vậy thì có lẽ cũng cần đặt ra một câu hỏi “Ai cần ĐSDL?” trong khi chức danh này chính người trong ngành đã phải thốt lên “chỉ để làm đẹp” và người ngoài ngành thì thẳng thắn nhận xét “không biết làm được gì”?

Chuyện đi tìm một người đẹp sẵn lòng đứng ra “gánh vác chuyện lớn” và “có tiềm lực tài chính” như cựu Đại sứ Lý Nhã Kỳ để làm ĐSDL rõ là chuyện vẽ vời hoa lá cành, bởi những vấn đề khiến du lịch VN tụt hạng thì vẫn nguyên như cũ.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn