Nokia: Con đường trở lại ngôi vương còn lắm gian truân
Thứ tư, 25/04/2012, 10:18
Nokia từng được xem là nhà sản xuất di động lớn nhất trên thế giới và là một trong những tập đoàn di động thành công nhất hành tinh. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như đang thay đổi. Nokia đang trên bờ vực mất đi ngôi vị của mình.
Tuần trước, bản báo cáo tài chính của tập đoàn này đã chỉ ra rằng doanh thu hai quý liên tiếp của hãng sẽ không được như mong đợi. Tập đoàn này đang nỗ lực hành động nhằm giành lại vị thế của mình ở thị trường smartphone châu Âu và Bắc Mỹ.
Nokia sẽ còn phải gặp những khó khăn gì? Tập đoàn này có thể làm gì để xúc tiến nhanh hơn nữa chiến lược sử dụng Windows Phone như con át chủ bài hòng quay lại vị thế hàng đầu trước đây? Bài viết xin trình bày những vấn đề cơ bản nhất mà Nokia đang phải đối mặt trong giai đoạn này.
1. Những con số biết nói
Tuần trước Nokia đã đưa ra báo cáo dự đoán mức doanh thu giảm xuống trong hai quý đầu năm, riêng quý I là giảm 3%. 3% dường như chưa phải là quá lớn, tuy nhiên xét theo tình hình hiện tại thì nó vẫn rất đáng nói.
Doanh số bán hàng quý I không phải là những con số đáng khích lệ nhất là khi so sánh với doanh thu cùng kỳ năm ngoái của Nokia. Năm ngoái, tập đoàn này đã tiêu thụ được 24,2 triệu smartphone. Tuy nhiên, đến năm nay, dù Nokia đã sử dụng Windows Phone như một cải tiến thì con số ấy vẫn giảm đi một nửa chỉ còn là 12 triệu smartphone được tiêu thụ. Trong số 12 triệu chiếc smartphone được bán ra thì đến 83 % vẫn là các smartphone chạy trên nền Symbian và Meego, vốn là các nền di động quen thuộc của Nokia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định có một vài tín hiệu khả quan với tập đoàn này trong quý I vừa qua. Chỉ trong 3 tháng, Nokia đã bán được 2 triệu thiết bị hoạt động trên nền Windows Phone, chiếm 17% tổng doanh số smartphone bán ra. Các thiết bị hoạt động trên nền Windows Phone đang sinh lời cho Nokia. Giá bán trung bình của một di động chạy Windows Phone là 290 USD (khoảng 6 triệu VNĐ), trong khi đó giá của di động chạy Symbian chỉ khoảng 165 USD (khoảng 3,5 triệu VNĐ). Do vậy, dù chỉ chiếm 17% tổng doanh số bán ra nhưng di động chạy Windows Phone lại đem về khoảng 26% tổng doanh thu cho Nokia. Sử dụng Windows Phone được các chuyên gia đánh giá là một bước đi đúng hướng của Nokia trên con đường gian nan quay trở lại ngôi vị bá vương.
Trong quý đầu 2012, smartphone chạy Windows Phone của Nokia đã tiêu thụ được 2 triệu đơn vị trong khi tính đến hết tháng 2-2012, Google đã công bố bán được khoảng 850.000 smartphone Android mỗi ngày. Apple cũng đã tiêu thụ được 37 triệu iPhone trong quý IV năm 2011. Theo các nhà phân tích, Nokia đóng góp 3% tổng lượng smartphone được tung ra thị trường.
Dù Nokia không phải hãng duy nhất sản xuất các thiết bị sử dụng nền Windows Phone. Nhưng chính Nokia mới đóng vai trò quyết định để Windows Phone được biết đến rộng rãi như hiện nay. Các nhà sản xuất trước thường dựa vào các thiết kế vốn chạy nền Android, rồi thay đổi một vài đặc điểm ở các mẫu thiết kế này để có thể chạy nền Windows Phone. Duy chỉ có Nokia là nhà sản xuất các thiết bị dành riêng cho Windows Phone.
2. Không quên dòng điện thoại giá rẻ
Không chỉ lượng smartphone mà Nokia tiêu thụ được trong năm nay đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, mà lượng điện thoại giá rẻ của hãng này cũng đang trên đà tuột dốc. Dòng điện thoại giá rẻ vốn là một thế mạnh của Nokia. Tập đoàn này chiếm tới 70% thị trường điện thoại ở các khu vực ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong quý đầu tiên của năm 2011, Nokia đã bán được 84,3 triệu điện thoại giá rẻ trên toàn thế giới. Nhưng đến quý đầu tiên năm 2012, con số này là 71 triệu đơn vị, giảm khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Nokia, nguyên nhân của sự giảm sút này là do cạnh tranh đến từ Trung Đông, châu Phi và Trung Quốc.
