"Nóng" cuộc đua quân sự hóa trí tuệ nhân tạo

Thứ ba, 07/08/2018, 11:21
Quân sự hóa trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các cường quốc hạn chế thương vong khi có xung đột, ngược lại mang tới nhiều thiệt hại cho đối phương, chưa kể tới các vấn đề đạo đức.

AI của Google được sử dụng trên máy bay không người lái thuộc dự án Maven với sự chủ trì của Bộ Quốc phòng Mỹ

Nói tới quân sự hóa AI không thể bỏ qua Mỹ, cường quốc công nghệ số một thế giới hiện nay. Với hàng loạt tập đoàn tên tuổi cả trong lĩnh vực công nghệ lẫn khoa học quân sự, Mỹ đang đi đầu về việc phát triển và ứng dụng AI trong quân sự, quốc phòng…

Google - “gã khổng lồ phần mềm” của thế giới là chủ sở hữu của công nghệ trí tuệ nhân tạo được quân đội Mỹ sử dụng ở một trong các dự án máy bay không người lái hiện hành. Theo The Guardian, hệ thống AI mang tên TensorFlow của Google do Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) sử dụng trong dự án Maven, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, với sự trợ giúp của máy học và trí tuệ nhân tạo để phân tích lượng cảnh quay khổng lồ do drone thu được.

Theo The Guardian, DoD được duyệt chi 7,4 tỉ USD cho chương trình AI và xử lý dữ liệu và được hậu thuẫn từ Lầu Năm Góc cũng như nhiều học giả, chuyên gia trong lĩnh vực này. Một số nguồn tin khẳng định AI được sử dụng trong cuộc chiến chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cường quốc quân sự Nga cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Cựu Tư lệnh Không lực Nga Viktor Bondarev hồi tháng 2.2017 cho biết nước này đang phát triển các loại tên lửa dẫn đường sử dụng AI có khả năng đổi mục tiêu giữa hành trình (khi đã phóng đi). Tháng 5.2017, CEO nhà thầu quân sự Kronstadt Group của Nga khẳng định nhiều hệ thống tự động vận hành với AI đang tồn tại và hoàn thiện.

Robot chiến tranh với AI có thể tự tiêu diệt mục tiêu với hiệu suất cao gấp nhiều lần con người.

Nga đang thử nghiệm nhiều hệ thống tự động và bán tự động khác nhau, ví dụ module chiến đấu trang bị súng máy, camera và AI có khả năng tự nhắm mục tiêu mà không cần con người can thiệp.

Trung Quốc không còn ở vị thế một quốc gia tự ti về công nghệ mà đang vươn lên mạnh mẽ và có thể sớm đuổi kịp Mỹ về AI. Quốc gia đông dân nhất thế giới mang về những công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất từ phương Tây, đồng thời nền công nghệ ở đây cũng sản sinh ra không ít AI nội địa. Bắc Kinh cũng không ngại chi tiền để phát triển lĩnh vực “hot” này.

Trang Japan Times cho hay năm 2018, đầu tư tư nhân cho AI ở Trung Quốc khoảng 7 tỉ USD mỗi năm. Các startup về trí tuệ nhân tạo nhận gần một nửa tổng số tiền đầu tư vào khởi nghiệp AI toàn cầu trong năm 2017, trong khi đó Trung Quốc đăng ký bằng sáng chế liên quan tới lĩnh vực này cao gần gấp 5 lần Mỹ.

Hai quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc và Israel cũng rốt ráo với các ứng dụng của riêng mình. Hàn Quốc từng giới thiệu súng máy Super aEgis II có khả năng xác định, theo dõi và phá hủy mục tiêu chuyển động từ khoảng cách 4km. Dù có thể hoạt động hoàn toàn tự động, con người vẫn phải can thiệp để đảm bảo an toàn.

Hệ thống súng tự động Super aEgis II của Hàn Quốc

“Vũ khí không ngủ giống như con người. Ngoài ra hệ thống còn có thể nhìn xuyên bóng tối, việc mà chúng ta không làm được. Như vậy, công nghệ của chúng tôi có thể bù đắp các khoảng trống trong khả năng của con người”, đại diện một nhà sản xuất Hàn Quốc nói.

Israel thì sở hữu máy bay không người lái chống radar, có khả năng bay qua các vùng địa lý để tìm và diệt hệ thống radar theo tiêu chí cài đặt sẵn.

Khi sự phát triển của AI nhằm mục đích phục vụ con người còn chưa được sự đồng thuận từ nhân loại, chắc chắn vũ khí với trí tuệ nhân tạo bị xét vào dạng mối nguy hiểm cao và bị phản ứng dữ dội.

Năm 2015, hàng chục nghìn công dân Mỹ đã gửi thư yêu cầu chính quyền cấm các hệ thống vũ khí giết người tự động. Trong số những người ký tên có cả các nhân vật nổi tiếng như nhà vật lý học Stephen Hawking, tỉ phú Elon Musk, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak… Một số nhà chuyên môn còn cảnh báo nếu loại vũ khí này rơi vào tay các nhóm khủng bố, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp.

Ngay trong nội bộ Google, khi dự án Maven được công khai, nhiều nhân sự đã bày tỏ sự bất bình và ký tên hàng loạt vào lá thư phản đối gửi tới CEO hãng.

Vũ khí giết người tự động là vấn đề được nhiều nhà khoa học cũng như chuyên gia về quân sự, chính sách quan tâm từ lâu. Năm 2012, chính DoD đã có chỉ thị cấm phát triển và sử dụng “vũ khí tự động, bán tự động” trong 10 năm.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích