Dù có thiết kế bắt mắt, camera xịn, màn hình cảm ứng mượt... đi chăng nữa thì chiếc smartphone vẫn có thể không đạt được thành công nếu nhà sản xuất không phát triển một hệ thống ứng dụng phong phú và đa dạng.
Đó là một phần lí do các smartphone của Apple (chạy hệ điều hành iOS với kho ứng dụng App Store) và Samsung (chạy hệ điều hành Android với Google Play) luôn dẫn đầu doanh số của thị trường. Vậy giữa Google Play và Apple App Store có những điều gì thú vị?
1. Số người tham gia thiết kế ứng dụng
Mặc dù các điện thoại chạy HĐH Android chiếm hơn 50% thị phần smartphone hiện nay, nhưng số người tham gia phát triển ứng dụng trên Google Play lại ít hơn App Store 4 lần. Lí do rất đơn giản: hệ sinh thái iOS và App Store đã phát triển trước rất lâu.
2. Phí thành viên
Cả Google Play và Apple App đều đòi hỏi người dùng phải trả một khoản phí nhất định mới có thể đăng tải ứng dụng mới. Tuy nhiên, nếu một nhà phát triển phần mềm muốn sản phẩm của mình lên App Store, anh ta sẽ phải trả cho Apple 99 USD trong khi với Google Play là 25 USD. Google cũng luôn lo lắng về việc mức phí thấp như thế này sẽ khiến cho Google Play đầy những ứng dụng "rác".
3. SDK và ngôn ngữ lập trình
Apple cung cấp ngôn ngữ Xcode cho những người muốn phát triển ứng dụng trên Mac, iPad và iPhone. Công cụ OS WebKit giúp ngăn chặn việc người dùng sử dụng Objective-C, C++, C hay JavaScript để xây dựng các ứng dụng trên iOS. Với Google, hãng này cung cấp bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) miễn phí. Phần lớn các ứng dụng trên Android đều được lập trình bằng Java, nhưng C, C++ cũng vẫn được phép sử dụng.
4. Tải ứng dụng và sự phân mảnh trong nâng cấp HĐH
Điều gây thất vọng nhất cho những người phát triển ứng dụng trên Android đó là nhiều thiết bị chạy HĐH này không được cập nhật bản mới nhất là ICS, số lượng những chiếc Android được nâng cấp lên ICS vẫn không vượt quá 3% tổng số các thiết bị Android. Nhưng ở các thiết bị iOS lại hoàn toàn không có sự phân mảnh như vậy, tốc độ cập nhật HĐH rất nhanh và đồng đều, số lượng máy được cập nhật lớn.
Hơn nữa, theo tờ GigaOm, 45% người dùng iPhone và iPod touch mua ít nhất 1 ứng dụng trên App Store mỗi tháng. Trong khi đó, chỉ có 19% người dùng Android tải một ứng dụng trả phí mỗi tháng. Số lượng ứng dụng iOS tải về luôn gấp đôi số lượng ứng dụng Android.
5. Số lượng các ứng dụng
AppBrain - trang web cung cấp các ứng dụng Android tốt nhất thống kê rằng hiện Google Play đang sở hữu 430.000 ứng dụng tại thời điểm này, trong đó 311.000 (72%) ứng dụng miễn phí.
Trong khi đó, 148apps tính toán được có tới 625.000 ứng dụng trên App Store, mức giá trung bình cho mỗi ứng dụng là 2,02 USD và chỉ có 287.000 (chiếm 46%) tổng số ứng dụng trên App Store được cung cấp miễn phí.
6. Lưu trữ đám mây
Nếu bạn sở hữu các thiết bị đa phương tiện, đồng bộ hóa tất cả các ứng dụng, bài hát hay sách có thể là một công việc rất tẻ nhạt. Đó chính là lí do vì sao cả Apple và Google đều cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây. iCloud của Apple có nhiệm vụ lưu trữ tất cả những ứng dụng mà người dùng đã mua và tự động đồng bộ cho iPhone hay iPad.
Dịch vụ của Google tiến bộ hơn so với iCloud ở chỗ khi người dùng ghé thăm Google Play, họ có thể đồng thời xem xét cả kho âm nhạc, sách, ứng dụng, phim... của mình nếu thiết bị của họ có kết nối Internet.
7. Quản trị nội dung
Nhắc tới iOS là phải nhắc tới iTunes. Đây vốn đã là phần mềm không thể thiếu đối với các "iFan" khi họ muốn nghe, tải nhạc hoặc phim về máy, lập danh sách bài hát...
Cùng với việc thay đổi cái tên Android Market thành Google Play, Google cũng giới thiệu công cụ quản trị đám mây có chức năng tương tự iTune của Apple.