|
Vi xử lý AI
Thị trường smartphone đang dần tiến đến điểm bão hòa, không phải về doanh số mà do những giới hạn về phần cứng. Người sử dụng không còn hào hứng trước những thông số kỹ thuật của máy như trước, khi mà vài năm qua, gần như không có bước đột phá đáng kể nào về chip, pin, màn hình...
Do đó, mục tiêu của các nhà sản xuất là làm cho điện thoại thông minh trở nên thông minh đúng nghĩa. Apple đang đi theo hướng này với A11 Bionic trên iPhone X trong khi Huawei đã đưa chip Kirin 970 vào Mate 10 và Mate 10 Pro. Cả hai đều hỗ trợ AI, giúp xử lý lệnh bằng giọng nói, tính toán các thông số giữa môi trường ảo và thực tế chính xác hơn... Samsung cũng sẽ bắt đầu phát triển vi xử lý AI từ 2018.
Trang TNW cho rằng, nếu không kịp đưa chip AI vào smartphone cao cấp của mình trong năm nay, các hãng có thể sẽ bị "trừ điểm" trong mắt người dùng. Với trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trên smartphone sẽ thông minh hơn, camera sẽ nhận diện môi trường và lấy nét chuẩn hơn, thời lượng pin được quản lý tốt hơn...
|
Nhiều camera hơn, zoom lớn hơn
Điện thoại tích hợp tới bốn camera (hai phía trước và hai phía sau) đã xuất hiện trên một số smartphone tầm trung, nhưng đó chưa phải con số cuối cùng. Giới công nghệ cho rằng, các hãng sẽ còn tăng số lượng ống kính trên điện thoại lên trong 12 tháng tới. Huawei P20 (hoặc P11) được cho là sẽ sử dụng tới ba camera ở mặt sau, gồm một ống kính chụp ảnh màu, một ống chụp ảnh đen trắng và một ống zoom, giúp cho ra đời những bức ảnh lên đến 40 megapixel với khả năng "zoom lai" 5x. Zoom quang trên điện thoại cũng sẽ vượt giới hạn 2x hiện nay.
Trong triển lãm MWC đầu năm 2017, Oppo giới thiệu công nghệ 5x Dual Camera Zoom dành cho camera kép, cho phép ống kính zoom xa tới 5 lần mà không làm giảm chất lượng ảnh trên smartphone, hạn chế hiện tượng nhoè, mất nét nhưng vẫn giữ kích thước mỏng cho điện thoại. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa xuất hiện trên smartphone thương mại. Dự kiến, ống kính với zoom quang 5x có mặt trên smartphone từ quý III/2018.
|
Smartphone màn hình gập
Năm 2017, công ty ZTE của Trung Quốc giới thiệu mẫu điện thoại Axon M tích hợp hai màn hình có thể ghép lại với nhau thành một màn hình lớn giúp tăng diện tích hiển thị. Ý tưởng smartphone màn hình gập như của ZTE từng được Kyocera đề cập từ năm 2011. Đến tháng 10/2017, Huawei cũng khẳng định đang xây dựng điện thoại tương tự nhưng sẽ cố gắng làm mất đi viền đen nhỏ ngăn cách giữa hai màn hình.
Tuy nhiên, người dùng kỳ vọng cao hơn thế khi mong muốn có một smartphone với màn hình linh hoạt, có thể thực sự uốn gập. Samsung được cho là sẽ hiện thực hóa điều này với Galaxy X. Hãng đã nghiên cứu điện thoại màn hình gập từ năm 2013 và có thể năm tới, họ sẽ công bố thành quả của mình.
|
Cảm biến vân tay dưới màn hình
Năm 2017, một số nhà sản xuất smartphone đã loại bỏ nút Home vật lý trên các dòng điện thoại cao cấp, như Apple với iPhone X hay Samsung với Galaxy S8 và Note8. Hãng công nghệ Mỹ chọn mở khóa iPhone bằng nhận diện khuôn mặt. Dù được khẳng định rất an toàn, nhiều video của người dùng cho thấy FaceID chưa thực sự bảo mật, có thể bị qua mặt bởi mặt nạ, anh em song sinh, mẹ con...
Trong khi đó, việc đưa cảm biến vân tay ra phía sau như của Samsung gây bất tiện và làm cho mặt lưng điện thoại trở nên rườm rà, nhiều chi tiết. Giải pháp đặt cảm biến vân tay dưới màn hình đã được các nhà sản xuất tính đến nhưng chưa thành công, như phần chứa cảm biến lại sáng hơn các vùng màn hình còn lại trong thử nghiệm của Samsung. Một số nguồn tin cho biết điện thoại OnePlus 6 sẽ sớm trình làng trong năm tới với cảm biến vân tay dưới màn hình. Hãng Synaptics cũng khẳng định cảm biến Clear ID FS9500 đã sẵn sàng trên một thiết bị của một nhà sản xuất Trung Quốc khác là Vivo. Samsung được cho là cũng sẽ sớm khắc phục được những vấn đề phát sinh để trình làng một mẫu Galaxy cao cấp với giải pháp mới.
|
Thực tế ảo tăng cường AR
Trong năm 2017, Google khai tử dự án đầy tham vọng Tango, nhưng bù lại cho ra đời giải pháp ARCore - nền tảng dành cho các nhà phát triển ứng dụng thực tế ảo. ARCore biến điện thoại Android thành thiết bị hỗ trợ AR, có thể áp dụng trong thiết kế đồ hoạ, dựng video, như biến phòng khách thành một khu rừng nguyên sinh với khủng long đang đi lại hoặc bản đồ dẫn đường thời gian thực thông qua camera, hay đo kích thước vật thể bằng máy ảnh...
Từ tháng 10/2017, Samsung cùng với Google đưa ARCore lên điện thoại Galaxy, bước đầu là Galaxy S8, với mục tiêu hợp nhất thành quả về thực tế ảo tăng cường mà hai công ty đang theo đuổi nhằm dẫn đầu thị trường trong năm 2018. Trước đó, vào tháng 6/2017, Apple đã giới thiệu công cụ mới mang tên ARKit, cho phép tạo ứng dụng "đặt vật ảo kỹ thuật số vào thế giới thực, hiển thị qua màn hình smartphone". Với sự phổ biến của iPhone, ARKit được dự đoán là nền tảng AR lớn nhất thế giới, chứ không phải ARCore của Google.
|
Diện tích hiển thị lớn hơn
Khi iPhone đầu tiên được công bố năm 2007, nó chỉ có màn hình 3,5 inch, trong khi phiên bản mới nhất iPhone X đạt 5,8 inch với màn hình chiếm 82,9% diện tích mặt trước. Nối tiếp xu hướng màn hình tràn viền đã hình thành từ năm 2017, smartphone năm nay có thể sẽ có không gian hiển thị đạt tới 95% diện tích mặt trước. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể cho ra đời những chiếc điện thoại trên 6 inch nhưng kích cỡ chỉ tương đương smartphone 5,2-5,5 inch hiện nay.
Theo VNE