Không giống như Siri hay các phần mềm tương tự khác trên điện thoại, công nghệ này luôn luôn chạy ngầm trên máy và luôn luôn lắng nghe bạn, để khi cần thì bạn có thể ra lệnh mở khóa nó bất cứ lúc nào chứ không cần dùng đến thao tác tay. Sensory cho biết họ còn liên kết với hãng làm chip Tensilica để tích hợp công nghệ này thẳng lên con chip để tiết kiệm năng lượng trong lúc nó chạy ngầm.
Việc để một ứng dụng chạy ngầm liên tục trên điện thoại có thể khiến máy bị tụt pin rất nhanh. Theo Sensory, khi tích hợp công nghệ này lên chip thì nó chỉ tiêu tốn khoảng 5-10mA nên sẽ không gây hao pin nhiều cho thiết bị.
Sensory nói công nghệ mới của họ ngoài việc nhận dạng giọng nói còn có thể nhận diện luôn cả người nào đang nói. Điều này cho phép các nhà sản xuất có thể tăng cường khả năng bảo mật của điện thoại, không những phải nói đúng cụm từ mở khóa mà còn phải do chính chủ đọc ra thì máy mới chấp nhận.
Trước đây, công nghệ nhận dạng của Sensory được sử dụng khá nhiều trên phần mềm Vlingo, điện thoại GALAXY SII, GALAXY Note và cả trên tai nghe Bluetooth BlueAnt V1. Hãng cho biết họ sẽ trình diễn công nghệ mới nói trên tại triển lãm CTIA Wireless 2012 diễn ra vào tuần sau.