iOS hay Android quản lý RAM tốt hơn?

Thứ hai, 06/03/2017, 09:53
Các smartphone Android thường có thông số RAM cao, tuy nhiên Apple lại đưa ra giải pháp ít phụ thuộc vào phần cứng hơn dành cho iPhone.

Trong khi Google Pixel, Samsung Galaxy S7 hay Asus ZenFone 3 đều có phiên bản với bộ nhớ RAM 4 GB, iPhone 7 lại chỉ có RAM 2 GB (3 GB trên iPhone 7 Plus). Điều này đặt ra câu hỏi với các smartphone cùng mức giá hoặc cao hơn iPhone, rằng liệu chúng có thể đạt cùng hiệu năng hoạt động với đặc điểm phần cứng khác nhau hay không?

RAM là gì?

Đầu tiên, cần hiểu RAM là gì và nhiệm vụ của nó. RAM (Random Access Memory), hay còn gọi là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên, có nhiệm vụ hệ thống lại các thay đổi của chương trình đang chạy, lưu lại thông tin hiện hành để hệ thống truy cập và sử dụng, tự đọc và ghi lại thông tin khi hệ thống cần.

Không giống như bộ nhớ ổ đĩa cứng, RAM không lưu trữ vĩnh viễn nội dung. Một thiết bị có nhiều bộ nhớ RAM hơn sẽ có khả năng hoạt động mạnh hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn.

Các smartphone hiện nay đều được sản xuất với kích thước giới hạn nên chỉ có vài khác biệt nhỏ giữa việc sử dụng RAM trên điện thoại và trên máy tính. Dẫu vậy, mục đích cơ bản của RAM vẫn là: Cung cấp chỉ dẫn và dữ liệu đến các bộ vi xử lý để chúng được xử lý, giảm thời gian chờ tải và cho phép người dùng mở từ ứng dụng này qua ứng dụng khác mà không gặp trở ngại gì.

So sánh RAM giữa các thế hệ iPhone và flagship Android ra mắt cùng năm. Ảnh: Androidpit.

Ngoài ra, không được nhầm lẫn bộ nhớ RAM với dung lượng lưu trữ của điện thoại. Lưu trữ nội bộ hay ngoài máy đều có dung lượng cao hơn bộ nhớ RAM với con số có thể là 16, 32, 64 hoặc 128 GB. Ngày nay, các smartphone như Zenfone 3 Deluxe có thể có bộ nhớ RAM lên đến 6GB.

Android và iOS làm thế nào để quản lý bộ nhớ RAM?

Cách tiếp cận của Android là sử dụng kỹ thuật hoán đổi nén (compressed swapping). Các khu vực bộ nhớ thay vì được ghi tạm trên ổ đĩa sẽ được nén và lưu trữ trong RAM. Không gian tiết kiệm được do nén dữ liệu sẽ trở thành RAM có sẵn. iOS cũng sử dụng kỹ thuật loại bỏ ứng dụng tương tự như Android, nhưng dường như Apple còn có những thủ thuật khác.

Ví dụ, với ứng dụng Crossy Road chiếm đến 308 MB bộ nhớ RAM lúc khởi động, khi được chuyển sang chạy ngầm, iOS thu gọn kích thước lưu trú RSS của ứng dụng đó xuống còn chưa đến 10 MB. Tuy nhiên, ứng dụng không bị tắt và người dùng có thể chuyển sang trò chơi gần như ngay lập tức mà không phải tải lại.

Do vậy, khi người dùng quay trở lại một trong hai ứng dụng kia sẽ được bật lên rất nhanh gần như ngay lập tức, đem lại cảm giác mượt mà hơn. Tuy nhiên, Apple không tiết lộ thông tin về giải pháp bên trong của iOS.

Bộ nhớ khả dụng là gì?

Trước đây, các máy tính luôn dành một phần RAM để hệ thống hoạt động và chạy chương trình hoặc dữ liệu. Ngày nay, nhờ vào đa nhiệm và bộ nhớ ảo, mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn, cho phép chương trình (hoặc ứng dụng) chạy trên nền bộ nhớ ảo. Trong trường hợp của Android và iOS, một phần của bộ nhớ vẫn thuộc về hệ thống và phần còn lại sẽ được chia ra cho mỗi ứng dụng. Phần RAM chưa được sử dụng chính là free RAM, hay gọi là bộ nhớ khả dụng.

Tuy nhiên, việc có nhiều bộ nhớ khả dụng không đồng nghĩa với hiệu suất hoạt động tốt hơn. Thực tế cho thấy, một hệ thống hoạt động tốt không có bộ nhớ khả dụng nhưng lại có RAM có sẵn, sẽ biết quản lí bộ nhớ RAM của mình cho những việc như: Lưu trữ bộ nhớ cache khi người dùng sử dụng lại một ứng dụng, nó sẽ nhanh chóng mở màn hình cuối cùng mà người dùng đã truy cập vào.

Có thể thấy, không phải là nó không có bộ nhớ khả dụng mà bởi vì hệ thống sẽ luôn sử dụng bộ nhớ RAM để chuyển dữ liệu, nên việc sử dụng bộ nhớ khả dụng là không cần thiết. Điều này thường được thấy trên cả iOS và Android.

Android và iOS: Hai hệ điều hành quản lý RAM hiệu quả

Về cơ bản, việc sử dụng và quản lý RAM trên hai hệ điều hành này rất hiệu quả và khá giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất là việc mỗi nền tảng lựa chọn cách quản lý ứng dụng chạy trong nền.

iOS có phần nhỉnh hơn so với Android. Ảnh: Techkindle.

Trong khi  Android chọn cách ngăn chặn ứng dụng chạy nền để bộ nhớ có sẵn có thêm khoảng trống cho ứng dụng mới, iOS lại nén nhiều dữ liệu từ các ứng dụng đang chạy trong nền hơn, cho phép người dùng mở thêm nhiều ứng dụng và sử dụng chúng đến lúc hoàn thành mọi công việc cần thiết.

Về cách Android quản lý RAM: Khi bạn tắt một ứng dụng và mở nó lại, trang hiển thị sẽ là trang cuối cùng bạn truy cập vào. Điều này xảy ra do hệ thống đã lưu lại URL, không phải trang thực tế. Android sẽ gửi thông báo đến các ứng dụng chạy nền để lưu giữ những thông tin quan trọng nhất khi bộ nhớ RAM bị quá tải và các ứng dụng sẽ đóng lại.

Bằng cách này, Google và các nhà sản xuất khác luôn cung cấp nhiều RAM hơn cho thiết bị của họ như một phương pháp thay thế để không phải tắt ứng dụng quá nhiều lần trong quá trình sử dụng. Nhìn vào thị trường smartphone Android hiện nay, có thể thấy rõ điều này. Trong khi đó, Apple đưa ra giải pháp ít phụ thuộc vào phần cứng hơn. Cùng một vấn đề, hai hệ điều hành có cách giải quyết khác nhau nhưng đều thông minh và hiệu quả.

Tóm lại, theo Androidpit, hệ điều hành Android không sử dụng nhiều RAM hơn iOS và ngược lại, nhưng iOS quản lý các ứng dụng chạy ngầm và tái sử dụng bộ nhớ tốt hơn so với Android.

Theo Zing

Các tin cũ hơn