Chợ ảo đã đến thời "quần ngư tranh thực"

Thứ ba, 27/03/2012, 15:44
Từng là điểm đến của những "tiểu thương" nghiệp dư, giờ đây công cuộc kinh doanh trên các chợ ảo ngày một khốc liệt đến mức nhiều người phải rời bỏ kênh bán hàng này.

Gian hàng ảo - chi phí cao

Điểm qua một vài chợ ảo có tiếng trong nước như Chodientu, 5giay, Muare hay Vatgia, một điều dễ thấy là các website thương mại điện tử này hội tụ khá nhiều chủng loại mặt hàng cũng như đa dạng các lĩnh vực, dịch vụ.

Chỉ cần với một cú pháp tìm kiếm về chủ đề "trẻ sơ sinh", người mua có thể tìm được từ dịch vụ tắm cho bé cho tới các giới thiệu, khuyến mại sản phẩm cho trẻ em thậm chí là cả những chương trình đào tạo, giáo dục từ bình dân đến thượng hạng.

Chị Hoa Lê, thành viên buôn bán tại mạng 5giay cho biết: "Để đăng ký bán hàng thì rất dễ và hoàn toàn miễn phí, nhưng để duy trì hoạt động trên mạng lưới các trang web, diễn đàn thương mại điện tử dạng này thì chi phí hiện tại ngốn khá lớn".


Chi phí mà chị Lê nói tới ở đây chính là việc duy trì các topic và gian hàng tại các trang web này để đưa lên các sản phẩm mình đang kinh doanh, giới thiệu tới người tiêu dùng.

Nhẩm tính sơ sơ, trung bình một tháng với việc duy trì bán hàng ảo trên 5 website, chi phí của chị lên tới cả chục triệu đồng với nhiều khoản chi rất... trừu tượng như: up topic, tạo chủ đề nổi bật hay đơn giản chỉ là kích hoạt các tài khoản sử dụng.

Giá chi phí "mặt bằng" online ngày một tăng cao khiến các tiểu thương chùn tay marketing trực tuyến.

Anh Lê Bình, đang kinh doanh ngành hàng kính mắt tại Muare cho biết: "Với lượng chủ hàng nhiều, chủ đề bán hàng của bạn sẽ rất dễ bị trôi xuống tận vài trang sau của website, trong khi tập quán của người dùng là rất lười lật trang. Vì thế muốn bán được hàng thì phải bạo chi để 'đôn' chủ đề của mình lên trang 1".

Nếu ở mạng 5giay, phí tính dựa trên mỗi SMS gửi đến tổng đài tin nhắn có giá khoảng 1000 đồng/lần đôn topic thì ở Muare, chi phí này vào khoảng 200 đồng nhưng lại giới hạn lượt đôn trong ngày cũng như chủ đề buôn bán phải đôn liên tục vì độ trôi tại đây nhanh hơn.

Cũng là một "tiểu thương" nghiệp dư tại Muare, anh Hoàng Minh, chuyên doanh hàng hiệu xách tay cho biết: "Từ khi ban quản trị áp dụng phương án thu phí mới thì ước tính chi phí marketing online của tôi đội lên rất nhiều. Trung bình một ngày muốn hiệu quả thì phải cần khoảng 80 lần đôn topic. Mà tôi kinh doanh nhiều mặt hàng với nhiều topic khác nhau vậy nên con số này nhân gấp 5, 6 lần tương ứng với số topic buôn bán. Tính ra thì trung bình một ngày tiêu tốn khoảng hơn 200 ngàn chi phí cho việc kinh doanh online, một tháng mất đứt 6 triệu, chưa kể các chi phí về chụp ảnh hay đường truyền Internet".

Trong khi đó, tại các website chợ điện tử khác, do không hoạt động dưới dạng diễn đàn thì các mức tính phí lại theo số lượng hàng hóa nhập lên hoặc thậm chí là trả phí để... được dán nhãn gian hàng uy tín. Chi phí cho các hình thức này có thể từ 2 triệu/tháng tới 10 triệu/tháng tùy mức độ yêu cầu của các chủ gian hàng sau khi cân đối với danh mục hàng hóa mình muốn quảng bá.

Chị Thu Thanh, nhân viên văn phòng kiêm bán thời trang nữ online chẹp miệng: "Với từng đấy khoản chi thì rõ ràng các tay ngang như tôi làm ăn chẳng thể hiệu quả cũng như rất khó để kinh doanh rôm rả như trước nữa. Vậy nên đành rút bớt các hình thức quảng cáo và chỉ túc tắc bán lẻ để kiếm đồng ra đồng vào thôi".

