Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và mạng internet toàn cầu là những mối hiểm họa luôn rình rập. Ở mức độ cá nhân, các loại tội phạm trộm cắp nhân dạng “identity theft” gây tổn thất không nhỏ cho người dân. Trên phương diện quốc gia, khái niệm "cyber weapon” (vũ khí kỹ thuật số) và “cyber war” (chiến tranh kỹ thuật số) không còn là những khái niệm thuần lý thuyết.
Không ít cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, xem mạng lưới máy tính “internet” và không gian ảo “cyber space” là các “chiến trường” thực thụ, có thể ảnh hưởng trực tiếp an ninh quốc gia.
Khác với nhiều quân lực thô sơ trên thế giới, toàn bộ chiến thuật quốc phòng của người Mỹ đặt trên hệ thống máy tính. Bom mìn được các vệ tinh GPS dẫn đường; các phi cơ không người lái được điều khiển từ xa, bên kia thế giới, các chiến đấu cơ và chiến hạm vừa là vũ khí tác chiến, vùa là các trung tâm xử lý dữ liệu khổng lồ (data-processing center) đến từng binh sĩ cũng đã mang máy móc, dây nhợ đầy người, không khác nào các máy tính di động. Nếu mạng lưới máy tính gặp trục trặc, sức mạnh huỷ diệt của người Mỹ cũng... bốc hơi. Do đó Mỹ đã có nhiều đầu tư lớn về nhân lực lẫn tiền của nhằm dành thế thượng phong trong cuộc chơi này.
Đặc điểm của “cyber war” là nhiều đợt “tổng tấn công" chỉ mất một vài giây đồng hồ, bằng vài động tác nhấn phím, nhưng có thể gây hiệu ứng dây chuyền lan tỏa khắp thế giới. Để chống lại đối phương giấu mặt, loại bỏ sơ hở, tránh việc bị lãnh đòn trước (có thể quá trễ để... đáp lễ), người Mỹ phải lấy công làm thủ, đi trước nhiều bước. Do đó các loại "cyber weapon" đã được nghiên cứu và phát triển nhằm thu thập các thông tin dữ liệu quan trọng cũng như ra tay tấn công trước khi kẻ địch có ý định phá hoại.
Một trong những loại vũ khí kỹ thuật số mà Mỹ đã sử dụng là mẫu virus Stuxnet, nó được ví như quả bom nguyên tử trên chiến trường không gian ảo. Stuxnet đã tấn công vào hệ thống nhà máy điện hạt nhân của Iran năm 2010, khiến Iran phải thiết lập lại hệ thống hạt nhân của mình trong nhiều năm. Tuy nhiên sau đó con virus này đã rơi vào tay của các tin tặc và hacker trên toàn thế giới, từ đó gây nên một mối lo ngại rằng các loại vũ khí kỹ thuật số do Mỹ nghiên cứu có thể rơi vào tay kẻ xấu và gây hại cho toàn thế giới.
Ông Richard Clarke, cựu giám đốc chống khủng bố Hoa Kỳ, cho biết: "Virus Stuxnet tồn tại một số lỗi khiến cấu trúc của nó lỏng lẻo và dễ bị sự dụng trong các mục đích khác. Nếu bạn là một chuyên gia máy tính, bạn có thể thay đổi một vài chỗ và tạo ra loại vũ khí kỹ thuật số mới, phức tạp hơn nguy hiểm hơn".
Tuy nhiên ông Liam O Murchu, quản lý của các chương trình bảo mật của Symantec, cho rằng: "Trên thực tế rất khó để có thể sử dụng Stuxnet và các biến thể của nó để tấn công một mục tiêu khác khi không có mã nguồn".
Lật lại một trang sử cũ để cùng thầy sự nguy hiểm của cyber weapon nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu. Tháng sáu năm 1982 có một vụ nổ rất lớn, tiêu hủy đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Liên Xô cũ khi đó ở vùng Siberia. Mật vụ Xô Viết điều tra ra một lỗi nặng trong hệ thống máy tính mà gián điệp của họ đã ăn trộm từ Canada. Điều họ không hay biết là dàn máy này trước đó đã được CIA chuyển giao cho Canada, với một số công cụ đặc biệt và tối mật, nhằm chống nạn trộm cắp hoặc khủng bố quốc tế. Hệ thống của CIA có thể điều chỉnh tốc độ bơm dầu, đóng mở các nắp van, thay đổi áp lực đường ống, v.v... Sau khi toàn bộ máy móc lọt vào tay Liên Xô, tình báo Mỹ khởi động hệ thống ngăn ngừa khẩn cấp này. Kết quả là dẫn tới vụ nổ lớn nhất trên thế giới (mà không phải là bom nguyên tử).
Do đó việc sử dụng cyber weapon là một con dao 2 lưỡi, với tầm quan trọng vô cùng lớn trong việc bảo mật thông tin cũng như xâm nhập vào mạng lưới kẻ thù. Tuy nhiên nếu để rơi vào tay kẻ địch, nó có thể quay lưng tấn công chính người đã tạo ra nó và gây nguy hại cho toàn thế giới với sức mạnh và sự nguy hiểm hơn bất kỳ loại vũ khí chiến tranh nào.