Lời giải thích này của Nokia nhằm nhắc tới công ty ZTE của Trung Quốc. Công ty này đã khiến Nokia mất đi vị trí thống trị cung cấp các điện thoại giá rẻ ở thị trường Trung Quốc. ZTE không chỉ cung cấp các thiết bị giá rẻ hơn Nokia mà còn hướng tới phục vụ nhu cầu riêng của người tiêu dùng nước này. Điện thoại của ZTE cung cấp khả năng sử dụng nhiều sim do đó người dùng sẽ dễ dàng sử dụng được nhiều nhà mạng. Điện thoại sử dụng nhiều sim cũng đang được ưa chuộng ở Ấn Độ và hứa hẹn sẽ được người tiêu dùng trên khắp nơi chào đón. Không chỉ vậy, ZTE còn cạnh tranh với Nokia cả ở các thiết bị chạy hệ điều hành Windows Phone. Đây chính là công ty đầu tiên của Trung Quốc giới thiệu các sản phẩm chạy Windows Phone.
Khi người tiêu dùng chuyển sang sử dụng smartphone, đồng nghĩa với việc doanh số điện thoại giá rẻ sẽ chững lại. Dù điện thoại giá rẻ không biến mất hoàn toàn trên thị trường thì Nokia cũng không thể đủ khả năng duy trì 110.000 nhân viên trên khắp thế giới như hiện nay được nữa.
Doanh số tiêu thụ smartphone và điện thoại giá rẻ giảm, đồng nghĩa với việc Nokia đang dần mất ngôi vương trên thị trường sản xuất điện thoại. Chúng ta cùng làm một phép tính đơn giản như sau: 71 triệu điện thoại giá rẻ và 12 triệu smartphone, như vậy tổng số điện thoại bán ra của Nokia là 83 triệu chiếc trong quý đầu năm 2012. Samsung dù chưa đưa ra con số tiêu thụ chính thức nhưng như các chuyên gia dự báo thì mức tiêu thụ đạt được của hãng này cũng phải từ 85 đến 92 triệu bản di động.
3. Nokia cần làm gì?
Tình hình tiêu thụ di động ảm đạm của Nokia cũng ảnh hưởng trầm trọng tới giá cổ phiếu của tập đoàn này. Tổ chức đánh giá tín nhiệm nợ Moodys đã hạ bậc nợ của Nokia xuống mức BAA3, mức thấp nhất trong mục khuyến nghị đầu tư, điều này đồng nghĩa với việc Nokia đang dần mất đi sự tín nhiệm vốn có của các nhà đầu tư.
Đáng ngại hơn, cổ phiếu của Nokia đang được cảnh báo sẽ giảm 20% trong 2 quý đầu năm 2012. Vào ngày 24-2-2012, giá cổ phiếu Nokia có những thay đổi tích cực trên sàn khi Mobile World Congress diễn ra ở Barcelona với giá 5,8 USD một cổ phiếu thì đến ngày 13-4, giá cổ phiếu của hãng điện thoại Phần Lan lại giảm xuống chỉ còn 4,02 USD. Giá trị vốn hóa thị trường hiện nay của hãng ở mức dưới 15 tỷ USD. Đây quả là một con số đáng báo động vì năm 2010 Nokia có tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 200 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với con số 15 tỷ hiện này. Con số này đã tụt dốc không phanh khi hãng điện thoại này liên tiếp làm ăn thua lỗ, vào tháng 2 năm 2011, giá trị này chỉ còn khoảng 50 tỷ USD.
Giám đốc điều hành Stephen Elop của Nokia đã triển khai một số hoạt động để thúc đẩy lại vị thế của Nokia. Trước hết, ông cho biết sẽ sử dụng Windows Phone cho các smartphone của Nokia để thay thế dần các hệ điều hành đã lỗi thời như Symbian và Meego. Tiếp theo, tập đoàn này sẽ cắt giảm khoảng 10.000 nhân công để giảm chi phí. Đến tháng 9 năm nay công ty này sẽ tiếp tục thực hiện thêm một đợt cắt giảm nhân sự nữa, đồng thời, những hệ thống máy móc cũ sẽ được thanh lý toàn bộ. Elop hy vọng rằng đến cuối năm nay mọi thay đổi về nhận sự và cải tổ công nghệ sẽ thực hiện xong. Ngoài ra, vị CEO này cũng đang cố gắng bán cổ phần ở công ty sản xuất thiết bị di động Nokia Siemens, tuy nhiên tình hình cũng không được mấy khả quan, Nokia Siemens đã công bố kế hoạch sa thải gần một phần tư lực lượng lao động hiện thời.
Dù Stephen Elop đã đưa ra nhiều biện pháp thực hiện nhưng các nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra khá e dè khi đầu tư vào Nokia. Nếu Microsoft tung ra Windows Phone 8, các sản phẩm điện thoại của Nokia chắc chắn sẽ có những bước tiến vững chắc hơn. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định rằng Nokia có đủ khả năng và nguồn lực cho đến khi Windows Phone 8 được tung ra. Ngay lúc này, Nokia cần có những động thái quyết liệt để chứng tỏ khả năng tài chính của mình với các nhà đầu tư nhằm cứu vãn lại tình thế.