Cạnh tranh không lành mạnh nhưng không được bảo hộ

Mặc dù những chủ hàng tham gia trả phí một cách đầy đủ, thậm chí là rất nhiều như vậy nhưng đổi lại các hình thức bảo hộ khi tham gia buôn bán trực tuyến là rất kém.

Giao dịch trực tuyến thiếu các chế tài xử lý là lý do nhiều khách hàng, chủ hàng không còn mặn mà với thương mại điện tử.

Chị Quỳnh Trang, một thành viên buôn bán online bức xúc: "Tôi bán hàng đàng hoàng, nguồn hàng đảm bảo đúng quảng cáo và đầy đủ giấy tờ chứng minh đồng thời sử dụng dịch vụ gian hàng VIP. Vậy nhưng có nhiều shop mở ra sau, bán hàng 'nhái' Quảng Châu nhưng lại sử dụng hình ảnh hàng hóa của tôi để minh họa. Nhiều khách hàng từ đó so sánh rồi đánh đồng chất lượng hàng và cho rằng tôi lừa đảo".

Tuy nhiên, khi gửi những đường dẫn chứa nội dung sao chép ảnh hàng hóa của mình ở các chủ đề bán hàng "nhái", chị Trang không nhận được sự hỗ trợ nào từ ban quản trị và chỉ vẻn vẹn một tin nhắn riêng từ đội ngũ Admin với nội dung: "Tự đàm phán và giải quyết cá nhân, ban quản trị không giải quyết các trường hợp như thế này".

Không được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp, các chủ shop "ảo" còn phải đối mặt với những màn ném đá giấu tay, thậm chí là lừa đảo trên các diễn đàn, chợ điện tử.

Anh Mạnh Linh, chủ shop online kể lại trường hợp mình từng gặp phải: "Đang bán hàng yên lành, lời lãi chẳng bao nhiêu thì đùng một cái nick bán hàng của mình bị treo. Tìm hiểu mới biết tại khu vực Kiện cáo, Phản hồi của thành viên có chủ đề khiếu nại mình... lừa đảo. Bọn lừa đảo sử dụng nick giả gần giống nick của tôi, mở chủ đề buôn bán với hình ảnh sao chụp 100% từ topic thật rồi từ đó lừa khách gửi tiền mua hàng và...'bùng'. Vậy là những người làm ăn chân chính như tôi lãnh sẹo của bọn đạo tặc".

Chưa dừng ở đó, trong nhiều tình huống cạnh tranh không lành mạnh, các chủ hàng sẵn sàng "hạ" nhau bằng những "mưu hèn, võ bẩn" khó có thể tưởng tượng nổi.

Làm dịch vụ trung gian nhận đặt hàng từ Mỹ và Nhật, chị Thu Quỳnh cũng không ngờ có ngày mình trở thành trung tâm "chơi xấu" của các chủ hàng khác kinh doanh cùng lĩnh vực. Chị cho biết: "Do có người quen ở nước ngoài và thường đi lại giữa các nước nên dịch vụ mua và chuyển hàng trung gian của mình có giá rất cạnh tranh cũng như mình bắt đặt cọc rất ít, số tiền chỉ tượng trưng, khách quen có khi còn không lấy. Vậy mà tháng trước có một chị khách quen, đặt vài món nhỏ nhỏ của mình 2, 3 lần bỗng dưng đặt đơn hàng hơn 3 triệu. Vì nghĩ là khách quen nên mình cũng chủ quan không bắt đặt cọc. Ai dè đặt về rồi gọi mãi không liên lạc được, vậy là ôm hàng. Thử dò số điện thoại thì thấy đây là số một đầu mối cũng chuyên nhận đặt hàng trung gian như mình, lúc đó mới biết mình bị "chơi".

Một thực tế dễ thấy là sự bùng nổ của các khu thương mại điện tử trực tuyến khiến các thành viên ngày một bão hòa, "chai lì" trước hình thức mua bán này. Hàng loạt sự vụ lừa đảo, treo đầu dê bán thịt chó... là những yếu tố khiến khách hàng online ngày một dè dặt hơn với các giao dịch trực tuyến bất kể đây là phương thức thanh toán tiên tiến trên thế giới.

Anh Mạnh Linh chẹp miệng: "Làm ăn bây giờ khó khăn, chi phí cao, lừa đảo, nhập nhèm thế này thì khó làm lắm, trong khi đó chế tài xử lý của các diễn đàn thì vừa yếu, vừa thiếu nên rất khó 'đáo tụng đình online'. 

Theo Handheld

Các tin cũ hơn