Thiếu đầu tư, robot của sinh viên khó "sống"

Thứ ba, 22/05/2012, 00:06
Những sản phẩm tham dự cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam năm nay đều mang tính tiện ích, có khả năng ứng dụng cao. Tuy nhiên, để những dự án robot trên được phát triển hoàn thiện hơn thì rất cần có sự hỗ trợ từ nhà trường và xã hội.

>>Robot gắn tường có thể bắt chước cảm xúc của con người 
>> Robot làng chơi cạnh tranh trong "chuyện ấy"

Robot tự động sẽ "lấn lướt"

Theo thông tin từ BTC cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam, sau Vòng chung kết (VCK) diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào tháng 8 tới thì sang năm 2013, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai tổ chức VCK robocon Châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Trưởng ban thường trực cuộc thi tiết lộ, đề thi VCK Robocon Châu Á - Thái Bình Dương năm 2013 do Việt Nam làm chủ nhà sẽ có nhiều thay đổi lớn.

Cụ thể là sự xuất hiện của robot bằng tay chỉ chiếm 20 - 30 giây trong khoảng thời gian 3 phút của 1 trận đấu, thay vì chiếm quá nửa thời gian như suốt thời gian qua. Cùng đó , robot sẽ không di chuyển theo những đường vạch thẳng có sẵn mà thay vào đó địa hình sẽ là sự linh hoạt với đường thẳng, đường cong, ngang… khác nhau. Sự thay đổi này đòi hỏi các đội phải đầu tư nhiều hơn cho việc lập trình.

"Đây được coi là một trong những đề thi khó nhất từ trước đến nay", ông Tiến nói. Đồng thời cũng nhấn mạnh BTC Sáng tạo Robot Việt Nam nghiên cứu nâng cao chất lượng cuộc thi, tăng cường các hoạt động bên lề để xứng tầm một sân chơi công nghệ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Cần được đầu tư để khuyến khích sáng tạo

Tương tự như nhiều năm trước, trong khuôn khổ cuộc thi Robocon 2012 cũng diễn ra Triển lãm khoa học công nghệ Robocon Techshow 2012 với 15 sản phẩm đến từ 11 trường ĐH trong cả nước.
 

He-thong-canh-bao-lai-xe-an-toan.jpg

Hệ thống cảnh báo lái xe an toàn.
 

Robot người của ĐH Lạc Hồng - trường có đội vô địch Robocon 2012 và giành suất duy nhất đại diện cho Việt Nam tham dự Robocon Châu Á - Thái Bình Dương tại Hong Kong - có thể nhận diện được "chủ nhân" và làm theo động tác của người đó như bắt tay, vẫy chào, cúi đầu… và có thể mang nước, vận chuyển đồ gia dụng…ĐH Lạc Hồng còn mang tới Hệ thống cảnh báo lái xe an toàn với những cảm biến giúp cho người điều khiển xe tránh được tai nạn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đánh giá của BTC cho thấy, robot tham gia Robocon Techshow năm nay đều có khả năng áp dụng vào cuộc sống, góp phần thay thế sức lao động của con người trong những công việc phức tạp. 

Đó là máy rửa quả lọc và dây dẫn máu cho máy thận nhân tạo của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, robot dò mìn trên mọi địa hình của sinh viên ĐH Sao Đỏ (Hải Dương), hệ thống do thám và thu thập hình ảnh của ĐH Bách khoa TP.HCM, robot người của ĐH Lạc Hồng, Mobile Robot được điều khiển bằng smartphone qua Internet của ĐH Công nghiệp Hà Nội…

Sinh viên ĐH Sao Đỏ cũng trình diễn robot dò tìm kim loại được gắn một camera nhằm thu lại các hình ảnh trên đường đi, kết hợp với một cảm biến nhận biết kim loại cho phép dò mìn với khoảng cách 15 cm và khoảng cách dò mìn sẽ sâu hơn, từ 5 – 10m, nếu được trang bị thiết bị chuyên dụng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, những sản phẩm robot năm nay đều mang tính tiện ích, có khả năng ứng dụng cao, chứng tỏ được sức sáng tạo của sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, để những dự án robot trên được phát triển hoàn thiện hơn thì rất cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn, trang thiết bị từ phía nhà trường và xã hội

Theo ictnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích