Cảnh giác với trò lừa đảo "1 ăn 10" trên Yahoo! Messenger

Thứ tư, 25/04/2012, 14:18
Với "chiêu" khuyến mại "1 ăn 10", chúng tạo ra sự hấp dẫn để "câu" khách. Nhiều người thấy có website là tin vì tưởng chỉ nhà mạng mới có. Nhưng thực ra, website có đuôi ".tk" là trang mạng miễn phí, bất cứ ai cũng có thể lập mà không bị thu tiền phí bảo trì hằng năm như các website có đuôi khác như ".com" hay ".vn".


Các tin khác

>> Bến Tre: Bộ trường kỷ hiếm có bị trộm bí ẩn
>> Bộ trưởng Thăng nhận lỗi chuyện thu phí đường bộ
>> Hải Phòng: Khởi tố nữ quái chuyên lừa đảo tại các ngân hàng
>> Hà Nội: "Ảo thuật gia" tráo tiền lừa đảo




Ảnh minh họa


Thời gian gần đây, nhiều người bỗng nhận được tin nhắn từ một người nào đó trong list chat của mình với nội dung: "Hiện tại bên viễn thông đang có một chương trình khuyến mãi thẻ nạp dành cho các mạng. Một cái thẻ 300 ngàn có thể nạp vào tài khoản được 3 triệu. Nếu ai chưa đăng ký thì buzz tớ nhá".

Và còn được giải thích thêm: "Tức là một cái thẻ cào, sau khi đã đăng ký, nạp vào tài khoản được 10 lần". Sau đó, mọi người còn được hướng dẫn cách đăng ký:  "Vào website này để đăng ký http://napthetructuyen.tk, sau đó, đợi khoảng 20 đến 30 phút là được".

Dĩ nhiên, không ít người đã làm theo vì nghe có vẻ rất dễ dàng. Khi vào trang http://napthetructuyen.tk, sẽ có những câu hỏi đòi người đăng ký phải cho biết số điện thoại, của nhà mạng nào, số seri thẻ và cả mã số thẻ, mệnh giá tiền rồi nhấn tiếp tục theo hướng dẫn. Nếu ai đã nộp tiền thì sau khi đã nhấn "tiếp tục", sẽ chỉ thấy 1 trang trắng tinh chứ chả phải là một trang mạng gì cả.

Thế là, không cần phải đợi 20-30 phút đã biết ngay là bị sập bẫy. Rõ ràng mục đích chính của việc này là chỉ khai thác thông tin về số điện thoại, số seri thẻ và cả mã số thẻ của nạn nhân mà thôi. Nhưng đã muộn bởi toàn bộ thông tin về điện thoại đã khai báo và bọn lừa đảo đã kịp lưu lại.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để thực hiện được ý đồ, bọn lừa đảo ăn cắp mật khẩu Yahoo! Messenger của một người nào đó, rồi gửi tin nhắn đến những người trong danh sách trò chuyện. Để tạo lòng tin với người mà chúng trò chuyện trên mạng, chúng rất khôn ngoan khi nhấn vào F3 để xem nhật ký tin nhắn, nắm được cách xưng hô, cách nói chuyện của người mà chúng ăn cắp pass với từng người trong danh sách chat, rồi học theo để chat cho phù hợp.

Với "chiêu" khuyến mại "1 ăn 10", chúng dễ dàng tạo ra sự hấp dẫn để "câu" khách. Nhiều người thấy có website là tin vì tưởng chỉ nhà mạng mới có. Nhưng thực ra, website có đuôi ".tk" là trang mạng miễn phí, bất cứ ai cũng có thể lập mà không bị thu tiền phí bảo trì hằng năm như các website có đuôi khác như ".com" hay ".vn".

Một số trang mạng có dịch vụ đổi tiền trong tài khoản sang tiền mặt, nhưng người đổi chỉ được hưởng 80%. Ví như số tiền trong tài khoản là 300.000đ, thì khi đổi sang tiền sẽ chỉ được nhận lại 240.000đ. Dĩ nhiên, dịch vụ này đòi hỏi người đổi phải có đủ cả số điện thoại, số seri thẻ và cả mã số thẻ. Đó là lý do bọn lừa đảo yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân liên quan đến điện thoại.

Cùng với trò khuyến mại lừa đảo như trên, những ngày này, lại đang rộ lên hiện tượng sử dụng trò chat qua Yahoo! Messenger để lừa đảo bằng việc mạo danh bạn bè nạn nhân để nhờ mua card điện thoại và nạp tiền vào tài khoản của chúng. Với cả ngàn lý do "xe hỏng, không đi mua được" hay "mẹ ốm trong viện không ra ngoài được" v.v… bọn lừa đảo khiến nhiều người được nhờ khó có thể chối từ.

Thực tế, chị Vũ Hà An (ngõ 373, Bạch Mai, Hà Nội) đã mất cả triệu đồng để mua 2 thẻ điện thoại rồi nạp tiền cho bạn, vì "cách nói chuyện y như mọi khi nên chả nghi ngờ gì cả".


Theo anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc An ninh mạng BKAV, mọi người cần hết sức cảnh giác, thận trọng trước việc người khác nhờ mua thẻ hay rủ rê tham gia khuyến mại trên mạng, tốt nhất là gọi điện trực tiếp cho người nhờ, người rủ để xác định tính chân thực của việc chuyển tiền. Đặc biệt là cần thận trọng trong việc cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác.

Không nên cho bất kỳ ai mượn mật khẩu, đồng thời, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên Internet. Một giải pháp quan trọng là trang bị các giải pháp kỹ thuật, cập nhật phần mềm bảo mật thường xuyên để chặn virus lây lan từ các đường link độc.
 

Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích