Foxconn, công ty Đài Loan chịu trách nhiệm chính lắp ráp iPhone, tuyên bố rằng họ có thể sản xuất iPhone ở bên ngoài Trung Quốc để nhập khẩu vào Mỹ, trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, Apple chưa đưa ra yêu cầu cụ thể cho đối tác. Câu hỏi ở đây cho chúng ta, Foxconn, Apple và chính phủ Mỹ: Chính xác thì "made" ở đây đại diện cho điều gì?
Hãy thử nhìn vào một ví dụ trực tiếp: Đầu bếp A tạo ra công thức bánh sừng bò, nguồn nguyên liệu và định lượng thành phần, trộn bột, đường, bơ và trứng; đầu bếp B nhào và lăn bột; đầu bếp C gấp bánh, đưa vào lò ở thời điểm và nhiệt độ chính xác.
Vậy, ai là người đã làm ra chiếc bánh sừng bò? Apple luôn khẳng định rằng iPhone là "hàng Mỹ". Đó không phải chỉ là những lời tiếp thị hoa mỹ. Họ không chỉ chịu trách nhiệm thiết kế, mà còn tìm kiếm nguồn cung ứng các thành phần, sắp xếp và đảm bảo các đối tác làm việc trơn tru với nhau, quyết định cách bố trí bảng mạch được đưa vào trong máy. Họ chính là đầu bếp A.
Hàng dài công nhân Foxconn tham gia sản xuất iPhone. |
Foxconn là một bậc thầy về việc sản xuất - nhào và lăn bột (đầu bếp B) - phân chia các công đoạn đó ra thành nhiều bước nhỏ hơn, rồi nhân rộng quy mô sản xuất lên mức 200 triệu lần mỗi năm.
Và họ cũng đảm nhận luôn vai trò của đầu bếp C, đưa bánh vào lò để cho ra sản phẩm cuối cùng. Bởi vì "lò" sản xuất iPhone đặt ở Trung Quốc, nó cũng được đóng dấu "Made in China". Nhưng Apple hoàn toàn đúng khi khắc thêm dòng chữ "Designed in California" lên mỗi máy.
Thực ra iPhone không chỉ được tạo ra ở Trung Quốc, California, mà còn ở Suwon, Hàn Quốc - nơi có đầu não Samsung Electronics; Eindhoven, Hà Lan, nơi đặt trụ sở hãng bán dẫn NXP; Dalas, nhà của Texas Instruments (TI) và Tân Trúc, Đài Loan, địa chỉ của TSMC.
Và chúng ta hãy nhìn vào giá trị gia tăng mà họ đóng góp cho iPhone, thông qua hệ số biên lợi nhuận hoạt động, để biết iPhone có phải hàng Trung Quốc hay không. Mặc dù không hẳn là phương pháp hoàn hảo, nó cũng là một cách cho thấy sự khác biệt giữa những gì một công ty bỏ ra, tập hợp các yếu tố đầu vào tạo nên sản phẩm (gồm cả con người); và những gì khách hàng sẵn sàng trả cho các yếu tố đầu vào đó, sau khi công ty đã bổ sung giá trị riêng của họ.
Công nhân lắp ráp iPhone tại nhà máy Foxconn. (Ảnh: The Verge). |
Bằng cách này, rõ ràng Apple mới là người tạo nên iPhone chứ không phải Foxconn, mặc dù họ chẳng sản xuất mấy. Công ty Đài Loan thực hiện khâu lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm, nhưng tỉ suất lợi nhuận của họ chỉ khoảng 1/10 so với chính khách hàng. Apple năm ngoái kiếm được 71 tỷ USD lợi nhuận hoạt động.
Còn Foxconn, một nửa doanh thu phụ thuộc Apple, chỉ kiếm được 4,5 tỷ USD. Và chưa kể nhiều công ty khác cũng bổ sung thêm giá trị vào iPhone. Từ miền Nam nước Mỹ đến phía Tây châu Âu, phía Bắc Đài Loan, những nơi mà tỉ suất của họ thậm chí cao hơn cả Apple. Không ai trong số này có được mác "Made in" bởi vẫn còn nhiều bước nữa mới đến công đoạn đó.
Chỉ có công nhân Foxconn (không phải tất cả) tham gia bước lắp ráp cuối cùng. Chính là bước quyết định để gắn nhãn "Made in China" lên iPhone. Mà thực ra công đoạn này cũng không cần phải làm ở Trung Quốc. Năm 2011, Apple đã từng thiết lập dây chuyền lắp ráp ở Brazil.
Hầu như các công việc đã được làm xong ở Trung Quốc trước rồi, việc sản xuất ở Nam Mỹ thực ra giống với lắp ghép các khối lego hơn. Dù vậy, iPhone nghiễm nhiên được gắn nhãn "Made in Brazil". Giá trị của việc gắn nhãn đó, thực ra chẳng đáng kể như nhiều người tưởng.
Đầu bếp A mới thực sự tạo ra chiếc bánh sừng bò! |
Với khoảng 40% doanh thu Apple đến từ thị trường Mỹ năm ngoái, và doanh số iPhone là 217 triệu máy. Lượng iPhone cần được sản xuất riêng cho thị trường Mỹ, để tránh áp thuế, sẽ là 90 triệu đơn vị hoặc có thể thấp hơn, nếu các dự báo doanh số suy giảm là đúng. Họ sẽ cần cho ra lò khoảng 250.000 chiếc iPhone mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu đó.
Có rất nhiều nơi để Foxconn chọn thay thế cho Trung Quốc, như Mexico, Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Cộng hòa Séc,... Nhưng thật khó tin nếu họ có thể tổ chức dây chuyền lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm ở nhiều nơi, rồi kết hợp chúng. Ngoài ra, vấn đề trả lương phù hợp cũng cần tính đến. Nó có thể đội chi phí sản xuất lên đáng kể. Chúng ta đang nói về 250.000 chiếc iPhone mỗi ngày, sản xuất đều đặn để kịp cho kế hoạch phát hành. Rõ ràng dịch chuyển không đơn giản như một lời tuyên bố.
Ông Trump tỏ ra kiên trì trong việc loại bỏ dòng chữ "Made in China" ra khỏi nước Mỹ. Thậm chí kêu gọi thay thế nó bằng "Made in USA". Nhưng nó thật sự chỉ có vậy. Một cái mác xuất xứ!
Theo VnReview