Apple tìm kiểm đỉnh cao mới

Thứ năm, 27/07/2017, 15:14
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tương lai của iPhone và liệu Apple có bao giờ tạo ra được một sản phẩm khác có thể xưng hùng như chiếc iPhone.

Apple có một thiết bị mới tạo được cơn sốt đến nỗi thiết bị này được bán hầu như trên khắp nước Mỹ và Anh Quốc. Nếu đặt hàng trực tuyến, phải mất 6 tuần hàng mới tới tay. Đó là “sản phẩm tốt nhất của Apple trong một thời gian dài”, một người đánh giá trên mạng. Hữu ích và có kiểu dáng xinh xắn, sản phẩm này đã được người tiêu dùng dành tặng nhiều lời tán thưởng nhất trong bất kỳ sản phẩm nào của Apple, theo một nghiên cứu của Creative Strategies và Experian.

Sự chào đón này mang đến cảm xúc buồn vui lẫn lộn cho các nhà điều hành Apple. Thiết bị được nói đến là AirPods, loại tai nghe không dây trông khá giống tai nghe Earbuds truyền thống của Apple. Với giá 159USD, AirPods có thể trở thành mảng kinh doanh trị giá hàng tỉ USD giống như sản phẩm Apple Watch ra mắt vào năm 2015. Nhưng tai nghe khó có thể là một sản phẩm cải tiến có tính đột phá cũng như khó mang lại lợi nhuận khổng lồ như chiếc iPhone, được mệnh danh là thiết bị công nghệ bán chạy nhất trong lịch sử.

Còn nhớ, vào ngày 29.6.2007, iPhone lần đầu tiên được bán ra thị trường. Kể từ đó Apple đã bán được khoảng 1,2 tỉ chiếc điện thoại iPhone, mang về doanh số hơn 740 tỉ USD. Đến nay iPhone vẫn chiếm vai trò quan trọng khi 2/3 trong tổng doanh số bán 216 tỉ USD năm 2016 của Apple là đến từ thiết bị này.

Đứng ở đỉnh cao danh vọng thường không còn đường đi lên ngoài việc đi xuống. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tương lai của iPhone và liệu Apple có bao giờ tạo ra được một sản phẩm khác có thể xưng hùng với chiếc iPhone.

Trong khi đó, cơn sốt tiêu thụ smartphone lại đang hạ nhiệt, khi khoảng 2/5 dân số thế giới hiện sở hữu 1 chiếc điện thoại thông minh. Apple cũng đang đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi chứng kiến doanh số bán đang giảm xuống. Điều đó khiến nhiều người cho rằng Apple đang trải qua thời kỳ gọi là “đỉnh iPhone”.

Dù rằng Apple dành ra 10 tỉ USD mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển nhưng “người ta không mong chờ vào những cải tiến của Hãng”, Amit Daryanani thuộc RBC Capital Markets nhận xét. Điều này giải thích vì sao cổ phiếu của Apple có hệ số P/E chỉ khoảng 10 lần lợi nhuận dự báo năm 2018 (đã loại trừ tiền mặt), thấp hơn 12-14 lần của ngành công nghệ thông tin.

Thực tế cho thấy nỗ lực của Apple trong việc đa dạng hóa, vươn ra khỏi sản phẩm đinh iPhone đã trải qua không ít loạng choạng. Một trong những loạng choạng đó là TV, một thị trường trị giá khoảng 260 tỉ USD trên toàn cầu. TV của Apple là một hộp cáp, đóng vai trò như một cổng nội dung cho các công ty khác như Netflix, chứ không phải là sản phẩm mang tính đột phá như các nhà điều hành Apple đã cam kết.

Cũng có những hoài nghi về một sản phẩm khác mà Apple kỳ vọng sẽ mang đến nguồn doanh thu đáng kể trong tương lai: vận chuyển cá nhân, một ngành trị giá khoảng 10.000 tỉ USD. Hồi tháng 6, lần đầu tiên, Tim Cook, CEO của Apple, đã công khai tham vọng của Hãng trong việc phát triển hệ thống xe không người lái. Apple chắc chắn có thể thiết kế nên một chiếc xe rất thanh lịch, nhưng để xe không người lái trở thành một nguồn thu lớn là một viễn cảnh rất xa.