4. Những hành động chiến lược của Nokia
A. Bán bằng sáng chế
Hiện tại, Nokia đang sở hữu rất nhiều bằng sáng chế liên quan tới công nghệ kết nối và công nghệ không dây. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều tập đoàn truyền thông và công nghệ sẽ được sử dụng những thiết kế trước đây vốn chỉ có Nokia được quyền sử dụng. Rất nhiều tập đoàn hứa hẹn sẽ là đối tác tiềm năng của Nokia trong thương vụ này như: Microsoft, Apple, Google, Samsung. Đây cũng là một cách giúp Nokia vượt qua được giai đoạn khó khăn trước mắt.
B. Bán bộ phận điện thoại giá rẻ
Dù điện thoại giá rẻ đem về cho Nokia nguồn lợi nhuận khá lớn nhưng smartphone mới là tương lai của Nokia. Nếu bán bộ phận này cho các đối thủ của mình như ZTE hay Huawei sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất điện thoại giá rẻ của Nokia, nhưng đồng thời Nokia cũng có thể bỏ đi hệ điều hành Symbian đã lạc hậu nhằm giảm được chi phí để tập trung vào các hoạt động sống còn. Hơn nữa, nguồn tiền thu về sau vụ mua bán này cũng sẽ trực tiếp giúp Nokia vượt qua khó khăn để đầu tư nhiều hơn vào các smartphone chạy Windows Phone. Tuy nhiên, bán đi các doanh nghiệp điện thoại giá rẻ cũng đồng nghĩa với việc Nokia chấp nhận đặt mình vào vị thế như của Motorola Mobility hay Sony Ericsson trước đây.
C. Bán đi cổ phần Nokia – Siemens
Nokia đang cố gắng để có thể bán đi cổ phần của Nokia trong liên doanh Nokia – Siemens với hãng Siemens AG. Dù chưa quyết định đâu là đối tác chính thức của Nokia trong vụ mua bán này nhưng theo các chuyên gia, nhiều khả năng đó là Motorola Solution hoặc Huawei, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì ba công ty này vẫn có nhiều rắc rối về vấn đề bản quyền cần phải được giải quyết.
D. Bán Navteq
Nokia đã mua lại công ty bản đồ Navteq vào năm 2007 với giá 8,1 tỷ USD để tiếp quản tất cả các tiện ích điều hướng của công ty này cũng như ứng dụng vào sản phẩm Ovi Maps. Nếu Nokia bán Navteq cho Microsoft, đồng nghĩa rằng Bing maps sẽ được nâng cấp với nhiếu tiện ích từ Navteq. Đây cũng là một thách thức với Google maps, chính vì vậy, trong vụ mua bán này, Google cũng có thể sẽ là một đối tác tiềm năng của Nokia.
E. Thay đổi trụ sở
Nokia vẫn được biết đến là công ty di động nổi tiếng Phần Lan. Thế nhưng Phần Lan không phải là mảnh đất màu mỡ cho một công ty sản xuất di động vì giá chi phí và dịch vụ quá cao. Nhiều suy đoán còn cho rằng chính vị trí trụ sở đặt ở Phần Lan đã ngăn cản Nokia theo kịp những bước tiến chóng mặt của ngành công nghiệp di động. Nhà phân tích Lee Simpson của trung tâm nghiên cứu Jefferies ở Luân Đôn đã đề nghị Nokia nên xem xét di dời trụ sở tới khu vực có mức chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, làm như vậy, tức là Nokia cũng để lại một số lượng lớn các giám đốc điều hành chủ chốt và nhân viên kỹ thuật lại Phần Lan.
5. Ứng dụng triệt để Windows Phone
Việc Nokia cần làm ngay lúc này là đưa Windows Phone vào các thiết bị của mình. Cuối năm 2011, Nokia đã tung ra Lumia 800 chạy trên nền Windows Phone ở châu Âu. Mặc dù phản ứng ban đầu của người tiêu dùng không quá tích cực nhưng đến năm 2012 khi Lumia được đưa tới Bắc Âu và Anh, thì dòng sản phẩm này đã nhận được nhiều phản hồi khả quan. Thế nhưng, 2 triệu smartphone chạy Windows Phone được bán ra vẫn chưa được xem là cuộc cách mạng thật sự để thay đổi tình hình hiện giờ của Nokia. Để có thể thu hút được người tiêu dùng, Nokia phải chứng tỏ cho người dùng thấy được rằng Lumia có những tiện ích thật sự vượt bậc so với iPhone và các smartphone Android khác.
Những fan trung thành của Nokia vẫn đang mong chờ ngày quay trở lại ngôi vương của nhãn hiệu nổi tiếng này. Chúng ta hãy cùng chờ xem những nhà cầm quân của Nokia sẽ làm gì để đối phó với tương lai khó khăn trước mắt.