Lan Phương (trái) và Diệu Hân - hai gương mặt mới toanh ứng cử vào chức vị đại sứ du lịch. |
Lý do chủ yếu là “những ồn ào thị phi mà tôi phải gánh chịu” như cô viết trong thư. Hôm sau nữa, cô nói với báo chí: “Tuy nhiên, tôi cũng rất khó xử và xao xuyến trước tấm lòng của mọi người. Mọi người đều động viên làm tôi thấy băn khoăn quá”.
Tiếp đó, trước nghi vấn bằng cấp một lần nữa lại được đặt ra (độc giả nghi ngờ, khi báo chí tung bản chụp tấm bằng tốt nghiệp ở Đức của cô), Lý Nhã Kỳ cho biết không có ý định giải thích bởi “sự tranh cãi sẽ không bao giờ dứt, giống như với các bức ảnh cưới trước đây” và bởi cô đã dừng cuộc đua.
Về phía Bộ VHTTDL, tin mới nhất cho biết Bộ vẫn đang kiên trì vận động Lý Nhã Kỳ nghĩ lại, việc rút lui chỉ là ý kiến cá nhân của Lý Nhã Kỳ, hiện vẫn chưa được Hội đồng bầu chọn xét duyệt nên coi như vẫn có 3 ứng viên.
Năm ngoái, việc bổ nhiệm Lý Nhã Kỳ vấp phải phản ứng của dư luận. Ông Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế kêu gọi: “Các phóng viên hãy để Lý Nhã Kỳ làm nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này đã rồi tính sau”.
Những người có trách nhiệm quản lý Lý Nhã Kỳ - khi nêu bật ưu thế của cô, cho biết họ không quan tâm đời tư hoặc các phát ngôn gây sốc của cô.
Nhưng trong cái ngành quảng bá văn hóa đất nước, hòng thu phục nhân tâm và tài lực của người ngoài, thì yếu tố gây thiện cảm ban đầu không phải là dáng vóc nền nã hài hòa cộng hưởng khả năng giao tiếp uyển chuyển, tầm văn hóa ở mức khá trở lên, thì còn gì nữa?
Về ứng viên Huỳnh Thị Ngọc Hân, một gương mặt xem qua ảnh thấy rất “du học sinh”. Thuyết trình của Bộ ngày 13/3 về Hân cho người ta hiểu cô khó có cơ hội bởi “chủ yếu sống ở Úc, tầm ảnh hưởng nếu có cũng ở Úc”.
Còn Đỗ Thị Hồng Thuận là một giáo viên tiếng Anh người Thanh Hóa sống ở Hà Nội, có kiểu xuất hiện khá đột ngột song các thông số thì có vẻ chưa tương xứng với màn ra mắt đường đột “phút 89”.
Sáng 13/3 ở Bộ VHTTDL, phát hiện tên Thuận bị in nhầm là Thanh trong phiếu thăm dò phát cho phóng viên, tôi thử gọi điện cho Thuận mong biết thêm về cô. Nghe hỏi độp: “Khả năng tài chính của bạn thế nào?”, Thuận tỏ ra e thẹn: “Dạ bây giờ thì em chưa có nhưng, em sẽ nghĩ cách huy động”.
Có lẽ cô gái này không có thông tin đầy đủ về cuộc đua mà cô theo đuổi. Bởi nếu theo dõi câu chuyện đại sứ du lịch, hẳn cô phải thấy nan đề tiền bạc cứ trở đi trở lại suốt thời gian qua.
Hai người nữa cũng vừa xuất hiện khá ấn tượng về mặt ngoại hình: diễn viên Lan Phương và Diệu Hân, nghe nói là Hoa hậu Đông Nam Á(?). Nhất là Lan Phương, hai bằng đại học, thông thạo vài ngoại ngữ, tuyên ngôn “đại sứ du lịch không cần phải có kim cương, tiền tỷ. Tiền bạc thì bao nhiêu là đủ? Quan trọng nhất là cái đầu”.
Tuy nhiên, Phương cũng cho biết mình không tài chính dư dật mà chỉ có thể dùng ảnh hưởng và chiến lược riêng - nếu đắc cử - để vận động tài trợ, quảng bá du lịch Việt Nam. Như vậy, áp vào tiêu chí của Bộ là đại sứ du lịch phải tự chi trả các khoản và hơn thế nữa, thì Lan Phương chưa chắc là người mà người ta muốn có?
Dù sao việc Phương công khai tỏ ra không ngán đối thủ Lý Nhã Kỳ về mọi phương diện cho thấy một thái độ sòng phẳng. Hơn là hành động của Hồng Thuận gửi tâm thư cho đối thủ: “Nếu chị (Lý Nhã Kỳ) có thể đồng hành với Thuận thì mọi người sẽ rất vui”.
Và nếu Lý Nhã Kỳ hiện có muốn rút cũng không xong, Bộ còn chờ nghe ngóng dư luận đã, thì việc Lan Phương, Diệu Hân bị quá hạn nộp hồ sơ có phải là cản trở lớn đến mức không thể vượt qua? Chả nhẽ với người này thì lập nghiêm “luật là luật”, với người kia thì chỉ cần “nghĩ lại, nghĩ đi” là đủ?
Số quốc gia có đại sứ du lịch hiện rất ít, chỉ vài nước châu Á. Tức đại sứ du lịch không hẳn nhất thiết phải có. Không bổ nhiệm đại sứ mới nếu không có người đủ tiêu chuẩn thì đã làm sao.
Còn các nhân tố tích cực- giỏi làm từ thiện thì hãy làm nhà từ thiện, hoạt động xã hội. Giỏi kinh doanh thì đóng góp trên phương diện doanh nhân.
Có tài có tâm thì thiếu gì phương để cống hiến. Những trăn trở kiểu như “chết, nếu cô ấy (Lý Nhã Kỳ) không chịu làm thì ai làm đây” chắc chắn không phải chuyện bức thiết nan giải nhất bây giờ của du lịch Việt Nam.
Theo Tienphong