Nhiều người tin rằng Apple có thể vẫy vùng ở mảng chăm sóc sức khỏe, ước tính có mức chi tiêu toàn cầu lên tới 8.000 tỉ USD mỗi năm. Hiện tại, Apple cho phép người tiêu dùng lưu trữ thông tin về sức khỏe bản thân trong các thiết bị của họ và cung cấp một nền tảng cho các nhà phát triển để họ có thể tạo ra những ứng dụng về y tế và rèn luyện sức khỏe. Nhưng vẫn chưa rõ lợi thế của Apple ở mảng này là gì. Một lĩnh vực mới khác của Apple là kính thông minh, nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở “hứa hẹn”.

Một phần khó khăn của Apple trong việc tìm ra sản phẩm hích kế tiếp có thể là do Công ty vẫn được lèo lái bởi một nhóm nhỏ nhà điều hành, hầu hết là cựu chiến binh từ thập niên 1990. Apple không giỏi tuyển dụng người từ bên ngoài - những người có thể mang đến các kỹ năng mới và những ý tưởng mới. Các đối thủ khác thì có “thành tích” tốt hơn trong việc đưa người bên ngoài vào công ty và tạo ra những lợi ích lớn. Sản phẩm video Prime của Amazon và thiết bị loa Echo, chẳng hạn, có phần đóng góp lớn từ trình độ chuyên môn của những người bên ngoài vào.

Dù triển vọng sản phẩm đinh kế tiếp của Apple vẫn chưa rõ ràng nhưng ít nhất iPhone vẫn chưa hết thời. Chắc chắn, iPhone sẽ không tăng trưởng nhanh chóng như trong quá khứ nhưng vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong một khoảng thời gian dài hơn mọi người vẫn nghĩ, theo Ben Thompson thuộc hãng nghiên cứu Stratechery. Chiếc iPhone 8, dự kiến ra mắt vào tháng 9 này, có thể có tính cải tiến đủ để tiếp tục khơi nguồn cảm hứng khuyến khích khoảng 250-300 triệu người sử dụng iPhone nâng cấp lên điện thoại mới.

Tích hợp các công nghệ mới như công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) có thể giúp đẩy mạnh doanh số bán của chiếc iPhone mới như công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR). Apple có thể kết hợp thêm chiếc camera 3D vào iPhone và gần đây cũng nói rằng sẽ bắt đầu vận hành ARKit, một nền tảng dành cho các nhà phát triển phần mềm để họ tạo ra các ứng dụng mới có tích hợp AR.

Bước đi này giống như khi Apple tung ra kho ứng dụng của mình vào năm 2008. Điều đó đã khơi mào một làn sóng cải tiến trong lĩnh vực ứng dụng di động, cho người tiêu dùng nhiều lý do hơn để mua iPhone.

Bằng cách khuyến khích các nhà phát triển ứng dụng bắt tay vào AR, Apple sẽ có 2-3 năm xuất phát trước so với hệ điều hành Android của Google, theo Tim Bajarin thuộc Creative Strategies. Google đã tung ra một nền tảng AR gọi là Tango nhưng nó chỉ có trên 2 thiết bị là Lenovo Phab 2 Pro và Asus Zenfone AR, vốn có rất ít người sử dụng.

Nếu Apple có thể đi đầu trong việc tích hợp AR vào phần mềm của mình, thì sẽ cho người sử dụng thêm lý do để tiếp tục chọn iPhone thay vì chọn các smartphone giá rẻ hơn. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích ở Trung Quốc, thị trường quan trọng thứ hai của Apple sau Bắc Mỹ nhưng lại đang bị các nhãn hàng trong nước như Vivo và Oppo chiếm lĩnh.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn