Mobile Việt Nam cần thêm “hàm lượng tri thức”

Thứ hai, 23/04/2012, 15:40
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tung ra các thương hiệu điện thoại di động cho riêng mình nhưng vẫn chưa tạo được lối đi riêng.

>>Trojan có thể ăn cắp thẻ tín dụng từ khách sạn
>>Lý do người Mỹ chuộng máy tính bảng Wi-Fi

Trong những năm qua, tuy có những thời điểm khó khăn nhưng thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng. Năm 2011, mặc dù ngành điện tử điện máy gặp nhiều khó khăn, ĐTDĐ tăng trưởng 20%, theo báo cáo của GfK TEMAX. Theo đó, ĐTDĐ đóng góp phần lớn vào doanh thu hơn 32.000 tỉ đồng của nhóm sản phẩm thông tin liên lạc.


Kèm theo sự tăng trưởng của ngành, một số thương hiệu ĐTDĐ mới, được xưng tụng là ĐTDĐ “thương hiệu Việt” do các doanh nghiệp Việt Nam khai sinh và phát triển, cũng đã tạo được vị thế lớn hơn trên thị trường ĐTDĐ. Thế nhưng, sự phát triển của các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam vẫn còn là điều đáng bàn dù đã hiện diện hơn 5 năm qua.

Gần như toàn bộ các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam đều đặt hàng từ Trung Quốc. Tất nhiên, các thương hiệu ĐTDĐ lớn trên thế giới như Nokia, Samsung, iPhone… cũng được sản xuất tại Trung Quốc, chứ không riêng gì các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam. Tuy nhiên, các thương hiệu ĐTDĐ lớn chỉ đặt các doanh nghiệp Trung Quốc gia công sản phẩm, còn những thiết kế hay các thế mạnh công nghệ thì vẫn do các hãng này phát triển. Nói một cách khác, “hàm lượng tri thức” của các sản phẩm do chính các chủ sở hữu thương hiệu tạo ra. Khi đó, những giá trị gia tăng, đem lại nguồn lợi chính, sẽ do các tập đoàn sở hữu các thương hiệu hưởng. Cách đây chưa lâu, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn từng cho biết lợi nhuận biên của các ngành sản xuất Trung Quốc chỉ chiếm 2%. Tức phần lớn lợi nhuận đã không thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc.

Câu chuyện còn cay đắng hơn với các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam, bởi các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam lại gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất Trung Quốc từ nghiên cứu phát triển sản phẩm cho đến sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chỉ việc đưa thương hiệu của mình lên sản phẩm có sẵn từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống bán lẻ ĐTDĐ Mai Nguyên Luxury, cho biết: “Các công ty Việt qua Thâm Quyến đặt hàng từ các nhà máy nhỏ lẻ, các tổ hợp nhỏ. Các tổ hợp nhỏ này chào bán cho nhiều thương hiệu Việt nên mới có chuyện trùng mẫu khác tên”. Quả thực, hầu hết các dòng sản phẩm của các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam đều na ná giống nhau. Cũng không khó để nhận ra những sản phẩm như thế ăn theo từ sản phẩm của các thương hiệu danh tiếng. Nhiều mẫu điện thoại của các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam khác nhau nhưng từ kiểu dáng đến tính năng cũng gần như không có gì khác biệt. “Hàm lượng tri thức” mà các doanh nghiệp Việt Nam đưa vào không có gì đáng kể ngoài việc phát triển các chương trình marketing và xúc tiến bán hàng. Như vậy, bản chất “hàm lượng tri thức” của ngành ĐTDĐ Trung Quốc đã chẳng bao nhiêu, như đã nói ở trên, mà chúng ta lại vẫn phụ thuộc vào họ thì giá trị thực từ sự sáng tạo của các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam có lẽ chẳng còn lại gì. Các thương hiệu ĐTDĐ Việt Nam gần như chỉ “Việt hóa” sản phẩm bằng cách gắn lên vỏ máy thương hiệu của mình.

Thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam tuy có thương hiệu riêng, nhưng thực chất chỉ là trung gian tiêu thụ cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Với thực tế đó, các doanh nghiệp khó lòng phát triển thương hiệu của mình và thương hiệu ĐTDĐ Việt cũng chẳng có “chất” Việt Nam gì đáng kể. Như vậy, chúng ta cũng khó lòng kỳ vọng vào sự vươn lên của các thương hiệu ĐTDĐ của riêng Việt Nam. Tất nhiên, các doanh nghiệp có quyền kiếm lời bằng mọi cách hợp pháp và cách làm trên không có gì sai, nhưng để phát triển thực sự thì các thương hiệu ĐTDĐ Việt rất cần đến “hàm lượng tri thức” để sáng tạo nên những sản phẩm đúng nghĩa của mình. Đó mới là cách phát triển trong nền kinh tế tri thức hiện nay. 

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích